Sáng 8/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu, tập huấn, hướng dẫn điều trị, phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona.
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Mỗi buồng bệnh cần đảm bảo 2 cửa chính, nếu không đủ cần tăng cường các biện pháp thông khí cưỡng bức (sử dụng các thiết bị điều chỉnh không khí) nhằm đảm bảo môi trường không khí an toàn.
Thiết bị hỗ trợ gồm có quạt cản khí trong buồng cách ly ra ngoài, quạt hút khí sạch từ ngoài môi trường vào buồng cách ly, quạt đẩy khí ô nhiễm trong buồng cách ly ra khu ít người.
Về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay đây là kinh nghiệm quý báu rút ra từ dịch SARS năm 2003.
“Năm 2003, bản thân tôi được bộ giao xuống đóng cửa Bệnh viện Việt Pháp, lúc này thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập, bệnh nhân được cách ly trong phòng tiện nghi, điều hòa đầy đủ. Ít lâu sau, nhiều nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh, trong đó có một bác sĩ của WHO.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không có ai bị nhiễm chéo, một phần nhờ ở đây mở cửa thông thoáng, một phần không tiện nghi. Chúng tôi mới nhận ra trong phòng kín, có điều hòa làm virus lây lan nhanh hơn”, PGS Khuê chia sẻ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng còn cho biết việc thực hiện cách ly tại cơ sở y tế được phân thành nhiều loại:
- Đối với người trên 12 tuổi, thời gian được tính từ ngày nhập viện cho tới 14 ngày sau khi hết sốt.
- Đối với người dưới 12 tuổi, thời gian được tính từ khi nhập viện đến 16 ngày kể từ lúc khởi phát.
Nếu người bệnh đông, các bác sĩ có thể hướng dẫn cách ly tại nhà, sử dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.
PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết thêm hiện nay, do những thay đổi mới ghi nhận về căn bệnh này, việc giám sát, sàng lọc bệnh nhân cũng thay đổi.
Cụ thể, chỉ cần bệnh nhân có một trong những biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, có lịch sử đi lại ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày đều được coi là nghi nhiễm, đưa vào sàng lọc. Ngoài ra, cán bộ y tế được xem là người tiếp xúc gần với bệnh nhân, cũng cần lập danh sách theo dõi sức khỏe, nhiệt độ cơ thể hàng ngày.
Đồ họa: Minh Hồng |