Ngày 27/6 vừa qua, thế giới đã ghi nhận trường hợp trẻ đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Pháp. Thực tế, ngay từ khi dịch đậu mùa khỉ bùng phát, các cơ quan y tế đã dự đoán virus có thể lây lan sang trẻ em và chuẩn bị các biện pháp ngăn ngừa, chăm sóc.
Song song với trẻ em, nguy cơ một nhóm đối tượng khác, cũng rất nhạy cảm, là phụ nữ mang thai và thai nhi mắc bệnh đậu mùa khỉ rất cao.
Gây biến cố khi sinh
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết mới đây, Tạp chí Lancet đã đăng tải một bài báo trích dẫn các dữ liệu về việc virus đậu mùa khỉ và cả virus đậu mùa ( virus gây ra dịch đậu mùa trước đây) đều có khả năng cao gây nhiễm trùng đối với thai nhi.
“Các loại virus này còn có thể gây biến cố đẻ non, sảy thai, thai lưu bên cạnh gây bệnh và nguy cơ tử vong đối với người mẹ”, bác sĩ Bắc thông tin.
Phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ có nguy cơ gặp biến cố khi sinh, thậm chí lây sang thai nhi. Ảnh minh họa: omurden_cengiz. |
Cụ thể, trong 4 phụ nữ mang thai nhiễm virus đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, được phát hiện từ năm 2007 đến 2011, có tới 2 trường hợp sảy thai ở giai đoạn sớm của thai kỳ, một người sảy thai ở thời điểm tuần thứ 18.
Khi quan sát thai chết lưu, các y bác sĩ nhận thấy có xuất hiện các nốt ban trên da toàn thân, đồng thời tìm được ADN của virus đậu mùa khỉ trong bào thai, dây rốn và nhau thai.
“Điều này khẳng định sự lây truyền dọc, tức lây từ mẹ sang con qua nhau thai, của virus đậu mùa khỉ”, bài báo này kết luận.
Dự phòng từ sớm
Thông qua các thông tin từ nghiên cứu nói trên, bác sĩ Bắc khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng nên nghĩ tới đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai nếu có biểu hiện sưng hạch và phát ban mụn nước, bao gồm cả ban ở vùng sinh dục và quanh hậu môn.
Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm chuỗi trùng hợp acid nucleic để phát hiện virus đậu mùa khỉ trên bệnh phẩm thu thập từ mụn nước hay những tổn thương vùng sinh dục.
Các bác sĩ cũng phải theo dõi sát thai nhi trên những người mẹ nhiễm virus đậu mùa khỉ dựa trên siêu âm. Việc làm này chủ yếu nhằm phát hiện tình trạng gan to hoặc phù của thai nhi.
Một số loại vaccine và thuốc đã được phê duyệt để sử dụng cho phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa: mufid_majnun. |
Vị chuyên gia thông tin thêm: “Việc chọc ối để xét nghiệm tìm virus đậu mùa khỉ chưa chắc chắn mang lại hiệu quả”.
Với các trường hợp trẻ sau khi sinh từ bà mẹ nhiễm virus đậu mùa khỉ, bé có thể cần làm xét nghiệm rRT-PCR đối với bệnh phẩm từ máu dây rốn hoặc nhau thai để chẩn đoán xác định có nhiễm loại virus này hay không.
Về điều trị, một số loại thuốc có thể cân nhắc sử dụng cho phụ nữ mang thai nhiễm virus đậu mùa khỉ ở mức độ nặng.
Cụ thể, thuốc có tên Tecovirimat, đã được Ủy ban Y học châu Âu phê chuẩn sử dụng trong điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cung cấp thông tin loại thuốc này không gây độc hại với thai nhi và không gây quái thai khi nghiên cứu trên động vật.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã phê chuẩn khẩn cấp sử dụng vaccine bệnh đậu mùa ACAM2000, có hiệu quả bảo vệ chéo với đậu mùa khỉ là 85%, để xem xét chỉ định cho phụ nữ mang thai nguy cơ cao phơi nhiễm loại virus này.
Vaccine đậu mùa thế hệ 3 MVA-BN cũng mới được Mỹ, Canada và liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn gần đây. Loại vaccine này có thể an toàn hơn vì được sản xuất từ các virus không có khả năng nhân lên.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quyết định ở giai đoạn này, đợt bùng phát đậu mùa khỉ không phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm quốc tế (PHEIC).
Bệnh đậu mùa khỉ do virus gây ra, với các triệu chứng giống cúm và tổn thương trên da, đã và đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới bên ngoài các quốc gia bệnh lưu hành.
Cơ quan Y tế Công cộng Pháp thông tin đặc điểm và khả năng lây lan của bệnh có thể do dùng chung khăn trải giường, ga, gối, phòng khách, dao, kéo. Nguy cơ với cộng đồng hiện tại vẫn được đánh giá là thấp.
Theo Reuters, báo cáo đến ngày 27/6 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 3.400 ca mắc đậu mùa khỉ, một trường hợp tử vong. Phần lớn ca bệnh đến từ châu Âu.
WHO cho hay kể từ 17/6 đến nay, thêm 1.310 bệnh nhân mới được ghi nhận. Trong đó, 8 quốc gia mới bùng dịch. Số ca bệnh đã xuất hiện ở 5 châu lục, 46 quốc gia thuộc sự quản lý của WHO, đặc biệt, Vương Quốc Anh là ổ dịch lớn nhất thế giới.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).