Sáng 14/10, tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải nhận định hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Hải, trong bối cảnh giãn cách xã hội đã xuất hiện một phương thức mới mà tội phạm sử dụng. Họ lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo "luồng xanh" để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh (Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết một số nơi còn có sự nể nang, bao che cho hành vi buôn lậu. Ảnh: VGP. |
Nhiều kẻ móc nối, câu kết với một số cán bộ, công chức, sĩ quan tha hóa, biến chất để "làm ngơ", "bảo kê" khi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…
Các mặt hàng nhập lậu, làm giả, nhái chủ yếu là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: Khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, triệt phá những đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và chỉ đạo, xử lý những vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận quan tâm.
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận nhiều kết quả đã đạt được. Song, ông thẳng thắn cho rằng công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.
Một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn. Đặc biệt, thời gian qua có một số vụ việc gian lận, buôn lậu hết sức tinh vi.
"Một số nơi còn có sự nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng lưu ý khi mở cửa trở lại, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các nhu cầu về nguyên, vật liệu sản xuất hàng hóa, nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của nhân dân đều tăng lên, đặc biệt là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Do đó, có thể xảy ra tình trạng gia tăng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phó thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; đặc biệt là liên quan đến đời sống và sức khỏe người dân như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…