Chiều 8/8, ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Nam Sách, Hải Dương) cho biết đã làm báo cáo gửi cấp trên về vụ bút phê "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương" vào sơ yếu lý lịch của một người dân.
Vị Phó chủ tịch xã giải thích rằng ông chưa nắm được công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc xác nhận lý lịch.
Nhận sai
“Sau khi nắm bắt thông tin, tôi đã xem và biết rằng theo quy định là mình đã làm sai”, ông Thực bày tỏ và thông tin thêm, sau khi sự cố xảy ra, UBND xã cùng gia đình chị Quyên đã trao đổi để tìm cách giải quyết.
Ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết theo quy định, ông đã làm sai . Ảnh: Hoàng Lam. |
Chia sẻ với Zing.vn tại trụ sở UBND xã, ông Thực cho hay bản thân là cán bộ được luân chuyển sang Phó chủ tịch xã từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hơn 1 năm, việc tiếp cận văn bản, thông tư gửi về chưa đến tay.
Theo vị cán bộ, khi xác nhận lý lịch, ông thường kiểm tra sổ hộ tịch, hộ khẩu của người dân xem họ có đăng ký ở địa phương hay không. Ngoài ra, cán bộ xã còn xem người này có chấp hành đường lối, chính sách của Nhà nước và địa phương.
"Chúng tôi vẫn thường làm như thế bởi vì chưa nắm bắt, tiếp cận được công văn số 1520 của cơ quan thuộc Bộ Tư pháp ban hành năm 2014", ông Thực nói.
Về vụ việc đang gây xôn xao, ông Thực cho biết đây là lần đầu tiên ông ghi bút phê với nội dung “chưa chấp hành quy định của địa phương” vào phần xác nhận ở mặt sau bản sơ yếu lý lịch.
“Chính vì không nắm được thông tư kia nên tôi mới ghi xác nhận như vậy, để động viên mọi người chấp hành quy định, qua đó giúp cho công tác của địa phương”, ông Thực lý giải.
Theo ông Thực, trước khi ghi nội dung chưa chấp hành vào phần xác nhận, cô gái và người nhà đi cùng đã đồng tình. Vị cán bộ cho hay nếu gia đình cô gái 23 tuổi có nguyện vọng, ông sẽ khắc phục bằng việc xác nhận lại.
3 lần đến xin xác nhận lý lịch
Một ngày sau khi nhận sơ yếu lý lịch với bút phê của Phó chủ tịch xã, chị Quyên vẫn chưa mang bộ hồ sơ đi xin việc làm.
Kể với Zing.vn, Quyên cho biết sáng 7/8, cô mang bản khai sơ yếu lý lịch lên UBND xã An Bình để xin dấu xác nhận nhân thân. Tại đây, ông Phó chủ tịch xã Trương Phúc Thực nói phải có hóa đơn đóng tiền mới xác nhận.
“Tôi nghĩ đó là hóa đơn đóng thuế của gia đình nên về lấy rồi cùng mẹ tiếp tục ra UBND xã. Khi đến nơi, Phó chủ tịch bảo phải có hóa đơn chứng nhận gia đình đã đóng tiền làm đường”, chị Quyên kể.
Công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp gửi các địa phương từ 2014 từng nhắc nhở tình trạng xác nhận vào sơ yếu lý lịch gây ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. |
Lúc đó, mẹ Quyên trình bày do nhà chưa có điều kiện nộp tiền, con mới học xong nên mong xã tạo điều kiện cho xin dấu để đi làm trước. Phó chủ tịch xã khẳng định nếu gia đình chưa đóng góp thì sẽ cho phê bình “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” vào hồ sơ. Sau đó, Quyên không xin nữa và ra về.
Chiều hôm đó, cô gái mới ra trường tiếp tục cùng anh trai đến trụ sở xã để làm thủ tục lần 3. Lần này, vị cán bộ phụ trách một cửa vẫn phê bình như vậy, nên Quyên đành chấp nhận đóng dấu để lấy sơ yếu lý lịch mang về.
Theo anh Nguyễn Danh Cường (anh ruột Quyên), việc xã An Bình huy động đóng góp tiền làm đường, gia đình anh do quá khó khăn nên chưa thực hiện.
“Nhà tôi có 6 khẩu phải đóng góp đến 12 triệu đồng, trong khi gia đình đang nợ ngân hàng rất nhiều”, anh Cường nói và chia sẻ thêm, khi xã phát động hiến đất, gia đình cũng đồng ý.
Tuy nhiên, phần hiên trước cửa nhà mới làm xong, xã yêu cầu phá dỡ nhưng không hỗ trợ xây dựng lại nên gia đình chưa thống nhất.