Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Động cơ gian lận thi cử sẽ giảm'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND và ngành GD&ĐT Hải Dương ngày 21/5 về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Kéo về thi ở cụm địa phương, có phải việc bất thường?

Hải Dương là một trong những địa phương nhiều năm đứng top đầu trong những đánh giá về chất lượng giáo dục.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, những năm trước, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 thi đỗ đại học (ĐH) khoảng 50%. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thống kê của kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi tại cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp THPT xấp xỉ 40%.

Đây là tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của các địa phương có điều kiện thuận lợi. Ngoài 12.495 thí sinh sẽ dự thi tại cụm do trường ĐH chủ trì, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ phải chịu trách nhiệm chính tổ chức cụm thi cho 8.140 thí sinh, với 12 điểm thi, 276 phòng thi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc. Ảnh: Tuổi trẻ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc. Ảnh: Tuổi trẻ.

Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng lắng nghe và trả lời hết các ý kiến của báo chí. Ông nhấn mạnh: “Những gì nhà báo hỏi là ý kiến của nhân dân và mình trả lời các nhà báo là trả lời cho nhân dân hiểu”.

Những vấn đề khúc mắc nảy sinh ở Hải Dương cũng có thể diễn ra ở nhiều tỉnh khác, cần được lưu tâm, giải pháp khắc phục để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Nhiều câu hỏi của báo chí xoáy sâu vào tỷ lệ thí sinh dự thi tại cụm địa phương chiếm tới gần 40% có phải bình thường không? Liệu có xảy ra chuyện địa phương ép buộc thí sinh dự thi tại cụm địa phương để có kết quả thi cao, tăng cơ hội về nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ tại địa phương, những trường được phép tuyển sinh bằng xét tuyển?

Ông Nguyễn Mạnh Hiển giải thích: Năm trước, do hai kỳ thi riêng rẽ, thí sinh đều phải tham gia kỳ thi ba chung mới có kết quả xét tuyển ĐH, CĐ nên hầu hết các em đều đi thi. Trong đó, có những em biết thi cũng không đậu, nhất là vào các trường có sức cạnh tranh lớn. 

Nhưng với đặc điểm của kỳ thi năm nay, những thí sinh có sức học yếu hơn có thể lựa chọn thi tại địa phương để xét tốt nghiệp và vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào một số trường ĐH có hình thức xét tuyển khác.

Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng về “có không việc các trường của địa phương tuyển sinh cả những trường hợp dưới điểm sàn của Bộ GD&ĐT”, ông Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, không có chuyện này và cho rằng, “nếu có việc đó thì thí sinh năm nay có thể kéo về cụm địa phương thi còn đông hơn so với số liệu hiện tại”.

Khẳng định không có việc “ép buộc thí sinh”, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho biết, xuất phát từ sự đổi mới của kỳ thi, nỗi lo lắng, hoang mang của phụ huynh, học sinh nên lãnh đạo tỉnh đã họp để chỉ đạo từng nhà trường phải trao đổi kỹ với thí sinh về ưu điểm khi thi tại cụm ĐH và cụm địa phương là thế nào để học sinh có sự lựa chọn đúng với nguyện vọng, năng lực.

Tổ chức tốt cụm địa phương để tạo điều kiện cho thí sinh

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT cần cung cấp số liệu cụ thể liên quan tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, học sinh dự thi và đậu vào ĐH-CĐ, TCCN các năm trước và so sánh với số liệu đăng ký tại cụm thi ĐH chủ trì và cụm thi địa phương chủ trì năm nay để dễ nhận thấy bức tranh về phân luồng như thế nào.

“Kỳ thi năm nay sẽ bớt đi nhiều động cơ gian lận thi cử do không đặt ra việc lấy tỷ lệ tốt nghiệp để tính điểm thành tích, xếp loại tốt nghiệp. Thí sinh có thể đăng ký dự thi theo mục đích, khả năng của mình. Đề thi hợp lý cho các đối tượng dự thi cũng là giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực”, ông Vũ Đức Đam chia sẻ.

“Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phải đi các tỉnh miền núi, phát hiện và giải quyết ngay những khó khăn trong việc thí sinh phải đi xa đếm cụm thi, cần có giải pháp gì khắc phục, hỗ trợ thí sinh. Tôi sẽ cùng đi với các đồng chí, sẽ đến những địa phương vừa có cụm thi ĐH vừa có cụm thi địa phương. Phải vừa tạo điều kiện cho dân, cho thí sinh vừa để dân hiểu việc tổ chức các cụm thi không có sự phân biệt về kỷ cương. Lãnh đạo các địa phương, cán bộ, giáo viên có thể vất vả nhưng người dân phải được tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt phiền hà, tốn kém”, ông Đam phát biểu.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm, mặc dù các cụm địa phương chủ trì vẫn có người của trường ĐH tham gia trực tiếp, nhưng Bộ GD&ĐT phát huy tính chủ động, trách nhiệm của lực lượng tại chỗ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, việc tổ chức kỳ thi năm nay có thể sẽ khiến một số trường top dưới vốn thiếu nguồn tuyển gặp khó khăn do thí sinh được lựa chọn trường, ngành học sau khi thi. Nhưng vẫn phải nhìn vào mục tiêu đặt ra cho toàn quốc.

“Đổi mới là quá trình liên tục nhưng chắc chắn kỳ thi phải ngày càng bớt nhiêu khê, ngày càng thuận tiện cho dân. Việc thi cử phải đảm bảo nghiêm túc, trung thực và đúng pháp luật”, Phó thủ tướng nói.

Đề thi THPT quốc gia chủ yếu thuộc chương trình lớp 12

Theo ông Đỗ Thanh Duy (Bộ GD&ĐT), đề thi các môn THPT quốc gia năm nay chủ yếu bám sát chương trình lớp 12 và không đánh đố học sinh.

 

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150522/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-dong-co-gian-lan-thi-cu-se-giam/750663.html

Theo Vĩnh Hà/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm