Nhật Bản: Việc tặng quà được xem là nhiệm vụ của phái đẹp Nhật Bản trong ngày 14/2. Theo truyền thống, các cô gái thường tặng giri choco (chocolate nghĩa vụ hay chocolate lịch sự) cho đồng nghiệp nam hay người quen nam giới và sau đó là honmei choco (chocolate yêu thích), thường là socola tự làm để dành tặng người yêu hoặc chồng. Tuy nhiên, giri choco đang ngày càng bị phụ nữ Nhật Bản phản đối. Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều người cho biết họ cảm thấy khó chịu khi phải cố làm vừa lòng đồng nghiệp, cấp trên bằng việc tặng quà trong Lễ Tình nhân. Ảnh: Japan Times. |
Hàn Quốc: Valentine ở xứ kim chi có tới 3 ngày, bao gồm Valentine Đỏ (14/2), Valentine Trắng (14/3), Valentine Đen (14/4). Giống với Nhật Bản, phái yếu sẽ tự tay làm chocolate tặng cho “nửa kia” vào ngày này. Đến Valentine Trắng, nam giới sẽ “đáp lễ” lại. Còn ngày Valentine Đen dành cho những người độc thân. Họ thường mặc đồ đen, ăn mì đen và tụ tập để tiệc tùng cùng nhau. Ảnh: Korea Boo. |
Trung Quốc: Ngày Lễ Tình nhân của người Trung Quốc là ngày mùng 7/7 âm lịch (Thất tịch). Nguồn gốc của ngày này xuất phát từ truyền thuyết vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước. Vào ngày Thất tịch, bên cạnh tặng nhau hoa và chocolate, các cặp tình nhân sẽ cùng đến Đền Bà Mối để cầu cho tình yêu bền chặt dẫn đến hôn nhân hạnh phúc. Những cô gái còn lẻ bóng thường cầu nguyện dưới sao trời vào buổi đêm và thả một chiếc kim lên bề mặt chậu nước. Nếu kim không chìm thì đó là dấu hiệu cho thấy tình yêu sắp sửa gõ cửa. Ảnh: China Daily. |
Pháp: Quốc gia này từng tồn tại phong tục “rút thăm tình yêu” trong Lễ Tình nhân. Những người độc thân ở mọi lứa tuổi sẽ tụ tập, tìm kiếm đối tượng để ghép đôi. Nếu người đàn ông cảm thấy không thích người phụ nữ mình chọn, anh ta sẽ bỏ đi. Những cô gái không tìm được người ghép đôi sẽ gặp nhau vào cuối ngày, cùng đốt ảnh những người từ chối họ. Sau này, chính phủ Pháp ban hành lệnh cấm phong tục này. Ảnh: Reuters. |
Anh: Ngày 14/2, những người yêu nhau tại xứ sở sương mù thường trao tặng những chiếc thìa bạc được khắc biểu tượng chìa và ổ khóa, tượng trưng cho việc trao chiếc chìa mở khóa tình yêu cho đối phương. Còn với phụ nữ độc thân, họ có truyền thống đặt 5 lá nguyệt quế trên giường, 4 lá ở góc và 1 lá ở chính giữa vào tối ngày Valentine. Truyền thống này có từ thế kỷ 17 được cho là có thể giúp các cô gái nhìn thấy người chồng tương lai của mình trong giấc mơ. Ảnh: The Sun. |
Tây Ban Nha: Ở xứ Valencia (Tây Ban Nha), ngày dành cho các cặp đôi rơi vào 9/10 hàng năm, hay còn được biết đến là Ngày của Thánh Dionysius, vị thánh bảo trợ cho tình yêu. Vào dịp này, nhiều lễ hội, diễu hành được tổ chức hoành tráng dọc các con phố. Mocadora, món bánh hạnh nhân tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, sẽ được phái mạnh đem tặng cho người yêu. Ảnh: Pinterest. |
Romania: Lễ Tình nhân tại quốc gia châu Âu này được tổ chức riêng vào ngày 24/2, với tên gọi Dragobete hay còn được biết đến như ngày những đôi chim kết tổ. Người Romania tin rằng nếu ai đó giẫm lên chân nửa kia của mình trong dịp này, họ sẽ trở thành người dẫn dắt mối quan hệ. Ảnh: Reuters. |
Đan Mạch, Na Uy: Tại hai quốc gia thuộc Bắc Âu, nam giới sẽ gửi thư tình ẩn danh cho người phụ nữ mình thích vào ngày 14/2. Truyền thống này được người địa phương gọi là "gekkebrev", trong đó lá thư được ký tên bằng những chấm tròn. Số chấm tương ứng với số chữ cái trong tên người đàn ông. Nếu người phụ nữ đoán đúng, người đàn ông sẽ tặng cô một quả trứng trong Lễ Tạ ơn. Nếu đoán sai, cô gái sẽ nợ người đàn ông một quả trứng. Ảnh: Metro. |
Brazil: Người Brazil không kỷ niệm Lễ Tình nhân vào ngày 14/2 mà vào ngày 12/6. Vào dịp này, phụ nữ độc thân sẽ viết tên những người đàn ông mà mình có cảm tình, sau đó để vào một cái nón và “rút thăm”. Họ tin rằng người mà mình bốc trúng có thể trở thành chồng họ trong tương lai. Ảnh: CNN. |