Những con hẻm trên đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung (quận 1) không đông vui, nhộn nhịp như trước đây vì các quán bar vẫn chưa được mở cửa.
Chiều tối, các nhà hàng và quán bar ở Thái Văn Lung (quận 1) bắt đầu lên đèn. Con hẻm trông nhập nhoạng, những ô cửa sáng - tối đan xen nhau.
Trước cửa quán bar Zen (Thái Văn Lung, quận 1), Thanh Vân đứng tựa cửa. Phía trước, cô bày bán một số loại trái cây như chôm chôm, hồng, bưởi. Hôm nay, quán bar vẫn chưa được phép kinh doanh bia rượu.
“Tôi lấy trái cây về bán cho vui chứ không có lời. Tôi phải mở cửa để khách biết tôi vẫn ở đây, sẵn sàng đón họ ngay khi có thể”, Vân nói.
Vân chỉ là một trong nhiều chủ quán bar trên Phố Nhật, tên gọi quen thuộc của một tổ hợp các con hẻm quanh trục đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn (quận 1). Nơi đây quy tụ nhiều quán ăn, nhà hàng và quán bar theo phong cách Nhật.
Ở lại quán suốt nhiều tháng giãn cách xã hội, Thanh Vân đã chứng kiến cảnh những con hẻm đông vui, nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng chìm vào cảnh im ắng. Sau đại dịch, hàng quán ở đây chưa thể trở lại bởi quy định cấm bán đồ uống có cồn, gây tiếc nuối cho cả khách hàng lẫn chủ hộ kinh doanh.
TP.HCM đã cho phép quán xá bán lại tại chỗ, nhưng điều đó không giúp phố Nhật tươi sáng trở lại. Với đặc thù của những quán xá tại đây, việc cấm bán đồ uống có cồn đã gây nhiều khó khăn. Không khó để bắt gặp nhiều quán bar, nhà hàng đề biển sang nhượng lại mặt bằng. Một số quán khác thì im lìm đóng chặt cửa. Phía ngoài cửa, mảnh giấy “chỉ bán mang về” đã bong tróc từ lúc nào.
Cách bar Zen không xa, Thanh An (29 tuổi), đầu bếp của một nhà hàng Nhật cũng ra tận cửa để chờ khách. Với các quán tập trung phục vụ khách Hàn, Nhật, cấm bán đồ uống có cồn vẫn là một rào cản lớn cho du khách.
“Khách Nhật thường thích vừa ăn vừa uống. Nhiều người khi biết chúng tôi chưa được bán rượu bia thì bỏ đi luôn”, anh chia sẻ.
Tối nay, nhà hàng của anh chỉ có 3-4 lượt khách. Đi làm lại sau 4 tháng, Thanh An vừa mừng, vừa lo khi nhà hàng khi lượng khách vẫn còn thưa thớt, chưa ổn định.
Thanh Vân cũng cho biết khách quen ở khu vực này thường ăn tối rồi ghé quán bar uống rượu.
Du khách hụt hẫng chờ bar mở cửa
Cạnh Zen Bar, Trung Hiếu (29 tuổi) và bạn gái đang hẹn hò trong tiệm bánh Tokyo Moon. Tiệm khá nhỏ nhưng luôn tấp nập người đến dùng bánh tại chỗ và cả mua mang về.
“Tôi thấy phố Nhật vắng vẻ rõ rệt sau dịch. Có lẽ vì quán bar vẫn chưa được mở cửa. Bù lại, các quán ramen hay tiệm bánh này vẫn đông khách. Tôi rất vui vì có thể trở lại đây đi dạo, ăn uống sau một thời gian dài giãn cách xã hội”, Hiếu nói.
Ở các tiệm ăn cạnh tiệm bánh mà Hiếu ngồi, nhiều thực khách cũng đang vui vẻ dùng bữa và trò chuyện rôm rả.
Lan Anh (26 tuổi) rời một tiệm ramen ra về khi mới 20h30. Với cô, cảm giác đến phố Nhật chơi và phải ra về sớm thật mới mẻ, lạ lẫm. “Trước đây, tôi thường ăn tối và uống rượu tại một quán izakaya rồi “tăng 2” sẽ đến một quán bar yên tĩnh và ấm cúng. Cuối tuần, tôi thường ngồi đến nửa đêm”.
Lan Anh có chút hụt hẫng. Cô mong chờ mình sớm có thể quay lại với những cuộc vui trọn vẹn như trước đây.
21h, những con hẻm tối dần rồi chìm vào im ắng. Thanh An vẫn đứng trước cửa nhà hàng, không quên niềm nở chào những vị khách cuối cùng đang ra về.
Thanh Vân cũng dọn dẹp trái cây trước quán bar của mình rồi chuẩn bị đóng cửa. Cô hồ hởi khoe: "Nãy giờ có nhiều khách quen ghé vào hỏi thăm tôi. Họ vẫn nhớ và mong muốn được ghé đến quán".
"Hàng quán đã được mở lại từ ngày 28/10 nhưng theo dự kiến, phải đến đầu năm 2022 quán bar mới có thể mở lại. Ở khu vực này, có quán bar thì nhà hàng mới đông khách. Mối quan hệ giữa chúng tôi là sự cộng sinh vì đây là thói quen ăn uống của khách hàng. Tôi mong chính quyền nên có giải pháp thoả đáng hơn để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh sớm được hoạt động" - Thanh Vân chia sẻ.
Theo cô, một số quán bar đã bắt đầu tìm những cách khác nhau để có thể buôn bán. Điều này càng dễ dẫn đến sự hoang mang và mất kiểm soát. Thanh Vân mong thành phố có quy định chặt chẽ, rõ ràng để các quán bar có thể mở cửa nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch.