Trong vòng 10 năm qua, số lượng rạp chiếu phim tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành tăng lên chóng mặt. Cộng thêm số tác phẩm cũng tăng dần qua từng năm, điện ảnh Việt Nam đã dần trở nên khởi sắc hơn, ít nhất là về “lượng”.
Nhiều nhà làm phim trẻ từ nước ngoài trở về, kết hợp với các thế hệ nhà làm phim “cũ” tạo nên bước đột phá về việc sản xuất phim trong những năm gần đây.
Kỷ lục liên tục bị xô đổ
Kể từ năm 2013 tới nay, kỷ lục phòng vé đối với phim Việt cứ thế bị phá vỡ. Dẫn đầu danh sách hiện nay là Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - tác phẩm làm lại từ bộ phim Hàn Quốc Miss Granny (2014), với doanh thu vào khoảng 102,3 tỷ đồng.
Thái Hòa hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “ông hoàng phòng vé” khi ba bộ phim kế sau đều có sự góp mặt của anh, bao gồm Để Mai tính 2 (2014) với 101,3 tỷ đồng, Tèo em (2013) 86,4 tỷ đồng và Quả tim máu (2014) 85 tỷ đồng.
Biểu đồ doanh thu các bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất. Đồ họa: Phượng Nguyễn |
Tạo được hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội trước giờ ra rạp, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ cũng thu về 80 tỷ đồng hồi cuối năm 2015. Nhờ ca sĩ Sơn Tùng M-TP sắm vai chính mà bộ phim Chàng trai năm ấy gây sốt khi trình chiếu hồi đầu năm 2015 và đạt hơn 70 tỷ đồng.
Ngay cả những bộ phim gây tranh cãi lớn về mặt nội dung như Lật mặt của Lý Hải và 49 ngày của bộ đôi Trường Giang - Nhã Phương vẫn thu lợi lớn, gây ngạc nhiên cho chính nhà sản xuất.
Hay mới nhất, Tấm Cám: Chuyện chưa kể sau hàng loạt lùm xùm trước giờ ra rạp đã có được 33,5 tỷ đồng chỉ sau 6 ngày trình chiếu. Tấm Cám tràn trề hy vọng vượt mức 50 tỷ đồng vào cuối tuần này để có thể thu lãi.
Anh Nguyễn Hoàng Phương, phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD), nhận định: “Góp phần tăng doanh thu cho phim Việt lúc này còn là nhu cầu giải trí tăng cao của công chúng, đặc biệt là thế hệ khán giả trẻ có hiểu biết.
Khâu phát hành, quảng cáo và PR của các đơn vị tại Việt Nam hiện khá chuyên nghiệp và hiệu quả. Chưa kể sự phát triển vượt bậc của công nghệ số và mạng xã hội còn giúp họ tiếp cận khán giả dễ dàng hơn bao giờ hết”.
Khi “chuyện bình thường” xảy ra hơi nhiều
Trở lại danh sách top ten phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại, có những tác phẩm được cả báo chí lẫn khán giả dành cho nhiều lời ngợi khen, như Em là bà nội của anh hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Song một số tác phẩm khác lại từng gây tranh cãi lớn, hay thậm chí còn bị đánh giá thuộc dạng trung bình kém. Không ít người sau khi theo dõi Để Mai tính 2 đánh giá đây chỉ là phim thuộc dạng “hài nhảm”, với kịch bản thiếu đi sự logic và nhiều pha gây cười dễ dãi.
Nhưng có người lại cho rằng bộ phim đơn thuần mang tính giải trí, rất dễ xem và chỉ diễn xuất đến từ Thái Hòa thôi cũng đủ khiến họ cảm thấy thỏa mãn.
Cho đến giờ, vẫn có không ít người không "phục" thành công về mặt doanh thu của Để Mai tính 2. Ảnh: CGV |
Hay như trường hợp của 49 ngày, phim trở nên nóng lên khi có tin đồn “phim giả tình thật” giữa Trường Giang và Nhã Phương ngay trước thời điểm khởi chiếu.
Điều đó khiến nhiều người, đặc biệt là fan của hai ngôi sao, cảm thấy tò mò và mua vé. Bản thân chất lượng bộ phim không cao, và còn bị hoài nghi là “mượn” ý tưởng từ Hello Ghost (2010) của điện ảnh Hàn Quốc.
Những lùm xùm giữa nhà rạp CGV và đơn vị phát hành BHD, hay sự kiện Ngô Thanh Vân bật khóc tại lễ ra mắt giúp Tấm Cám: Chuyện chưa kể, gây ra sự tò mò lớn với công chúng.
“Đả nữ” có lần chia sẻ về kỳ vọng bộ phim sẽ là cột mốc mới đối với điện ảnh Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đây mới chỉ là một bộ phim Việt ở mức trung bình khá, dù có tính giải trí cao nhưng còn tồn tại nhiều “sạn” trong khâu thực hiện và chưa thể đạt đến mức xuất sắc.
Dĩ nhiên, nỗ lực của Ngô Thanh Vân là không thể bàn cãi, và cô chỉ có đúng 1 triệu USD (23 tỷ đồng) để thực hiện một tác phẩm thuộc thể loại hành động kỳ ảo. Điều đó khiến nhiều người “châm chước” cho Tấm Cám ở một mức độ nhất định.
Chuyện phim không hay mà vẫn đạt doanh thu cao chẳng phải điều gì lạ lẫm trên thế giới, thậm chí là hoàn toàn bình thường. Như loạt Transformers của Michael Bay bị giới phê bình đánh giá rất thấp kể từ phần 2, nhưng vẫn giúp cho hãng Paramount thu đến hàng tỷ USD và sắp trình làng phần 5.
“Chỉ có điều, chuyện ‘bình thường’ ấy lại xuất hiện ở Việt Nam hơi nhiều. Có một thực tế rằng phim dở của điện ảnh Việt Nam nhan nhản ngoài rạp, nên tỷ lệ ‘chuyện bình thường’ xuất hiện nhiều hơn, khiến không ít người sứt mẻ niềm tin vào nền điện ảnh nước nhà”, anh Hoàng Phương đánh giá.
Trang BrandsVietnam sử dụng công cụ IMONITOR để đo lường cảm xúc của công chúng xung quanh bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 700 lượt nhắc đến tác phẩm của Ngô Thanh Vân trên mạng xã hội. Ảnh: BrandsVietnam |
Cho đến giờ, hài hước vẫn là thể loại “an toàn” nhất đối với các nhà làm phim Việt: kinh phí sản xuất không quá cao, nhưng lại dễ thu lời. Đôi lúc, thị trường Việt Nam trở nên khó lường như trường hợp “ngã ngựa” mới đây của Fan cuồng (2016) đến từ chính bộ sậu đứng sau Để Mai tính 2 và Tèo em.
Nhưng hiện công thức chung của phim Việt vẫn là sử dụng dàn diễn viên có xuất thân khác nhau: diễn viên chuyên nghiệp, danh hài, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng… Sự có mặt của họ giúp cho việc quảng cáo tác phẩm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu có ai đó phàn nàn rằng phim Việt đang PR quá đà, thì Hollywood cũng có những chiêu bài tương tự để mong thu về nhiều lợi nhuận nhất. “Khán giả ngày nay cần trang bị cho mình nhiều kiến thức hơn trước khi ra rạp, chọn đúng phim và đặt đúng kỳ vọng trước khi ra rạp trước khi đưa ra nhận xét cá nhân về cả một tác phẩm”, anh Hoàng Phương nói.
Ở nước ngoài, giới phê bình phim là lực lượng sở hữu tiếng nói quan trọng, có thể gây ảnh hưởng tới mặt doanh thu của một bộ phim. Anh Hoàng Phương khẳng định: “Các nhà phê bình phim cần công tâm hơn trong việc nhận xét tác phẩm, kể cả phim nội lẫn phim ngoại".
"Phê bình phim chính là một trong những điểm yếu hiện tại của nền điện ảnh Việt Nam mà nhiều người lãng quên. Nếu họ có cái nhìn chính xác, người hưởng lợi nhiều nhất chính là khán giả”, anh nhấn mạnh.