Lễ hội áo dài TP HCM 2016 vừa khai mạc vào sáng nay (8/3) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM. Đây là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh tà áo truyền thống của dân tộc, góp phần bảo tồn và quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Xuất hiện tại buổi khai mạc Lễ hội áo dài với chiếc áo dài màu vàng chanh thướt tha, duyên dáng, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu đã chia sẻ với Zing.vn về tác động của lễ hội với văn hóa TP HCM.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Bá Ngọc |
- Chào bà, bà thường mặc áo dài trong những dịp nào?
- Tôi thường mặc áo dài trong các dịp lễ hội, đầu năm đi chúc Tết người thân, gia đình, những cuộc họp. Đặc biệt với những cuộc họp với bạn bè quốc tế, tôi chọn mặc áo dài để nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và giới thiệu với bạn bè quốc tế về việc ở Việt Nam có tà áo dài rất duyên dáng.
- Cảm xúc của bà thế nào mỗi khi mặc áo dài?
- Khi có dịp mặc áo dài tôi luôn cảm thấy tự tin vì trang phục truyền thống đã đem tới cho tôi sự duyên dáng, năng động. Tôi không cảm thấy khó khăn khi mặc chúng trong các hoạt động lễ hội, hội họp hay điều hành các hoạt động công việc của mình. Ngược lại, tôi còn cảm thấy năng động, sáng tạo hơn vì sự tự tin áo dài đem lại.
- Theo bà, trong dịp lễ hội, mọi người nên mặc áo dài cách tân hay truyền thống?
- Mỗi loại áo dài sẽ có nét đẹp riêng. Tuy nhiên, nếu mình biết chọn thiết kế truyền thống ở hoàn cảnh nào cho phù hợp thì sẽ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Không có áo dài nào xấu mà chúng ta nên biết mặc nó trong lúc nào cho đẹp và phù hợp với vóc dáng của mình.
- Trong đợt thành phố kêu gọi người dân mặc áo dài ở các hoạt động đời thường, nhiều người hưởng ứng nhưng bên cạnh đó có những ý kiến cho rằng thiết kế này gây khó khăn trong các hoạt động? Bà nghĩ sao về điều này?
- Hiện nay tôi thấy lời kêu gọi của Sở Du lịch trong Lễ hội áo dài TP HCM năm nay rất khả thi bởi vì sau đợt vận động tất cả sở ban ngành trong địa bản thành phố, đều mặc áo dài. Trên đường phố tôi thấy nhiều người mặc áo dài dạo phố. Điều này cho thấy sự ủng hộ nhiệt tình và sự lan tỏa của lễ hội trong đời sống.
- Bà đánh giá thế nào sự tác động của Lễ hội áo dài tới văn hóa của TP HCM?
- Sau 2 lần tổ chức, đến năm thứ 3, Sở Du lịch đã rút kinh nghiệm từ các lần trước, mở rộng các hoạt động để lễ hội thật sự đi vào đời sống của người dân, kể cả cộng đồng người nước ngoài tại thành phố. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động đã góp phần truyển tải văn hóa của người Việt Nam. Tôi tin rằng, lễn hội áo dài không chỉ diễn ra trong 2 tuần mà sẽ để lại nhiều nét đẹp trong lòng người dân thành phố và sẽ được người dân hưởng ứng sâu rộng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu tin rằng Lễ hội áo dài sẽ lan tỏa sâu rộng vào đời sống người dân. Ảnh: Bá Ngọc |
- Bà có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ trong dịp Lễ hội áo dài 2016?
- Đối với thế hệ trẻ, các bạn rất năng động, có nhiều lựa chọn về trang phục để làm đẹp cho mình. Tôi cũng đã bắt gặp nhiều loại trang phục, trong đó có áo dài cách tân được các bạn lựa chọn. Mỗi loại có loại đẹp riêng, quan trọng là chúng ta biết chọn mặc trong dịp nào, sự kiện nào.
Nếu trang phục phù hợp với nơi chúng ta tham dự sẽ làm bản thân năng động, duyên dáng hơn. Tôi nghĩ chiếc áo dài truyền thống đáp ứng đầy đủ những yếu tố đó. Vì vậy, tôi mong muốn các bạn trẻ đừng quên duy trì mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng để góp phần truyền bá Việt Nam đến bạn bè quốc tế, giữ gìn bản sắc dân tộc.
- Ngoài lễ hội áo dài, sắp tới thành phố có những chương trình gì nhằm tôn vinh văn hóa, đưa TP HCM trở thành thành phố đáng sống?
- Chắc chắn là có rồi. Hiện nay Sở Văn hóa thông tin là đơn vị sẽ tham mưu cho UBND thành phố về kế hoạch tuyên truyền hoạt động văn hóa, để làm sao chú ý phát triển TP HCM hiện đại, hòa nhập với bạn bè quốc tế nhưng không mất đi tinh hoa truyền thống dân tộc.