Nhiều phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con học tiếng Anh. Ảnh: Pexels. |
“Tôi tốn nhiều tiền lắm rồi, còn không nhớ đã tiêu bao nhiêu tiền cho việc này, cho con học trung tâm này trung tâm kia nhưng giờ vẫn không thấy nói tiếng Anh được, cứ nói bập bẹ mãi thôi”.
Đó là tâm sự của chị N.L., một phụ huynh ở TP.HCM. Chia sẻ với Tri thức - Znews, chị L. cho biết gia đình đã đầu tư rất nhiều tiền cho con học tiếng Anh, chuyển tới 3 trung tâm nhưng đến giờ vẫn chưa thấy việc học của con có tiến triển.
Đếm không nổi số tiền cho con học tiếng Anh
Chị L. là dân kinh doanh, không được học tiếng Anh nhiều nên chỉ biết vài từ cơ bản như “hello”, “yes”, “no”. Vì thế, ngay từ khi con lên lớp 1, chị đã cho con đến trung tâm để tiếp xúc với ngoại ngữ này. Nữ phụ huynh còn nhớ trung tâm đầu tiên con được học với giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam nên rất hào hứng.
Sau 2 năm, chị L. tiếp tục chuyển con đến một trung tâm khác vì được giới thiệu là “trung tâm này chất lượng hơn”, giáo viên cũng toàn người bản xứ và có bằng cấp đàng hoàng.
Không may, con mới học được 3 tháng, trung tâm này đóng cửa, ngừng dạy học sinh. Chị L. đành tiếp tục công cuộc tìm nơi học mới cho con.
Trung tâm mới có mức học phí rẻ hơn, “an toàn” vì không dính “phốt” thu tiền rồi ngừng dạy. Thế nhưng, chị L. lại bắt đầu nỗi lo mới vì con học không tiến bộ.
Thông qua những lần xem video con học, chị thấy con mình vẫn “nhát”, ngại nói chuyện với thầy nước ngoài. Những lần học giao tiếp, con chị chỉ nói bập bõm vài từ, khó nói hoàn chỉnh thành một câu trơn tru.
“Điểm tiếng Anh trên lớp của con cũng thấp. Vừa học tiếng Anh ở trường, vừa học ở trung tâm, nhưng điểm thi cũng chỉ ở mức trung bình”, chị L. buồn phiền bởi chi phí cho con đi học thêm cũng lên đến cả trăm triệu đồng.
Chị Kiều Anh (sống tại Hà Nội, có con trai 11 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị cho biết từ ngày con trai lên lên lớp 1, chị đã chú ý đến việc cho con học tiếng Anh. Nhưng vì gần nhà không có trung tâm, chị chỉ cho con học ở trường theo đúng chương trình.
Phải đợi đến năm con học lớp 5, chị mới cho cháu đi học thêm môn này. Học phí mỗi tháng khoảng 400.000-500.000 đồng.
Chị Kiều Anh cho hay mức học phí này có phần rẻ bởi gia đình chị ở ngoại thành Hà Nội, con chỉ học thêm cô giáo gần nhà. Cứ đều đặn mỗi tuần, sau giờ học chính trên lớp, con sẽ học thêm 2 buổi vào tối thứ hai và tối thứ sáu, mỗi buổi khoảng 2 giờ.
Gần 2 năm nay, con đều duy trì lịch học như vậy, chỉ khác là khi chuyển cấp, con sẽ đổi giáo viên mới, cũng ở gần nhà.
Thế nhưng, năm nay, khi con đã học gần hết lớp 6, chị Kiều Anh vẫn rầu rĩ vì trình độ tiếng Anh của con vẫn chỉ ở mức cơ bản, tức chỉ đạt điểm trung bình, thỉnh thoảng sẽ đạt điểm khá.
“Thậm chí, con chẳng viết nổi một đoạn tiếng Anh hoàn chỉnh, có câu đúng thì cũng có câu sai ngữ pháp. Đọc cũng chỉ bập bẹ chữ được chữ không. Kỹ năng nói thì không bàn đến. Thỉnh thoảng đi chơi, gặp người ngoại quốc, bố mẹ hay nói rằng con thử hỏi chuyện người ta đi, nhưng con cũng chỉ cười trừ”, chị Kiều Anh chia sẻ.
Khi được hỏi về lý do vì sao con không tiến bộ, nữ phụ huynh cho rằng một phần điều kiện học của con không tốt, thiếu môi trường thực hành, giáo viên dạy vẫn thiên về ngữ pháp.
Phần khác, chị cũng phải thừa nhận con trai không có năng khiếu ngoại ngữ, khả năng tiếp thu chưa tốt. Chính vợ chồng chị cũng yếu khoản này nên không thể kèm cặp con.
Nhưng dù vậy, chị vẫn cho con đi học thêm bởi nghĩ rằng đầu tư cho ngoại ngữ không bao giờ thừa. Nữ phụ huynh cũng hy vọng kiên trì rồi con sẽ thành thạo tiếng Anh.
Giỏi hay kém tiếng Anh còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng khiếu, đam mê và tinh thần học tập. Ảnh: Pexels. |
Không phải cứ đầu tư nhiều tiền là con sẽ giỏi
Bàn về những vấn đề do phụ huynh chia sẻ, thầy H.Đ., giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng thầy hiểu nỗi lòng của phụ huynh khi con học tiếng Anh chưa giỏi. Thầy giáo trẻ cũng hiểu vì sao phụ huynh lại có tâm lý như vậy.
Là giáo viên tiếng Anh, tiếp xúc nhiều với phụ huynh, thầy Đ. nhận thấy các gia đình đều có tâm lý chung là muốn con thật giỏi tiếng Anh để không thua kém bạn bè. Hơn nữa, chương trình giáo dục, tuyển sinh ngày nay phụ thuộc nhiều vào tiếng Anh, việc phụ huynh muốn con học tốt tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu.
Về việc phụ huynh sẵn sàng đầu tư tiền triệu, thậm chí chục triệu để cho con học tiếng Anh ở trung tâm với giáo viên nước ngoài, thầy Đ. nói tình trạng này không mới, chỉ là những năm gần đây bùng nổ quá mạnh.
Thầy Đ. phân tích phụ huynh có tâm lý muốn con được học trong điều kiện tốt nhất, điển hình như học tiếng Anh - môn học cần rèn luyện và cọ xát nhiều - nên phụ huynh tin rằng phải học với người bản xứ mới giỏi lên được. Thực tế không hẳn, thầy Đ. nêu rằng nhiều học sinh chỉ học với giáo viên Việt Nam, thậm chí tự học, vẫn rất giỏi tiếng Anh.
Theo thầy, giỏi hay kém tiếng Anh còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng khiếu, đam mê và tinh thần học tập. Một đứa trẻ không có đam mê tiếng Anh, dù cha mẹ có đầu tư cả trăm triệu cho đi học trung tâm, con vẫn không thể giỏi lên được.
Tương tự với những trẻ không có năng khiếu học ngoại ngữ. Thầy Đ. nêu rằng có thể các bé được học với thầy giỏi, có đam mê học nhưng đôi khi may mắn hay năng khiếu vẫn có thể trở thành yếu tố cản đường.
Qua đó, thầy Đ. khuyên phụ huynh không nên nóng vội nếu con học tiếng Anh chưa tốt. Thay vì ép con học hoặc chuyển con qua trung tâm mới, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân nằm ở đâu. Giả sử con không thích tiếng Anh, phụ huynh nên cho con tạm dừng học, khi nào con thực sự có hứng thú thì cho con đi học lại.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.