Anh đã có hàng chục giải thưởng khoa học và hơn 60 bài báo trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín trong hệ thống phân loại ISI.
Cảm nhận đầu tiên khi gặp mặt là vị phó giáo sư này hoàn toàn khác xa so với tưởng tượng của tôi. Với vẻ ngoài điển trai, Trần Xuân Bách giống tài tử điện ảnh hơn là một người làm về nghiên cứu khoa học.
“Đường đi” của Bách dường như khá bằng phẳng: Anh vốn là học sinh chuyên Toán – Tin (trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ĐH Y tế công cộng, và rồi trở thành một trong những giảng viên trẻ của ĐH Y Hà Nội.
Năm 27 tuổi, Bách tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế loại xuất sắc với số điểm tuyệt đối 4.0/4.0 tại ĐH Alberta (Canada).
Luận án tiến sĩ mà anh theo đuổi về chi phí - hiệu quả của kết hợp điều trị kháng virus và điều trị duy trì methadone cho các bệnh nhân HIV/AIDS nghiện chất dạng thuốc phiện.
Trần Xuân Bách - tân Phó giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam năm 2016. Ảnh: Vietnamnet. |
Từ đó đến nay, Bách dành nhiều tâm huyết cho hướng nghiên cứu về đánh giá kinh tế, phân tích dự báo xác định các can thiệp y tế có tính chi phí – hiệu quả cao… Bên cạnh đó, Bách tiến hành nghiên cứu và can thiệp nhằm xác định và giải quyết những vấn đề y tế công cộng nổi cộm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Các nghiên cứu của Bách tiến hành tập trung những vấn đề bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn như HIV/AIDS, nghiện chất (ma túy, rượu, hút thuốc lá), vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì và phòng chống bệnh mạn tính…
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất của anh là các phân tích chi phí – hiệu quả của các chiến lược can thiệp phòng - chống HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 - 2015.
Trần Xuân Bách trong một lần thăm các hộ gia đình vùng núi ở Yên Bái trong chương trình can thiệp nâng cao sức khỏe sinh sản ở miền núi. Ảnh: Vietnamnet. |
Lý giải cho sự lựa chọn hướng nghiên cứu của mình, Bách cho biết dù việc mở rộng các chương trình phòng - chống HIV/AIDS đã góp phần khống chế sự lây lan của dịch HIV, giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe quần thể và gánh nặng với hệ thống y tế cũng như các tác động kinh tế xã hội khác, hơn 80% nguồn lực tài chính cho phòng - chống HIV/AIDS trong giai đoạn trước lại đến từ các nguồn viện trợ quốc tế.
“Trong bối cảnh nguồn kinh phí này đang giảm nhanh chóng, thách thức đặt ra với hệ thống Y tế là cần phải kịp thời xác định các giải pháp để duy trì và đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các chương trình can thiệp. Các nghiên cứu trong giai đoạn 2010 - 2015 của tôi tập trung xác định ba nhóm giải pháp chính nhằm giảm chi phí, tăng cường hiệu suất của hệ thống y tế và đặc biệt huy động nguồn lực đầu vào”, Bách bày tỏ.
Được nhiều sinh viên yêu thích
Trong 10 năm qua, công tác tại ĐH Y Hà Nội, Bách luôn xác định kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu nhằm cung cấp cho người học những hiểu biết và kỹ năng cần thiết, chủ động khai thác những giá trị khoa học quốc tế, vận dụng thích hợp và hài hoà với thực tế của Việt Nam.
“Qua từng bài giảng, điều tôi nung nấu là có thể khơi gợi lòng tự hào, nuôi dưỡng tình yêu với nghề, giúp các bạn trẻ xác định lý tưởng sống, phấn đấu và say mê trong học tập”, Bách chia sẻ điều anh mong mỏi.
Bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, anh rất thường xuyên duy trì các nhóm thảo luận chuyên môn trên website, Facebook và luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên… Cũng vì vậy mà nhiều người không bất ngờ khi anh từng nhận được thư khen của Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội dành cho “Giảng viên được nhiều sinh viên bình chọn” năm học 2014 - 2015.
Với định hướng phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, Bách tích cực tuyển chọn, đào tạo và thúc đẩy nhiều sinh viên tham gia học tập liên tục trong các nhóm nghiên cứu của mình. Đến nay, hơn 50 nghiên cứu viên trẻ được đào tạo trong các chương trình nâng cao của anh.
Bách cũng đã đề xuất và chủ trì thực hiện Chương trình hỗ trợ nghiên cứu và xuất bản quốc tế, tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, hướng đến xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Anh cũng là người khởi xướng mô hình kết nối các nhà khoa học quốc tế hỗ trợ các nghiên cứu viên trẻ ở những nước đang phát triển đã được ghi nhận và đánh giá cao trong các diễn đàn học thuật.
Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy và hướng dẫn học viên sau đại học tại nhiều cơ sở nước ngoài như ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ), ĐH Alberta (Canada), ĐH Kỹ thuật Queenslands (Úc), ĐH Quốc gia Singapore,...
Đến nay, anh đã hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công tại ĐH Y Hà Nội, ĐH Texas tại Houston (Hoa Kỳ) và ĐH Kỹ thuật Queensland (Australia).
Năm 2014, Bách được Viện Hàn lâm Y học New York mời tham gia giảng dạy cho các nhà khoa học trẻ về lãnh đạo nghiên cứu, và chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Bách cho biết sẽ tiếp tục mở rộng những định hướng nghiên cứu và đào tạo, tập trung vào các mô hình đào tạo chuyên sâu, kết hợp nghiên cứu và xuất bản quốc tế với quá trình xây dựng chính sách tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế; qua đó, hy vọng tham gia góp phần xây dựng Trường ĐH Y Hà Nội thành một mô hình đại học nghiên cứu mẫu mực tại Việt Nam và trên thế giới.
Bảng thành tích ấn tượng:
Giải thưởng Nghiên cứu Quốc tế về Lâm sàng và Dự phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, năm 2015.
Giải thưởng dành INSIGHT cho Nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng, ĐH Alberta, Canada năm 2010.
Giải thưởng của Alberta Innovates - Health Solutions (Training and Early Career Development Program), Canada, 2012.
Được Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao “Huy chương Tuổi trẻ Sáng tạo” năm 2004.
Ba bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho Giải thưởng tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học Y – Dược Việt Nam: Giải Xuất sắc (2004), Giải Ba (2012), Giải Nhì (2016).
Được Quỹ Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC trao “Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC”, Giải Nhì, năm 2004.
Được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học năm 2006.
Năm 2014, được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực Châu Á của Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế (IAP).
Năm 2016, anh đại diện các Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của IAP tham dự Đại Hội đồng Y tế thế giới của Liên Hợp Quốc tại Geneva.