Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng chống các vụ giết người nghiêm trọng như thế nào?

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường như thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, không phải là băng nhóm xã hội đen.

Chiều 28/10, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga có bài phát biểu trước Quốc hội về Giải pháp phòng, chống các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng. Zing.vn ghi lại:

Kính thưa Quốc hội!

Thời gian gần đây, liên tiếp xẩy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và là sự thách thức lớn đối với nhà nước. Điển hình như vụ Nguyễn Đức Nghĩa - Hà Nội, Lê Văn Luyện - Bắc Giang; đặc biệt chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 đã  liên tiếp xảy ra 3 vụ ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái giết chết 14 người trong 3 gia đình. Các vụ giết 1 đến 2 người vẫn tiếp tục xảy ra trong những ngày qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. Nhưng chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

Tôi xin phân tích một số đặc điểm, nguyên nhân và giải pháp.

1. Về đặc điểm

Các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ, thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt (có vụ chỉ là do cái nhìn, do va chạm giao thông, tranh chấp cái mương nước, thậm chí chỉ từ vài quả chanh).

Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.

2. Về nguyên nhân

Ngoài nguyên nhân trực tiếp của từng vụ đã được nêu trong các Kết luận tố tụng, tôi xin nêu 5 nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô mà chúng ta không thể coi nhẹ.

Thứ nhất: Về giáo dục nhân cách

Thưa Quốc hội! Khi những thanh niên chưa có tiền án, tiền sự mà gây án với phương thức dã man, tàn ác là thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách. Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình.

- Giáo dục xã hội:

Mặt trái của kinh tế thị trường làm môi trường sống rất phức tạp và chịu nhiều áp lực. Xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý đã không theo kịp. Sự xuống cấp về đạo đức; lối sống thực dụng, hưởng thụ đã hối thúc nhiều người trẻ bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. 

Những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành tác động hàng ngày đã ảnh hưởng rất  tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ. Cộng với việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng. 

Họ có xu hướng hành động bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ).

- Giáo dục gia đình: Vì nhiều lý do, không ít gia đình chỉ chú trọng đến nuôi mà ít quan tâm đến giáo dục con, phó mặc cho người giúp việc, cho nhà trường, cho xã hội. Do đó tâm lý, hành vi của con phát triển theo hướng nào cha mẹ không hay. Nhiều vụ cha mẹ bàng hoàng, kinh ngạc, thậm chí ngất xỉu khi biết con mình giết người.

- Giáo dục nhà trường: Còn xu hướng nặng về kiến thức và thi cử nên dường như mục đích lớn nhất của các em và phụ huynh là: ứng phó với các kỳ thi chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị kỹ năng sống, học để tương tác, dung hòa với các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp. Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân có cải tiến nhưng vẫn còn công thức và xơ cứng, hiệu quả thấp; lại không phải là môn học có tính chất quyết định khi chuyển cấp, tốt nghiệp nên bị ngay cả nhà trường, học sinh và phụ huynh coi nhẹ. 

Đặc biệt, giáo dục kỹ năng sống hầu như ít được quan tâm trong bậc phổ thông, đại học. Hệ quả là trình độ học vấn của các em nhiều lúc lại không tương xứng với nhận thức văn hóa, pháp luật, đạo đức (thủ phạm Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Đức Nghĩa đều đã tốt nghiệp đại học).

Thứ 2: Về thông tin, truyền thông

Sự bùng nổ của thông tin đã làm thay đổi chóng mặt cuộc sống của giới trẻ, trong đó có cả mặt không tích cực. Trong khi khả năng chọn lọc, sức đề kháng của người trẻ trước thông tin độc hại, game, phim ảnh bạo lực là rất thấp. Xuất hiện xu hướng phụ thuộc vào mạng xã hội, nghiện mạng xã hội. Nhiều em sống đời sống tinh thần ảo. 

Hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài đã góp phần đánh thức phần bản năng xấu trong thanh thiếu niên, khiến các em trơ lì cảm xúc phản ứng với cái ác, hướng các em tới hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm giết người có tiền sử nghiện game bạo lực. Các nhà quản lý và giáo dục phải có đối sách với thực trạng đáng lo ngại này.

Vai trò của báo chí trong việc làm cầu nối thông tin, phản hồi dư luận về vụ án là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc một số bài miêu tả quá tỉ mỉ diễn biến, thủ đoạn phạm tội, khai thác những chi tiết rùng rợn dẫn đến hệ quả không mong muốn là: những kẻ có ý định phạm tội học được các phương thức, thủ đoạn giết người, che giấu tội phạm. 

Áp lực quá lớn từ truyền thông cũng có thể khiến cho Điều tra viên nôn nóng phá án, dễ dẫn đến bức cung, nhục hình, oan sai. Khai thác nhiều chi tiết đời tư của nghi phạm, của bị hại là chúng ta đã xâm phạm quyền bí mật đời tư. Nếu tiếp tục đưa nhiều tin về các vụ con giết cha, vợ giết chồng, giết người cưu mang mình, bội bạc, phản trắc.... thì dần dần lớp trẻ sẽ mất niềm tin ở tình người và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử. 

Do đó trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cần được đề cao. Việc Bộ công an tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin chính thống như vừa qua là rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế việc cho phép đưa lên truyền thông hình ảnh chi tiết các cuộc khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra như vừa qua.

Thứ ba: Tình trạng mất kiểm soát việc sử dụng rượu bia, lạm dụng rượu bia khá phổ biến trên cả nước đang là nguyên nhân trực tiếp, tiềm tàng của nhiều vụ giết người, gây thương tích. Tám ngày Tết 2015 có đến 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau, chết 15 người trong đó chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia).

 Thứ 4: Một lượng đáng kể người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần, người loạn thần do dùng ma túy đá ở ngoài xã hội không được phát hiện, quản lý, chữa trị kịp thời (vụ bà Nguyễn Thị Vân bị tâm thần ngày 7/8/2015 đã vào bệnh viện Vĩnh Long dùng dao bầu đâm xuyên sọ bé sơ sinh là một ví dụ).

Thứ 5: Thiếu sót trong quản lý khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các công cụ phạm tội như vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ, mã tấu, súng, kiếm, dao..

Chúng tôi có 4 kiến nghị:

1. Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Cần sớm ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu bia; Luật về sức khỏe tâm thần.

2. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành Công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp.

3. Khắc phục các nguyên nhân  trên thuộc trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành, nhất là Bộ thông tin, Bộ giáo dục, Bộ công an, Bộ công thương, Bộ lao động.... đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành sớm có giải pháp.

4. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần xây dựng Chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.

Chưa có gì đảm bảo cuộc sống bình yên

"Từ xu hướng tội phạm cực kỳ nguy hiểm, gây ra thảm sát kinh hoàng lại không phải là tội phạm chuyên nghiệp đặt ra vấn đề chúng ta phải có giải pháp thích ứng, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Nếu cứ thế này thì không chủ động, kiểm soát được. 

Hoan nghênh Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo khám phá nhanh các vụ án nhưng chưa có gì bảo đảm sắp tới cuộc sống của chúng ta bình yên, tội phạm giết người không xảy ra. Cách làm chúng ta cũ lắm rồi. Tuyên truyền như loa phường thì có tác dụng gì" - Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá).

Nguyễn Hải Dương giết cả gia đình bạn gái cũ vì hận tình

Dương được cho là chủ mưu trong vụ án giết 6 người trong gia đình chủ xưởng gỗ ở Bình Phước và anh ta đã lên kế hoạch rất bài bản để thực hiện hành vi phạm tội.

N.Hưng

Bạn có thể quan tâm