Nhiều gia đình bối rối khi con không đỗ nguyện vọng trường công lập. Ảnh: Tiền Phong. |
Chị Đỗ Thị Huyền có con là học sinh trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai, trượt cả 2 nguyện vọng. Biết năng lực của con nên gia đình đã định hướng đăng ký trường THPT tốp giữa nhưng điểm chuẩn tăng vọt lên hơn 2 điểm, con thiếu 0,75 điểm.
“Từ khi có điểm, đối chiếu điểm chuẩn năm ngoái, cả bố mẹ, con cái đều khấp khởi vui vì tin là con sẽ đỗ. Ai ngờ, điểm chuẩn tăng lên, biết mình trượt, con đóng cửa phòng khóc, bỏ ăn gần 2 ngày nay”, chị Huyền nói.
Hoang mang, lo lắng
Cũng theo chị Huyền, đồng hành với con suốt cả năm học, đưa đón đi học thêm vất vả sớm hôm nên cũng không tránh khỏi nỗi buồn, sự hụt hẫng nhưng thời điểm này, bản thân chị cũng phải gồng lên để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từ khi có điểm chuẩn, chị đã chạy đôn chạy đáo đến một số trường tư tốp 2 để hỏi điểm chuẩn dự kiến, canh cửa nộp hồ sơ.
“Trường ngoài công lập có chất lượng trước đó đều đã dành số lượng nhất định để tuyển sinh bằng phương thức khác nên chỉ tiêu không còn nhiều. Trường chỉ xét học bạ thì mình phải cân nhắc nhiều yếu tố, từ cơ sở vật chất, học phí, đối tượng học sinh theo học...”, phụ huynh này tâm sự.
Gia đình chị Đỗ Thị Hương, ở quận Ba Đình, ban đầu định hướng cho con học nghề nhưng phút chót đã quyết định rẽ hướng sang ghi danh ở một trường tư thục gần nhà.
“Con thi được 35,75 điểm, trong đó Toán được điểm 8, đáng tiếc Ngữ văn chỉ được 6 nhưng bố mẹ vẫn vui mừng, động viên con. Cuộc đời dài rộng ở phía trước và trượt trường công không phải là điều gì quá ghê gớm. Được gia đình động viên, con cũng vơi bớt nỗi buồn”, chị Hương chia sẻ.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để học trường ngoài công lập. Các trường tư học phí có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Chưa kể, trong quá trình học, học sinh sẽ phải đóng thêm chi phí quần áo, sách giáo khoa, dã ngoại, học thêm…
“Con thi trượt nguyện vọng 1 là trường THPT Mỹ Đình và mức lương của tôi chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, không đủ để cho con học trường tư. Từ khi biết điểm, cả gia đình rối ren, không thiết ăn uống, không biết phải tính thế nào cho tương lai của con. Gia đình chưa muốn học nghề vì con còn có khát vọng, ước mơ khác”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, quận Nam Từ Liêm, nói.
Lo lắng, hoang mang, tìm người tư vấn để chọn trường cũng là tình cảnh của nhiều phụ huynh có con thi trượt những ngày qua.
Sẽ tăng tỷ lệ đỗ trường công
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 129.210 học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS. Sau khi các nhà trường tuyên truyền, phân luồng, gần 105.000 học sinh thi vào trường THPT không chuyên. Trong đó, các trường THPT công lập tuyển khoảng 72.000 học sinh, nên có khoảng 33.000 em sẽ phải đăng ký học ở trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, học nghề…
Hà Nội hiện có 117 trường THPT công lập (đáp ứng được khoảng 72.000 học sinh mỗi năm học), 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ (đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh), 29 trung tâm trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và các trường nghề đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định thành phố Hà Nội có nhiều mô hình trường tạo cơ hội mở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhiều đối tượng học sinh.
Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết hiện nay, toàn thành phố Hà Nội đảm bảo được khoảng 60% em vào trường THPT công lập. Thực trạng thiếu trường lớp là vấn đề khó khăn mà ngành và địa phương đang đối mặt.
Thành phố đã chỉ đạo sẽ tìm kiếm nguồn xây dựng thêm trường học để tăng tỷ lệ học sinh vào trường công song song với nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và yêu cầu các khu đô thị mới phải xây dựng trường trước khi bán dự án.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên trong lúc này những học sinh thi trượt các nguyện vọng sẽ buồn nhất. Do đó, cha mẹ nên bình tĩnh để đồng hành, thấu hiểu con cái và tìm phương án cho con học trường tư hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Mỗi ngôi trường đều có đặc trưng riêng, quan trọng là các em luôn biết nỗ lực. Cha mẹ không nên thể hiện cảm xúc tiêu cực để con trầm trọng hóa nỗi buồn và coi đây là thất bại lớn. Khi kỳ vọng của gia đình vào học sinh càng cao thì nhìn nhận thất bại càng lớn dẫn đến tự ti, thất vọng, tức giận, xấu hổ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.