Phim hài Việt chiếu rạp mùa Tết Bính Thân: Tía tui là cao thủ. |
Sự chia rẽ
Từ việc làm rạp và phát hành phim ngoại, hiện tại các nhà phát hành phim ngoại đã vừa đầu tư sản xuất phim Việt vừa phát hành luôn các phim này nên ngay trong hệ thống làm phim Việt đã có sự chia rẽ lớn.
Một đạo diễn Việt đưa ra ý kiến cá nhân của anh rằng “các nhà phát hành ưu ái phim “Tây” phim “Tàu” là đúng rồi, họ đâu có bỏ tiền hàng chục tỉ sản xuất phim đâu mà chỉ bỏ ra số tiền ít ỏi phí phát hành là gom tiền tỉ, nên đôi khi họ ép phim Việt cũng không quá khó hiểu”.
Thực tế của việc sẽ không có bất kỳ bảo hộ nào của Nhà nước với việc nhập phim sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chuyện không còn phải bàn cãi.
Thế nên con số 100 phim ngoại, rồi 200 phim ngoại và có thể nhiều hơn nữa phim ngoại “oanh tạc” phòng vé rạp Việt trong tương lai cũng là một “liều thuốc đắng” mà người làm phim Việt phải cam chịu.
Không thể đổ lỗi cho khán giả với lựa chọn của họ, công bằng mà nói khán giả Việt vẫn rất yêu phim Việt. PV Tuổi Trẻ khi mua vé vào rạp xem Mỹ nhân ngư đã sửng sốt khi nghe thấy hai khán giả trung niên đi trước phàn nàn: “Cứ tưởng là phim Việt chứ, đâu phải đâu!”.
Phim Siêu trộm. |
Điện ảnh Việt tự hại nhau?
Câu chuyện phim Việt bị “đẩy” ra khỏi rạp trên chính sân nhà được nhóm lên khi rất nhiều khán giả đến rạp tìm phim Siêu trộm - một phim Việt chiếu tết nhận được nhiều phản hồi tốt - thắc mắc họ hầu như không thể tìm được giờ chiếu phim hoặc không thể canh mua được vé phim này, ngoại trừ ở cụm rạp BHD - đơn vị sản xuất của bộ phim.
Và điều này không chỉ xảy ra riêng với Siêu trộm!
Có kinh nghiệm nhiều năm làm phim cả trong và ngoài nước, đạo diễn Hàm Trần chia sẻ: “Thực tế nền công nghiệp phim Việt khoảng một năm trở lại đây đã lớn mạnh hơn rất nhiều và tôi hứng khởi nhất với việc ai muốn làm phim đều có thể tìm cơ hội cho mình.
Nhưng trong sự phát triển ấy cũng tiềm ẩn một nguy cơ!
Tôi lấy Thái Lan, Singapore, Malaysia, số lượng phim làm ra trong những năm gần đây quá nhiều nhưng họ lại không có chính sách bảo vệ phim của mình, ai cũng chạy đua doanh số, và bùm: chiếc bong bóng ngày càng lớn của thị trường phim bị phá vỡ!
Có một điều dễ thấy là số lượng rạp chiếu phim hiện nay tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nếu phim Việt không hỗ trợ lẫn nhau mà lại “chiến đấu” theo kiểu: nhà sản xuất này thấy phim của mình có ít suất chiếu ở cụm rạp kia thì cũng “cắt” luôn các suất chiếu của phim kia ở cụm rạp mình, cuối cùng điện ảnh Việt sẽ tự giết nhau”.
Phim hài Việt chiếu tết Lộc phát. |
Tập đoàn nước ngoài thâu tóm hết?
Tháng 10-2015, nhân lần đầu tiên Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN được thành lập với 50 thành viên hiện tại từ các nhà phát hành tư nhân Việt và các nhà phát hành địa phương nhằm chống lại sự thôn tính từ các doanh nghiệp phát hành phim “cá mập” của nước ngoài, bà Ngô Thị Bích Hạnh (phó chủ tịch kiêm trưởng ban nghiên cứu thông tin thị trường của hiệp hội), trong khi trả lời PV Tuổi Trẻ, có nói một ý rằng “hiệp hội mong muốn tập hợp được tiếng nói và sức mạnh của những người phát hành phim Việt với tinh thần dân tộc để có thể đoàn kết, phối hợp bảo vệ điện ảnh VN khỏi sự thâu tóm hoàn toàn của các tập đoàn nước ngoài”.
Ý kiến này cho thấy nỗi lo ngại trước việc sân chơi điện ảnh Việt đang phải chơi bằng luật chơi áp đặt từ các nhà phát hành, làm rạp nước ngoài ở VN là hoàn toàn có thật.
Thế nhưng với “tình cảnh” phim Việt hiện tại, có lẽ nỗi lo bị “cá mập” ngoại nuốt cũng không lớn hơn nỗi lo hiện hữu, rằng chính phim Việt đang “giết” nhau. Siêu trộm bị ghẻ lạnh dù chất lượng phim tốt cho thấy câu hữu xạ tự nhiên hương không còn hợp thời.
Những dị biệt kiểu được truyền thông ủng hộ, câu chuyện nhân văn, mà khán giả cũng ùn ùn đến rạp như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại không phải năm nào cũng có.
Nhà nước - với việc tạo cơ chế để điều tiết trên cơ sở hợp pháp và hợp hiến, hay tư nhân - với đồng tiền liền khúc ruột... sẽ góp tay thay đổi tích cực hiện trạng này? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời!?