Sáng nay 28/12, tại Hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 8, khóa XI và tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu rất thực tế và chân thành.
Giáo dục ảnh hưởng đến một đời người
Mở đầu bài phát biểu, Phó thủ tướng khiến cả hội trường ngỡ ngàng khi chia sẻ: “Tôi đã cân nhắc và quyết định không cầm bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn”.
Ông nói: “Khi được giao nhiệm vụ, tôi đã dành rất nhiều thời gian để làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ GD - ĐT. Nhiều đêm tôi không ngủ và nhớ lại thời gian học đại học. Lúc đó nhờ Đảng và Nhà nước tôi được đi học ở nước ngoài. Tôi vẫn nhớ cảm giác học đại học ngày đó khó khăn và khổ vô cùng. Thậm chí tôi còn toát mồ hôi trong những giấc mơ khi lặn lội đi thi”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. |
Từ câu chuyện của bản thân, Phó thủ tướng nhận định giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân. Một thay đổi nếu không phù hợp có thể ảnh hưởng đến tương lai của cả một đời người, và tương lai dân tộc.
Vì vậy, ông yêu cầu ngành giáo dục phải đổi mới một cách quyết liệt nhưng trí tuệ, không được “câu giờ” nhưng khoa học, bình tĩnh.
Câu chuyện giáo dục từ chiếc ổ cắm điện
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn mang theo chiếc ổ cắm điện chuyển đổi và chia sẻ câu chuyện khiến ông trăn trở.
Phó thủ tướng hồi tưởng lại trước đây đi nước ngoài phải sử dụng chiếc ổ cắm này. Ngày đó những vật dụng này rất quý và phải mua ở nước ngoài, nhưng nay Việt Nam đã có thể tự sản xuất. Ông tiếp tục lấy ví dụ từ chiếc USB nhỏ bé nhưng rất tiện dụng, có thể mang đi làm việc khắp mọi nơi.
Từ câu chuyện về chiếc ổ cắm điện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ những điều trăn trở của mình về giáo dục Việt Nam. |
Qua câu chuyện này, Phó thủ tướng chân tình chia sẻ giáo dục phải hướng đến chuẩn quốc tế, vì lợi ích lớn lao của đất nước. Vì vậy, theo ông, điều khó nhất là cần nhận thức được giáo dục nước ta đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu là gì để có phương hướng đổi mới phù hợp.
Ông cũng đặc biệt lưu ý, khi tiến hành đổi mới, ngành giáo dục phải nghiêm khắc ngay từ đầu, bởi nhiều việc nhỏ nếu không sửa đổi sẽ để lại hậu quả rất lớn.
Đổi mới quyết liệt giáo dục đại học
Theo quan điểm của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải đổi mới giáo dục đại học quyết liệt nhất. “Bởi lẽ đối tượng của bậc đại học kể các những người làm công tác quản lý, giảng dạy đến sinh viên đều có nhận thức cao hơn so với bậc phổ thông”, ông lý giải.
Mục tiêu đổi mới giáo dục đại học phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cụ thể, các kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải nhanh chóng có việc làm, được các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tuyển dụng.
Trong hội nghị, Phó thủ tướng cũng chỉ ra rằng hiện nay giáo dục Việt Nam vừa hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, cả nước chỉ có 48-49% tỷ lệ lao động được đào tạo, trong đó số người học đại học, cao đẳng chưa đến 10%. Thực tế, hiện nay có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp. Như vậy, đổi mới giáo dục cần thay đổi căn bản và biến thế hệ tương lại thành công dân toàn cầu..
Kết thúc bài phát biểu, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Trước mắt, đổi mới tuyển sinh ĐH liên quan đến mọi gia đình, cụ thể là cuộc đời của các em học sinh, nên phải bàn bạc rất thận trọng; không được để các cháu học sinh, sinh viên thiệt thòi vì đổi mới”.