Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó giáo sư 34 tuổi: 'Chọn nơi làm việc không chỉ vì lương'

Võ Thanh Sang còn bỡ ngỡ với cụm từ "tân phó giáo sư". Kim chỉ nam cho con đường nghiên cứu khoa học của anh là làm ra được sản phẩm giúp ích cho bản thân và cộng đồng.

PGS Võ Thanh Sang chia sẻ anh và gia đình không quá kỳ vọng hay đặt nặng vấn đề chức danh. Mục tiêu giúp anh giữ lửa trong suốt thời gian học tập, giảng dạy, nghiên cứu là tạo ra những sản phẩm có ích.

tan pho giao su Vo Thanh Sang anh 1

Với vị phó giáo sư trẻ, công việc nghiên cứu khoa học vất vả những cũng thú vị. Ảnh: NVCC.

Hài lòng với thu nhập từ nghiên cứu

Võ Thanh Sang tốt nghiệp cử nhân Sinh học tại ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau đó, anh sang Hàn Quốc học tiếp và tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại ĐH Quốc gia Pukyong. Năm 2014, anh về nước và chọn công tác tại ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho đến nay.

Tính đến thời điểm nộp hồ sơ, PGS Sang đã xuất bản 11 chương sách tham khảo thuộc nhà xuất bản quốc tế có uy tín, công bố 63 bài báo khoa học, trong đó có 54 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.

Với thành tích trong nghiên cứu khoa học, anh từng được đạt giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng toàn quốc 2017 ở lĩnh vực Công nghệ sinh học, huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Dù vậy nhưng mỗi khi nhắc đến công việc của mình với ba mẹ, họ hàng ở quê, anh lại không biết giải thích sao để mọi người hiểu. Mọi người cũng không biết phó giáo sư hay giáo sư là "nghề" gì. Nhưng nghe anh đạt một cột mốc, vị trí mới, họ đều vui mừng và tự hào. Đây cũng là động lực cho anh trong con đường phía trước.

“Trong gia đình tôi, ba mẹ làm nông dân nên không quan tâm nhiều về học hàm, học vị. Tôi thường nói ngắn gọn mình là giảng viên để mọi người dễ hình dung", tân phó giáo sư kể.

PGS chia sẻ anh nhận thấy công việc nghiên cứu rất hợp với mình. Bởi ngay từ nhỏ, anh đã thích tìm tòi, khám phá thiên nhiên. Lúc thi đại học, anh cũng xác định học ngành Sinh học để tìm hiểu nhiều thứ xung quanh chứ không thích công việc lặp lại, nhàm chán.

Với anh, việc nghiên cứu khoa học vất vả nhưng cũng thú vị. Việc phải ở lại phòng thí nghiệm, thức đợi kết quả đến 1, 2h sáng là bình thường, thường xuyên làm việc đến lúc lỡ giờ ăn trưa, ăn tối.

"Nhưng khi thấy kết quả mình lại thấy rất thú vị và thỏa mãn. Công việc ở phòng thí nghiệm không có giờ giấc cụ thể. Thí nghiệm diễn ra tới đâu thì mình phải làm đến đó. Nhưng khi đã biết quy trình thì mình có thể sắp xếp để nó diễn ra trong khoảng thời gian hợp lý”, anh Sang nói.

Sau 6 năm nghiên cứu, giảng dạy trong nước, PGS Sang vẫn hài lòng với mức thu nhập anh nhận được, với bối cảnh nghiên cứu khoa học trong nước như hiện nay.

Anh cho hay một tiến sĩ mới tốt nghiệp hoặc mới về nước làm hoạt động nghiên cứu trong các đơn vị nhà nước thì mức lương cơ bản cũng chỉ khoảng 3, 4 triệu đồng. Nhưng đây không phải là thu nhập duy nhất của những người làm nghiên cứu khoa học. Mọi người còn có nhiều công việc để có thêm thu nhập như giảng dạy, hoạt động hướng dẫn sinh viên, các dự án…

“Hiện tại, với tôi, mức thu nhập ở trường khiến tôi hài lòng. Nhưng lương không phải điều khiến mình quyết định chọn một nơi làm việc nào đó. Quan trọng là nơi đó cung cấp, hỗ trợ điều kiện cho mình làm việc, nghiên cứu ra sao, từ đó mình làm được cái gì”, anh chia sẻ.

tan pho giao su Vo Thanh Sang anh 2

Không nhờ đồng nghiệp động viên, rất có thể anh Sang đã không nộp hồ sơ trong đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Ảnh: NVCC.

Bỡ ngỡ với cụm từ "tân phó giáo sư"

Chia sẻ về quá trình làm hồ sơ xét chức danh phó giáo sư, giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết anh không có ý định làm hồ sơ ở tuổi 34 vì nghĩ tuổi này “chưa chín chắn lắm”.

"Ban đầu, quan niệm của tôi là mình phải làm được sản phẩm gì đó có ích thì mới xứng đáng với chức danh phó giáo sư. Ví dụ, hướng nghiên cứu của tôi là hoạt tính kháng viêm dị ứng và kháng đái tháo đường của các hợp chất thiên nhiên từ tảo và thực vật. Đây là những nghiên cứu làm cơ sở khoa học để phát triển các sản phẩm có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tôi cứ nghĩ khi nào nghiên cứu ra sản phẩm thì mới tính đến việc xét chức danh. Hơn nữa, tôi cũng chưa thật tự tin về hồ sơ của mình”, tân phó giáo sư kể.

May mắn, anh được nhiều đồng nghiệp đã phân tích, động viên, giúp anh thay đổi suy nghĩ. Sau đó, anh mới mạnh dạn làm hồ sơ.

"Nói thật là tôi cũng không nghĩ gì nhiều, việc học tập và nghiên cứu là một quá trình dài và luôn tiếp diễn. Mình đang đi trên một con đường dài và không được phép dừng lại. Chức danh phó giáo sư vừa là vinh dự nhưng cũng là áp lực, thôi thúc tôi cống hiến nhiều hơn nữa để thật xứng đáng. Đến hôm nay tôi vẫn còn bỡ ngỡ với mấy từ tân phó giáo sư", vị phó giáo sư trẻ chia sẻ.

Nói về hướng nghiên cứu của mình, PGS Sang cho biết các thí nghiệm đều cho kết quả rất khả quan, nhưng để cho ra đời một sản phẩm cụ thể thì vẫn là câu chuyện phía trước. Đây cũng là mục tiêu mà anh phấn đấu.

Tiến sĩ Harvard 37 tuổi là giáo sư trẻ nhất năm 2020

Ông Lê Anh Vinh trở thành tân giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2020 (37 tuổi). Ông từng tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Harvard.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm