Như thường lệ, chiều 30 Tết hàng năm được coi là thời khắc quan trọng, người người, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất để đón năm mới. Cũng trong khoảng thời gian này, trên khắp đất nước, mỗi nơi đều có những phong tục, tập quán riêng. Ở Hà Nội, vào buổi chiều cuối năm, mọi người cùng nhau dọn nhà, đổ rác như một cách xua đuổi những rủi ro của năm cũ. |
Chiều 30 Tết, người Thái cùng nhau gội đầu ngoài sông như để gột bỏ những điều chưa may mắn ở năm cũ. Theo tục lệ, con gái sẽ gội bằng nước vo gạo nếp chua, con trai gội bằng bồ kết. |
Ở huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), dù nghèo khó đến đâu, chiều 30 Tết con cháu cũng phải có mâm cơm thịnh soạn để “giỗ sống” ông bà, cha mẹ. Mâm cơm không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng thường là những món mà ông bà, cha mẹ yêu thích. Khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà cha mẹ những lời sám hối nếu như trong năm qua mình phạm phải điều gì làm bậc sinh thành buồn lòng. |
Ở Huế, người dân không có tục hái lộc đầu năm và đặc biệt không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân. Mấy năm gần đây, nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã biết ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa bởi theo tục xông đất (người Huế gọi là đạp đất), không ai muốn về nhà sau giao thừa cũng bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình. |
Ở Sài Gòn, người dân tranh thủ quét dọn nhà cửa sạch sẽ và sẽ cất hết chổi trước thời khắc giao thừa. Bởi theo tục lệ của người dân ở đây, nếu bị mất chổi vào đầu năm mới sẽ báo hiệu một năm đen đủi, nhiều điều rủi ro. |
Với người dân Nam Bộ, vào chiều 30 Tết, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức món canh khổ qua nhồi thịt với hy vọng xua tan mọi buồn phiền, rủi ro của năm cũ. Theo tục lệ ở nơi này, nếu thành viên nào không có mặt vào bữa cơm chiều cuối năm cùng gia đình, năm sau sẽ phải bôn ba, làm ăn vất vả. |
Chiều 30 Tết với người dân miền Tây là thời khắc cả nhà quây quần bên nồi bánh tét chờ bánh chín. Vào đúng thời khắc giao thừa, mẹ, bà sẽ vớt bánh và cắt ra để cúng tổ tiên. |