Chiều 21/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cụm rạp ở TP.HCM tổ chức hội thảo "Thúc đẩy điện ảnh Việt Nam hậu Covid-19". Tại sự kiện, các nhà làm phim, phát hành nhận định điện ảnh năm 2020 phải đối diện với nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, nhiều bộ phim dời lịch chiếu, thậm chí không thể sản xuất.
Tuy nhiên, theo đại diện các nhà phát hành, trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội cho phim Việt. Họ khuyến khích các nhà làm phim Việt nên tận dụng thời điểm chưa có phim Hollywood ra mắt để công chiếu, chinh phục khán giả.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV cho biết năm 2018, các cụm rạp có doanh thu 2.253 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên là 4.148 tỷ đồng. Ông dự đoán với tốc độ phát triển, điện ảnh Việt có thể đạt 120 triệu lượt xem trong năm 2024.
"Mất hơn một tỷ đồng khi dời lịch chiếu phim"
Trái ngược với cái nhìn lạc quan của nhà phát hành, các nhà sản xuất lại tỏ ra lo ngại về thị trường phim ảnh hậu Covid-19. Trao đổi với Zing sau hội thảo, Lý Hải cho biết bộ phim Lật mặt 5 do anh sản xuất, đạo diễn phải dời từ 30/4 đến Tết Nguyên Đán 2021. Anh cho hay việc dời lịch chiếu là việc bất khả kháng.
Lý Hải và Minh Hà dự hội thảo chiều 21/9. Ảnh: BTC. |
"Nếu không vì dịch bệnh, chúng tôi không bao giờ dời lịch chiếu. Việc dời lịch khiến số tiền đầu tư tăng thêm. Bình thường, một bộ phim phải đầu tư 4-5 tỷ đồng cho kế hoạch PR. Và tôi đã mất 1/3 số tiền PR vì phim dời lịch. Tiếp đó, nếu phim ra mắt vào dịp Tết, tôi ước tính số tiền dành cho PR phải tăng nhiều, lên 6-8 tỷ đồng mới đủ sức để kéo khán giả tới rạp".
Lý Hải đặt câu hỏi với số tiền lớn đầu tư, liệu nhà sản xuất có đủ can đảm để ra mắt phim trong thời gian dịch bệnh? Anh cho rằng các cụm rạp đưa ra các tiêu chí giúp điện ảnh vực dậy hậu Covid nhưng vẫn mơ hồ, chung chung.
Nhìn nhận về thói quen đến rạp xem phim của khán giả sau gần một năm ảnh hưởng của dịch bệnh, Lý Hải cho rằng vẫn là câu hỏi khó.
"Tình hình dịch mới tạm ổn hơn 2 tuần qua. Trong một tháng nữa, nếu dịch được khống chế, cuộc sống của người dân mới trở lại guồng bình thường. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh vẫn rất lớn, tới nhiều ngành nghề trong cuộc sống, không riêng điện ảnh. Trước đây, khán giả có thể ra rạp 5 lần/tháng, bây giờ có khi chỉ 2-3 lần do kinh tế khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Mọi người đều sống trong tâm thế lo lắng, không biết dịch có trở lại không. Thực tế, giải trí luôn xếp sau các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc", Lý Hải lý giải.
"Đừng coi phim ảnh như dưa hấu mà kêu gọi giải cứu"
Cũng như Lý Hải, đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh có hai phim bị dời lịch chiếu gồm Trạng Tí và Tiệc trăng máu. Nam đạo diễn cho rằng để khán giả đi xem phim, ủng hộ phim Việt không thể kêu gọi chung chung. Theo anh, phim Việt có cơ hội chiếm thị phần khi phim Hollywood chưa ra mắt bom tấn. Nhưng thói quen ra rạp của khán giả Việt lại do có phim Hollywood. Do đó, ít có phim ngoại, lượng khán giả sẽ giảm nhiều.
Nhà làm phim nói thêm: "Các nhà phát hành cần có khảo sát xã hội học, hỏi khán giả vì sao ít đến rạp phim so với trước. Từ đó, chúng ta mới giải quyết triệt để vấn đề. Chúng ta cũng không thể kể sản xuất phim khổ thế nào. Khán giả không quan tâm điều đó. Đừng xem phim ảnh như dưa hấu mà kêu gọi giải cứu".
Trương Ngọc Ánh cho rằng điện ảnh Việt hiện gặp nhiều thách thức hơn cơ hội. Ảnh: BTC. |
Trong khi đó, Trương Ngọc Ánh trao đổi với Zing: "Những con số các nhà phát hành đưa ra là cơ hội lớn cho phim Việt nhưng thực tế còn có nhiều thách thức. Thay đổi thói quen của khán giả một năm nay không xem phim rạp là điều khó khăn. Các nhà làm phim, phát hành cần trả lời được câu hỏi làm sao để khán giả thấy rằng ra rạp an toàn, cảm nhận được không khí, kỹ xảo, âm thanh sống động, khác biệt so với ở nhà".
Nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất cho rằng: "Không còn cách nào, các nhà sản xuất, phát hành phải bắt tay nhau. Cơ quan nhà nước cần hỗ trợ để kích cầu cho điện ảnh phát triển. Muốn vậy, các nhà phát hành cần đưa ra những phương án cụ thể về giảm phí phát hành, phân chia tỷ lệ, hỗ trợ quảng cáo. Sau hội thảo này, tất cả những phương án đó cần phải triển khai và đưa vào thực tế".