Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Đầu tư khoa học phát triển năng lực quốc gia

Tại hội nghị "Khoa học cơ bản và xã hội" sáng 7/7 ở Bình Định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khoa học công nghệ đang làm được điều kỳ diệu tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích.

Sáng 7/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hàng trăm nhà khoa học dự lễ kỷ niệm 50 năm Hội “Gặp gỡ Moriond” - sự kiện đánh dấu ngày đầu tiên các nhà vật lý trẻ gặp gỡ tại Moriond (Pháp) năm 1966, do GS Trần Thanh Vân khởi xướng.

Cùng ngày, Phó thủ tướng dự lễ khai mạc hội nghị quốc tế "Khoa học cơ bản và xã hội" tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng cảm kích trước nhiệt huyết của GS Trần Thanh Vân, người có nhiều cống hiến to lớn vì sự phát triển khoa học Việt Nam.

Hội "Gặp gỡ Moriond" do GS Vân khởi xướng 50 năm trước, đã mở ra sự kết nối, tạo động lực cho nhiều nhà khoa học quốc tế đóng góp những thành tựu nổi bật cho thế giới.

Khoa học cơ bản tạo nền tảng năng lực quốc gia

 Hội "Gặp gỡ Việt Nam" không chỉ thu hút sự quan tâm của những nhà khoa học nghiên cứu chuyên nghiệp, mà còn thu hút sự tham gia đông đảo của người yêu khoa học.

Mạng lưới liên kết bền vững giữa Hội "Gặp gỡ Việt Nam" với các cơ sở đào tạo tạo nên môi trường nghiên cứu sống động, góp phần phát huy những giá trị vô giá, chất xám của các nhà khoa học thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. 

UNESSCO đã xác định, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Khoa hoc co ban va xa hoi anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các giáo sư đoạt giải Nobel tại Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng.

"Khoa học công nghệ là động lực vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn lên để thu hẹp với khoảng cách các nước phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng cần được chú trọng và đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho năng lực quốc gia", Phó thủ tướng nói. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ không ngừng đầu tư cho khoa học cơ bản, như giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh trao cho các nhà khoa học nghiên cứu đề tài gắn với thực tiễn cuộc sống. Bộ Khoa học và Công nghệ có giải thưởng Tạ Quang Bửu - phần thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực khoa học cơ bản, cùng nhiều hoạt động khơi dậy niềm đam mê khoa học trong giới trẻ.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, thay đổi thế giới, đang làm những điều kỳ diệu tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Không có khoa học cơ bản, không thể có những công nghệ như vậy. Ví dụ hệ thống định vị toàn cầu GPS, dịch vụ này không thể có nếu không có thuyết tương đối của Einstein.

Khoa hoc co ban va xa hoi anh 2
GS Ngô Bảo Châu (bên phải) cùng hơn 250 nhà khoa học trong nước, quốc tế dự Hội nghị quốc tế "Khoa học cơ bản và xã hội" tại TP Quy Nhơn sáng 7/7. Ảnh: M.Hoàng.

Trách nhiệm nhà khoa học kiến tạo hòa bình

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, từ việc đảm bảo an ninh lương thực, tiến bộ y học duy trì sự sống, bảo vệ môi trường giữ cho Trái đất xanh, tất cả đều dựa trên phát minh bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học cơ bản.

Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại, tham gia làm giàu cho di sản ấy là vinh dự và trách nhiệm của tất cả mọi quốc gia.

Thế giới đang trước nhiều thách thức như xung đột, chiến tranh, môi trường bị tàn phá, các nhà khoa học và công trình khoa học có vai trò quan trọng trong kiến tạo hòa bình, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đe dọa đến sự phát triển bền vững, tương lai hành tinh này.

Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hội nghị quốc tế  “Khoa học cơ bản và xã hội” là chủ đề ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Các nhà khoa học cùng thảo luận, khẳng định về vai trò, ý nghĩa của khoa học cơ bản và tác động của khoa học cơ bản đối với xã hội.

Dịp này, các nhà khoa học làm cho xã hội hiểu hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học, những cống hiến thầm lặng của các nhà khoa học ngày đêm làm việc trong phòng thí nghiệm, hoặc ngoài thực địa, để mang đến cho nhân loại những tri thức mới; giúp hiểu biết về các quy luật của tự nhiên, xã hội.

Từ đó, chúng ta giải quyết được những thách thức của nhân loại như đói nghèo, bệnh dịch, năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Hội "Gặp gỡ Việt Nam" đã chọn TP Quy Nhơn để xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - điểm hẹn lý tưởng của các nhà khoa học.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân còn đề xuất ý tưởng phát triển nơi đây thành khu đô thị khoa học. Sau khi hoàn thành, khu đô thị khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và của các nước trên thế giới. 

Từ nay đến cuối năm, Hội "Gặp gỡ Việt Nam" tổ chức 12 hội thảo khoa học và ba lớp học chuyên đề về vật lý với sự tham gia của hơn 1.600 nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong khuôn khổ của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12, từ tháng 6 đến cuối năm nay, 12 hội nghị khoa học quốc tế và ba lớp học vật lý chuyên đề quốc tế diễn ra, quy tụ hơn 1.600 nhà khoa học.

Tâm điểm của chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” là hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 tại Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn.

Cùng với các chương trình hội nghị chính thức, “Gặp gỡ Việt Nam” lần này có 4 buổi nói chuyện khoa học đại chúng dành cho người yêu khoa học tại Bình Định và Hà Nội.

GS đoạt giải Nobel: Đừng làm theo điều người khác vạch sẵn

"Đừng bao giờ làm theo những gì người khác vạch sẵn. Đôi khi, chính ý tưởng sáng tạo cá nhân, trí tò mò giúp bạn trở thành nhà khoa học thành công", GS Kurt Wüthrich nói.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm