Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có công văn cho học sinh các cấp nghỉ học 1 tuần (từ ngày 3/2-9/2), nhiều nơi kéo dài kỳ nghỉ đến 16/2. |
Kỳ nghỉ vì dịch bệnh kéo dài, nhiều đôi vợ chồng phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà chăm con. Nhiều phụ huynh không xin nghỉ được phải gấp rút tìm người trông trẻ hoặc nhờ người thân giữ con hộ. Ảnh: Đỗ Hùng Dũng. |
Bên cạnh đó, lịch sinh hoạt, chi tiêu của nhiều gia đình cũng bị xáo trộn. Các bà nội trợ bận rộn hơn vì vừa phải phòng dịch cho cả nhà, vừa chăm lo thực đơn cho từng bữa ăn và canh chừng con nhỏ. Ảnh: Hạnh Hồ. |
Để con ở nhà thì yên tâm thật, nhưng sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ con đôi khi lại khiến các bậc cha mẹ đau đầu, khổ sở. Một số gia đình không thể cho con đi du lịch thì đưa con đến nhà ông bà, họ hàng để con có người chơi cùng. Ảnh: Trang Phạm. |
“Trẻ con mà, lúc nào chẳng kiếm người chơi cùng. Hai chị em đều còn nhỏ nên hở ra là chí chóe, cãi nhau rồi cùng gào lên khóc, chờ mình ra dỗ dành, giải quyết”, Hoàng Linh (24 tuổi, Hà Nội) nói với Zing.vn. |
Bên cạnh các trò nghịch ngợm khiến người lớn “dở khóc dở cười”, thời gian nghỉ dài khiến các bé có cơ hội tiếp xúc với máy tính, TV, điện thoại nhiều hơn. “Từ lúc trường cho nghỉ, các bé nhà tôi lại mê TV và iPad hơn. Tôi phải xin mang việc ở cơ quan về nhà làm nhưng cũng khó quản lý các bé 100% được”, chị Lê Hương (42 tuổi, TP. HCM) cho biết. Ảnh: Vivian Lê, Trần Hương Liên. |
Hình ảnh “bãi chiến trường” do con cái để lại được nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ lên các diễn đàn với caption “cạn lời”. Tuy nhiên, đa số cho rằng mặc dù việc này gây nhiều rắc rối cho các bậc phụ huynh nhưng tất cả đều chung tâm lý “sức khỏe con cái là trên hết”. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cha mẹ và con cái dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Ảnh: FB. |
Không chỉ ở Việt Nam, các gia đình ở Trung Quốc cũng gặp tình trạng tương tự. Li Xin (42 tuổi) cảm thấy lo lắng vì sự bùng phát của dịch corona sẽ khiến thời gian nhập học của 2 cô con gái trong học kỳ mùa xuân bị chậm trễ. Nhiều gia đình khác ở Trung Quốc tự kèm con mình học ở nhà để giúp con không quên kiến thức. Ảnh: China Daily. |