Ngày 6/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thăm một số hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trước khi tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ vào ngày mai 7/7.
Lâm Đồng là địa phương có lợi thế về tự nhiên, lao động trong sản xuất nông nghiệp và nhiều năm qua, địa phương nổi lên với nhiều mô hình hợp tác sản xuất hiệu quả, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/ha.
Tại khu đất 1,6 ha của doanh nghiệp Hoa Mặt trời ở huyện Đức Trọng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm dây chuyền ươm tạo, sản xuất và đóng gói của đơn vị này. Thành lập từ năm 2004, từ việc nhập trồng thử nghiệm giống hoa lan Hồ Điệp và lan Vũ Nữ, thì bắt đầu từ năm 2011, doanh nghiệp này bắt đầu phát triển đại trà, tổ chức liên kết sản xuất và chuyển giao kỹ thuật sản xuất hai giống hoa này cho các hộ nông dân, tổ hợp tác ở Lâm Đồng.
Giám đốc công ty Hoa Mặt Trời Huỳnh Tấn Sơn cho biết tới nay vùng nguyên liệu của công ty là 30 ha trồng hoa lan Vũ Nữ (trong đó có 6 ha của công ty) và 2,5 ha trồng hoa lan Hồ Điệp, tương ứng liên kết với 52 hộ dân.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm hợp tác xã Lâm Đồng. |
Toàn bộ hàng hoá trồng trên đất của các hộ nông dân, tổ hợp tác và đất của công ty được thu hoạch, chuyển đến xưởng đóng gói tập trung xử lý, bảo quản, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu sang Nhật, Australia, Nga, Singapore… bằng đường biển hay phân phối thị trường trong nước.
Vẫn theo ông Sơn, khi hoa tới Nhật sẽ được đấu giá, trừ các chi phí vận chuyển, xử lý, đóng gói, bản quyền,… thì số tiền còn lại được thanh toán cho từng hộ nông dân và tổ hợp tác.
Ước tính doanh thu của lan Vũ Nữ là 5 tỷ đồng/ha/năm, cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Với lan Hồ Điệp doanh thu gần 20 tỷ đồng/ha/năm, cho lợi nhuận 7,2 tỷ đồng.
Không chỉ giải quyết thu nhập cho hộ gia đình, công ty Hoa Mặt Trời còn giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng bản chất mô hình hoạt động của Hoa Mặt trời và các hộ nông dân, tổ hợp tác trồng hoa lan là hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc hợp tác xã, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với người nông dân, tạo động lực cho phương thức sản xuất hợp tác phát triển.
Trong khi đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến ở TP Đà Lạt cũng hoạt động hiệu quả với 30 ha vùng nguyên liệu rau, củ, quả của hơn 20 hộ dân, cho doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt nhiều giống cây như rau cải, bó xôi có thời gian quay vòng sản xuất từ 15- 25 ngày, xúp-lơ có thời gian sản xuất 75 ngày.
Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tân Tiến Mai Văn Khởi cũng cho biết “đất hầu như không “nghỉ” và sử dụng phân bón hữu cơ, bảo đảm an toàn 100% đối với người sử dụng. Nông sản được Hợp tác xã ký hợp đồng từng năm với các siêu thị, đồng nghĩa với việc cam kết thu nhập cho hộ gia đình trong thời gian này”.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp rất phát triển là niềm “mơ ước” của nhiều địa phương khác nhưng công ty Hoa Mặt Trời và Hợp tác xã Tân Tiến cho rằng chính sách vẫn còn nhiều quy định “bó chân” doanh nghiệp, nhất là thiếu vốn đầu tư.
Cụ thể, tài sản (nông sản) hình thành sau vốn vay chưa được thế chấp để tái đầu tư, nhà kính, nhà lưới được doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng cũng không thuộc diện tài sản được thế chấp ngân hàng; doanh nghiệp, hợp tác xã có ý tưởng kinh doanh tốt cũng không được vay vốn tín chấp từ ngân hàng…
Đánh giá cao những cách làm hay trong liên kết sản xuất tại Lâm Đồng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, làm gia tăng kinh tế hộ gia đình.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan sớm sửa Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành một bộ chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đó sẽ cho phép tổ chức, cá nhân được thế chấp tài sản hình thành sau vốn vay, được vay tín chấp để tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao,...
Đối với tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, Phó thủ tướng cho biết Thống đốc NHNN Việt Nam đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện cho vay gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, đồng thời bày tỏ tin tưởng hiệu quả sản xuất ở những mô hình liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp.