Giá vàng cao, có thời điểm lên đến 90 triệu đồng/lượng đối với vàng 24K, khiến N.L.T. (30 tuổi, sống tại TP.HCM) và chồng quyết định từ bỏ việc mua vàng cưới. Thay vào đó, cặp đôi chọn sẽ thuê một bộ trang sức gồm kiềng cô dâu, hoa tai, lắc tay và nhẫn với giá khoảng 2 triệu đồng.
"Giá vàng lên cao nhưng cũng xuống thất thường nên tôi thấy việc chi tiền mua vài cây vàng cho đám cưới, nếu bán lại cũng khá rủi ro. Tôi và chồng không có ý định sẽ giữ lại để tích lũy lâu dài nên thống nhất chi số tiền nhỏ thuê vàng để 'đẹp mặt' gia đình trong ngày trọng đại, dù sao đó cũng là truyền thống", T. chia sẻ với Tri Thức - Znews.
T. nói rằng biết đến dịch vụ cho thuê vàng cưới từ nhiều năm trước, nhưng vài năm trở lại đây, mỗi lần giá vàng lập đỉnh, cuộc thảo luận về chủ để trở nên sôi nổi hơn.
Trao tặng trang sức bằng vàng là một nghi thức phổ biến trong đám cưới ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này vô tình trở thành gánh nặng và áp lực đối với những gia đình không dư giả, đặc biệt khi giá vàng ngày càng cao kỷ lục. Có nên thuê vàng để "phông bạt" trong lễ thành hôn cũng gây tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều.
Thuê, mượn vàng trong đám cưới
Qua trao đổi với cửa hàng cho thuê, T. được biết sẽ cần ký hợp đồng, đặt cọc tiền bằng giá trị bộ trang sức và được hoàn tiền sau khi trả lại đầy đủ.
"Thuê vàng giúp vợ chồng tôi bớt nỗi lo mua vào giá cao, bán lại khi sụt giá. Nhưng có một áp lực đó là phải giữ số vàng đi thuê cẩn thận, giá trị lớn của món đồ khiến tôi có chút lo lắng", T. bày tỏ.
Trên một số hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm cho cô dâu sắp cưới, T. thậm chí thấy nhiều người còn khuyên thay vì thuê vàng, nên mua vàng giả từ các sàn thương mại điện tử, với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Thử tìm kiếm theo từ khóa "kiềng cô dâu" trên Shopee, cô thấy có những shop đã bán được hàng nghìn đơn, chứng tỏ việc sắm vàng giả để "phông bạt" không phải là chuyện hiếm.
"Đằng nào cũng chỉ là hình thức, tôi nghĩ thuê hay mua vàng giả cũng không phải là vấn đề quan trọng nữa, tùy vào lựa chọn của mỗi người. Với tôi, việc thuê vàng cũng giống như thuê váy áo, trang sức trong hôn lễ", T. nói.
Chủ một cửa hàng vàng bạc đá quý tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết nhu cầu thuê bộ vàng cưới tăng nhẹ khoảng 20% từ khi vàng liên tục tăng giá trong tháng này, cũng rơi vào thời điểm mùa cưới cuối năm.
Người này nói rằng đây là dịch vụ đã có từ hơn chục năm qua và được khá đông người sử dụng. Những vị khách lựa chọn thuê vàng cưới đa số là những người không có kinh tế dư giả và không có nhu cầu giữ vàng làm tích sản. Họ chỉ cần có một bộ trang sức để hoàn thiện nghi lễ và đeo chụp ảnh trong ngày cưới.
Huyền Anh cho bố mẹ mượn vàng để trao cho chị gái trong ngày cưới. Ảnh: NVCC. |
Trong đám cưới cho chị gái của Huyền Anh (25 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM) vào giữa tháng 10, do giá vàng lên cao, bố mẹ chỉ đủ tiền mua một kiềng vàng 5 chỉ.
"Bố mẹ tôi cảm thấy áy náy vì biết nhà trai đã chuẩn bị nhiều hơn, sợ con gái sẽ bị quan khách đánh giá khi nhà mẹ đẻ cho ít, dù chị tôi nói việc trao bao nhiêu vàng không quan trọng", Huyền Anh tâm sự.
Để bố mẹ thoải mái tâm lý, Huyền Anh đã đề nghị cho mượn số vàng mà cô mua tích lũy để bố mẹ trao trong đám cưới, trong đó bao gồm nhẫn trơn và một lắc tay nhỏ. Như vậy, cộng với số vàng của bố mẹ có đã gần bằng với số gia đình nhà trai tặng.
Bố mẹ còn muốn thuê thêm lắc tay, hoa tai để trao trong hôn lễ nhưng Huyền Anh và chị gái cô đều nói không nên. "Việc thuê vàng sẽ dẫn đến những rắc rối không mong muốn nếu có sơ suất, làm mất trong đám tiệc", cô nói.
Từ trước đám cưới, chị gái cô cũng nói rõ với chồng về số vàng được em gái cho mượn và sẽ trả lại. Sau hôn lễ, hai vợ chồng thống nhất để số vàng được tặng do bố mẹ hai bên giữ giúp.
Theo Huyền Anh, rất khó để nói việc thuê mượn vàng làm đám cưới là nên hay không. Nhiều người coi đó là "phông bạt" hay "làm màu", nhưng với những gia đình khác thì đó là một nghi thức cần có, hoặc đơn giản là một món trang sức làm đẹp trong ngày trọng đại.
Nói không với "phông bạt"
Gần một tháng trước đám cưới của con gái vào giữa tháng 11, bố mẹ Cúc Phương (28 tuổi, Nghệ An) khá sốt sắng khi giá vàng tăng. Thời điểm giá sụt nhẹ sau khi lập đỉnh 86 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 10, bố mẹ cô đã lập tức đi mua trang sức cưới. Ngay sau đó, giá tiếp tục tăng.
Vợ chồng Cúc Phương không quan trọng việc được tặng bao nhiêu vàng trong ngày cưới. Ảnh: NVCC. |
"Tôi thấy thương bố mẹ vì số tiền tôi biếu, bố mẹ không tiêu xài mà giữ lại để mua vàng cưới cho tôi", Phương cho biết.
Trong khi nhiều cặp đôi sắp cưới đề cao việc được tặng bao nhiêu vàng trong hôn lễ, Cúc Phương nói rằng với cô chuyện đó không quan trọng, bố mẹ có bao nhiêu tặng bấy nhiêu, đều đáng quý.
Trong quá trình chuẩn bị cho hôn lễ, có rất nhiều công đoạn phải lo, cô cũng không muốn dành chút tâm sức nào để nghĩ cách "phông bạt". Bởi vậy, cô thấy thuê vàng cưới là việc thừa thãi và vô nghĩa.
Cô và chồng chỉ chuẩn bị nhẫn cưới. Sau khi đi xem khoảng 10 cửa hàng, Phương và chồng quyết định mua một cặp nhẫn giá gần 7 triệu đồng. Cô cho biết lựa chọn này giúp vợ chồng tiết kiệm 4-5 triệu đồng so với mua từ các thương hiệu có tiếng.
Giá vàng tăng cao không gây áp lực đối với Hoàng My (26 tuổi, Hà Nội) khi sắp tổ chức đám cưới, vì gia đình hai bên đã thống nhất sẽ không trao vàng trong hôn lễ.
Trong cuộc gặp với nhà trai để bàn chuyện tổ chức, mẹ của My đã thẳng thắn đề nghị điều này. Mẹ cô cho rằng việc tặng vàng dễ dẫn đến những lời bàn tán, so sánh nếu một trong hai nhà chuẩn bị số lượng ít hơn. Thay vào đó, bố mẹ hai bên có thể cân nhắc tặng sổ tiết kiệm hoặc tài sản khác cho các con sau đám cưới, không nhất thiết phải tặng trước mặt quan khách.
Nhiều cặp đôi coi việc trao tặng vàng trong đám cưới là không cần thiết. Ảnh: Pexels. |
"Tôi khá bất ngờ khi mẹ nói thẳng với nhà trai như vậy. Nhưng cuối cùng phía nhà chồng cũng đồng tình với quan điểm này. Gia đình hai bên cũng không nhắc đến vấn đề giá vàng cao hay thấp, chỉ thấy rằng việc tặng vàng có thể gây ra áp lực vô hình nên chọn lược bỏ", My nói.
Thực tế, trước cuộc gặp, My cũng đã bàn với mẹ về việc không thích đeo vàng chụp ảnh trong hôn lễ vì hai bộ váy cưới cô chọn theo phong cách hiện đại, không hợp để đeo kiềng vàng.
Cô nói trước rằng nếu mẹ trao tặng, cô cũng cũng xin phép tháo và cất ngay sau đó để tiếp tục buổi lễ. Cô cũng thảo luận trước với chồng về mong muốn này và nhờ chuyển lời tới bố mẹ anh.
"Về tiền nong, của hồi môn hay quà bố mẹ chồng, bố mẹ vợ tặng thì tôi không tính toán đến. Tôi chỉ nghĩ bố mẹ tặng gì đều quý, không có cũng không sao chứ không nhất thiết phải phô trương trước họ hàng, khách mời. Sau cuộc trò chuyện của bố mẹ, tôi thấy cách làm đó rất hợp lý, tránh được những lời quan tiếng lại không hay", cô nàng Gen Z bày tỏ.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.