Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Cả nước nên khai giảng cùng một ngày

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cả nước cùng khai giảng một ngày. Nghi lễ gồm chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, sau đó đến phần hội của học sinh.

Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 6 điểm cầu trên cả nước, tổng kết năm học 2014-2015, triển khai nhiệm vụ 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu về những điểm còn tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục trong năm học 2014-2015, yêu cầu ngành phải khắc phục.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta luôn nói thực sự vì học sinh, nhưng có lúc chưa vì các cháu. Ông dẫn ví dụ về lễ khai giảng - ngày hội đến trường của các em - nhưng nhiều năm nay lại chưa vì các em.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Phan.

"Năm nay, tôi đề nghị chọn một ngày để cả nước cùng khai giảng. Nghi lễ theo đúng trình tự gồm chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và sau đó đến phần hội của các cháu. Khai giảng trước đây vì giáo viên hay người lớn? Đề nghị chúng ta phải làm hết sức vì học sinh, nhất định không để các cháu nhỏ phải đứng xếp hàng dưới nắng..." - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trước sự quan tâm đặc biệt và nhiều ý kiến khác nhau của dư luận về kỳ thi THPT quốc gia, Phó thủ tướng cho rằng, có những việc chưa lường hết và "tưởng yên tâm nhưng chưa yên tâm". Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT lắng nghe phản ánh của học sinh, xã hội để có giải pháp điều chỉnh kịp thời trên tinh thần tất cả vì người học. 

"Mục đích của chúng ta là các cháu đủ khả năng phải vào được đại học, có vất vả cho hệ thống giáo dục nhưng tốt cho học sinh thì vẫn phải làm", ông Đam nói. 

Về những khó khăn, trở ngại phát sinh khi thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, theo Phó thủ tướng, dù chủ trương mới đúng, nhưng phải có sự chuẩn bị kỹ, đặc biệt là khâu tuyên truyền.

Liên quan sự thiếu thốn, lạc hậu của cơ sở vật chất, thiết bị trường học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã có chương trình, đề án kiên cố hoá trường học. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục làm việc sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tìm phương án khả thi. Bộ GD&ĐT vẫn phải ưu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Học sinh tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.

Bộ GD&ĐT: Kỳ thi THPT quốc gia thành công

Trước đó, trong báo cáo tổng kết năm học 2014-2015, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh một số kết quả nổi bật đạt được và những hạn chế trong năm học vừa qua.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi THPT quốc gia được chuẩn bị chu đáo từ trung ương đến các địa phương, tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh tương đối đúng trình độ người học, làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét truyển sinh. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi này diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế trong năm học qua cũng được chỉ ra là chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu; còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu. Tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, không đáp ứng yêu cầu.

Một số hiện tượng chưa tốt trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thực tiễn chỉ đạo triển khai Thông tư 30 cho thấy, khó khăn, trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới của giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội.

Lê Phan

Bạn có thể quan tâm