5h sáng, Lee Myung Guk đã lục đục thức dậy và chuẩn bị đồ nghề làm việc. Chàng trai 26 tuổi là nhân viên kỹ thuật đài SBS (Hàn Quốc), được cử cùng đoàn sang Việt Nam đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội lần này.
"Chúng tôi thường làm việc khoảng 10 tiếng một ngày, có lúc từ sáng sớm, có lúc tới khuya để thực hiện những bản tin một cách nhanh nhất gửi tới khán giả quê nhà", Myung Guk chia sẻ với Zing.vn.
Chi hàng nghìn USD dựng trường quay dã chiến
Để cập nhật những tin tức nóng nhất về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, đài truyền hình SBS đã cử đoàn nhân viên 60 người gồm MC, quay phim, kỹ thuật, hậu cần... sang Việt Nam theo từng nhóm nhỏ.
Bên cạnh đó, đài cũng liên hệ với các du học sinh khoa tiếng Việt tại Hà Nội để giúp đỡ phiên dịch, chỉ đường đi lại. Tất cả trang thiết bị đều được nhân viên đem từ Hàn Quốc sang, chứ không thuê tại Việt Nam.
Giống một số đài truyền hình nước ngoài khác khi đưa tin về hội nghị này, đoàn nhân viên SBS thuê tầng thượng của một khách sạn trên phố Gia Ngư để làm trường quay dã chiến, nơi có tầm nhìn ra hồ Hoàn Kiếm cũng như đường đi và khách sạn nơi ông Kim Jong Un ở.
"Chúng tôi đã rất khó khăn để có được địa điểm này vì nhiều đài khác cũng muốn thuê. Có thể nói chúng tôi đã gặp may mắn vì nơi này có view rất đẹp", nam kỹ thuật viên chia sẻ.
![]() |
Khu vực ghi hình của phóng viên đài SBS (Hàn Quốc) trên nóc khách sạn ở phố Gia Ngư. Ảnh: L.T. |
Cả đoàn chia ra thành 10 nhóm để tác nghiệp, nhóm chụp hình, nhóm quay phim, nhóm làm bản tin... để cập nhật các thông tin, hình ảnh về sự kiện một cách nhanh nhất. Ngoài Buyng Guk, nhóm của anh gồm một MC, một quay phim chính và một tình nguyện viên giúp phiên dịch, chuẩn bị phục trang và dẫn đường. Cả nhóm thuê phòng tại một khách sạn cách nơi ghi hình 20 phút đi xe.
Mỗi ngày, nhóm của Byung Guk thực hiện khoảng 1-2 bản tin. Vì có 10 nhóm như vậy, một ngày cả đoàn có thể sản xuất khoảng 10 sản phẩm gửi về trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc.
"Ví dụ nếu muốn quay một bản tin về tổng thống, chúng tôi sẽ kiểm tra trước lịch trình đi lại của ông, đi đường nào, theo hướng nào, sau đó cử người đi theo ghi hình lại. Sẽ có nhóm chịu trách nhiệm riêng cho các phân cảnh như lên xe, đi ăn hay trên đường di chuyển sau đó gửi về cho đài ở bên Hàn Quốc để sản xuất tin", Byung Guk nói.
Cách địa điểm đài SBS thuê không xa, một trường quay ngoài trời cũng được các nhân viên hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) và đài Bloomberg (Mỹ) dựng trên tầng thượng một khách sạn ở Chợ Cầu Gỗ. Trong khi Yonhap thuê không gian bên dưới, toàn bộ phần bên trên của quán bar được Bloomberg bao trọn.
Chị Nguyễn Thanh Huyền - giám đốc O'gallery Classy Hotel ở Chợ Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm - không tiết lộ chính xác với Zing.vn về mức giá hai đài truyền hình này phải bỏ ra thuê địa điểm, mà chỉ cho hay con số dao động từ 2.000 USD/ngày.
Do không thể trực tiếp thuê đường mạng riêng tại Việt Nam, phía Bloomberg đã nhờ khách sạn hỗ trợ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, bỏ ra giá 2.500-3.000 USD cho 3 ngày. Hãng thông tấn Yonhap cũng chi tới 5.000 USD cho 2 đường mạng riêng trong để phục vụ tốt nhất công tác đưa tin. Các trang thiết bị hiện đại và nhân viên luôn trong chế độ chờ, sẵn sàng sản xuất tin khi cần.
![]() ![]() |
Dàn thiết bị hiện đại của đài Bloomberg, Mỹ. Mọi người ở đây luôn sẵn sàng "tác chiến" khi cần. Ảnh: Nguyễn Thanh Huyền. |
Về những khó khăn khi tác nghiệp tại Hà Nội, nam kỹ thuật viên đài SBS cho biết anh lo ngại nhất chính là vấn đề thời tiết. Việc thường xuyên có mưa phùn khiến anh phải tìm vật che chắn cho các thiết bị ghi hình ngoài trời. Đối với các quay phim, việc nhiều đoạn đường bị cấm và khu vực tác nghiệp hạn chế là rào cản lớn nhất.
"Những khu vực không bị cấm thì có rất đông phóng viên và cả người dân, việc chen chúc khiến việc ghi hình gặp nhiều khó khăn", anh chia sẻ.
'Nhất định sẽ quay lại Hà Nội du lịch'
Có 2 năm kinh nghiệm làm việc ở đài truyền hình, đây là lần đầu tiên Byung Guk được cử ra nước ngoài công tác. Khi mới đến thủ đô, ấn tượng chung của anh cũng như nhiều phóng viên quốc tế là lượng xe máy "khủng" ở Hà Nội.
"Trên đường, các phương tiện giao thông rất nhiều so với ở Hàn Quốc. Lúc đầu, tôi thấy sợ lắm, không dám đi qua đường luôn. Bây giờ đã thích ứng hơn nhiều rồi", chàng trai 26 tuổi tâm sự.
Ở Hà Nội gần 10 ngày nay, điều khiến chàng trai Hàn Quốc thích thú nhất là được thử nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam. Anh nhận xét đồ ăn Việt nhiều dầu, nhiều thịt hơn so với các món ở Hàn nhưng rất dễ ăn. Bánh mỳ, bún chả là hai món "khoái khẩu" nhất của cả nhóm.
Lee Hyun-young - nữ phóng viên xinh đẹp của đài SBS, Hàn Quốc. Ảnh: Duy Anh. |
Không giống Byung Guk, Park Soo Yeon (21 tuổi) đã ở Hà Nội được hơn một năm nay. Cô là sinh viên khoa tiếng Việt, Đại học Sư phạm Hà Nội, được đài SBS liên hệ để hỗ trợ phiên dịch, chỉ đường trong thời gian tác nghiệp tại đây. Sự hào hứng, nhiệt tình hiện rõ trên gương mặt nữ sinh viên khi lần đầu được góp công sức trong một sự kiện quốc tế.
"Vì ở đây (Hà Nội) đã được một thời gian nên mình khá quen thuộc. Hôm trước, mình được theo đoàn đi Đồng Đăng (Lạng Sơn) để đưa tin khi ông Kim Jong Un đến. Đó là trải nghiệm rất thú vị", Soo Yeon kể.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un đã kết thúc. Đối với những người làm nhiệm vụ đưa tin trong cuộc gặp lần này, chuyến công tác tại Hà Nội có lẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
"Lần này đến Việt Nam để làm việc nên tôi không có cơ hội được đi thăm thú nhiều. Thời gian sắp tới, nhất định tôi sẽ quay trở lại đây du lịch, khi đó sẽ 'quẩy' thật đã luôn", Byung Guk hài hước nói với Zing.vn.