Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tốt nghiệp 98% sao phải miễn 20%'

Ông cho rằng: “Thi bớt môn đi ai nghe cũng phấn khởi nhưng thực tế 98% đỗ tốt nghiệp tại sao phải đặt vấn đề miễn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không nên miễn cho bất kỳ ai”.

Sáng nay (13/2), tại hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ những băn khoăn về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong hội nghị sáng 13/2.

Thi tốt nghiệp 4 môn: Giảm áp lực cho học sinh?

Về phương án thi tốt nghiệp 4 môn (hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn) mà Bộ GD-ĐT đưa ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc giảm số lượng môn thi từ 6 xuống 4 là lợi cho học sinh ở chỗ "đang gánh một gánh nặng 50 kg, cho phép bỏ đi 20 kg". Nhưng nếu không cẩn thận, thay đổi này sẽ các em học lệch.

Bên cạnh đó, phương án này còn dẫn đến tình trạng phân giáo viên làm 2 loại. Một là công dân hạng A gồm những môn chắc chắn phải thi; thứ hai là loại công dân hạng B là những môn gần như không thi hoặc thi rất ít. Như vậy, những giáo viên loại B sẽ tự nhiên sẽ giảm động lực phấn đấu.

Qua đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: “Đừng để cảnh học sinh bây giờ mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp không biết năm nay thi môn gì, như thế nào sẽ không tốt”.

Tại sao miễn thi tốt nghiệp 20%?

Cũng trong hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết việc Bộ GD-ĐT đưa ra tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi còn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn vì cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên đưa ra tiêu chuẩn chung, học sinh nào đạt chuẩn cũng được miễn thi.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải nhằm mục đích giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT…

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như Phó thủ tướng đều tỏ ra không đồng tình về quyết định này và cho rằng sẽ có nhiều bất cập.

Ông cho rằng: “Thi bớt môn đi ai nghe cũng phấn khởi nhưng thực tế 98% đỗ tốt nghiệp tại sao phải đặt vấn đề miễn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không nên miễn cho bất kỳ ai”.

Tiến tới một kỳ thi, một bài thi chung

Sau khi chia sẻ những thắc mắc của mình về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định mặc dù nền giáo dục Việt Nam có những đặc thù riêng nhưng nên học tập những kinh nghiệm có tính phổ quát mà thế giới đã đúc kết.

“Học tập là không sao chụp nguyên văn nhưng phải khẩn trương và có lộ trình phù hợp”, ông Đam nhấn mạnh.

Ông đưa ra ví dụ ở các nước tiên tiến, sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông chỉ cần một bài thi vừa đánh giá tổng hợp kiến thức, vừa phát hiện phẩm chất con người.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mơ là ngay trong ngày hôm nay chúng ta có đủ trình độ để ra những bài thi tổng hợp như vậy. Việc đổi mới phải có lộ trình, nhưng phải hướng tới có thang đo đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh nhanh nhất, đơn giản nhất”.

Ông cũng cho rằng hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chọn đổi mới cách học, chọn đổi mới thi là đột phá mà học gì thì thi ấy nên làm sao tiến tới càng ít kỳ thi càng tốt.

“Chúng ta đừng có ngại làm thi thì tốn kém, mệt nhọc. Nếu sự tốn kém, mệt nhọc là cần thiết để thúc đẩy học sinh học tập, để tuyển lựa được các học sinh xứng đáng thì chúng ta không ngại”, Phó thủ tướng nhắc nhở.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần bàn kỹ, sớm nhất từ năm 2015 có phương án thi lâu dài và phải công bố đổi mới muộn nhất trước khi khai giảng.

Kiến nghị tổ chức một kỳ thi, bài thi chung từ 2015

Trong quá trình xin ý kiến dư luận về đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT vừa công bố đề xuất tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia chung ngay từ 2015.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm