“Cho con đi học tốn lắm, hai vợ chồng cùng gánh mới đỡ mệt chứ nếu chỉ có một mình, tôi không cáng đáng nổi”.
Đó là chia sẻ của chị Hoàng Thư, phụ huynh có hai con tại Hà Nội. Kể từ khi con đến tuổi đi học, vợ chồng chị thường xuyên phải ngồi lại để cân đối chi tiêu hàng tháng, nhất là khi cả hai cùng thống nhất sẽ cho con học ở trường tư thục.
Học phí 40% thu nhập vẫn quyết cho con học trường tư
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Thư cho biết hai con đều theo học tại một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội. Nếu tính học phí, tiền bán trú và các chi phí khác (bao gồm học thêm), con số có thể chiếm đến 35% thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng.
Chị kể chỉ riêng tiền học của con đã “ngốn” gần hết tháng lương của mẹ. Có tháng, hai vợ chồng không để ra được đồng nào, nhưng anh chị vẫn muốn cố để đầu tư cho tương lai của con thay vì chuyển hai bé sang trường có học phí thấp hơn.
“Tôi cho con học trường tư vì muốn con có môi trường phù hợp, có thể sau này sẽ có lợi nhiều hơn. Tôi không chê trường công, chỉ là tôi muốn con học trường tư vì thấy sẽ phù hợp với con hơn”, chị Thư nói.
Tương tự chị Thư, con chuẩn bị lên lớp 1, chị Phương Linh (phụ huynh tại Hà Nội) quyết cho con trai học trường tư, học phí và các chi phí khác như bán trú tổng khoảng 7-10 triệu đồng.
Là mẹ đơn thân, phải gánh vác kinh tế một mình, chị Linh cho hay mức chi phí này chiếm khoảng 30-40% thu nhập mỗi tháng của chị.
Dù vậy, người mẹ vẫn dứt khoát cho con học tư vì ngán ngẩm khi sĩ số lớp ở trường công gần nhà đông, đồng thời lo ngại nặng kiến thức văn hóa, áp lực điểm số và nhiều vấn đề khác.
Trong khi đó, định hướng của chị là con được phát triển tự nhiên, đồng đều giữa kỹ năng mềm và kiến thức văn hóa, không áp lực thành tích, được học ngoại ngữ ngay trong trường. Vì vậy, chị không ngại chi tiền để con có môi trường phù hợp.
Môi trường tốt, phù hợp với định hướng gia đình cũng là lý do để chị Trần Lan (phụ huynh ở TP.HCM) cho con gái 4 tuổi học trường mầm non tư thục. Chị bổ sung thêm rằng việc không yêu cầu hộ khẩu TP.HCM cũng là ưu điểm với gia đình ở tỉnh chuyển về như chị.
Bên cạnh đó, giờ đón trẻ ở trường tư có thể linh động, các cô nhận trông thêm giờ với chi phí vừa phải, rất thuận tiện cho các phụ huynh công sở tan làm muộn như vợ chồng chị.
“Trường công thường đón trẻ từ 7-8h và trả bé trước 17h. Thời gian làm việc của vợ chồng tôi gần như không thể xoay xở nổi. Trường tư linh hoạt hơn, có thể cho bé ở lại tới 18h, thậm chí muộn hơn nếu nhờ giáo viên trông hộ ngoài giờ”, chị Lan nói.
Chính vì những lý do này, chị cho con học ở trường tư từ lúc 10 tháng tuổi cho tới nay, dù tổng chi phí lên tới 8,2 triệu đồng, trung bình chiếm khoảng 25% chi tiêu của hai vợ chồng.
Nhìn chung, khoản học phí này cao hơn nhiều so với mặt bằng các trường mầm non công lập - chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, song chị cho rằng chi phí này xứng đáng.
![]() |
Chị Linh chấp nhận vất vả hơn để con có môi trường học tốt. Ảnh: NVCC. |
Bố mẹ thắt lưng buộc bụng, làm thêm việc để đầu tư cho con
Theo báo cáo chi tiêu cho giáo dục của tổ chức Fiin Group công bố tháng 3/2024, 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. Giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.
Để có đủ tiền cho con học trường tư, 3 năm nay, ngoài công việc hành chính 8 giờ/ngày ở công ty, về nhà, chị Phương Linh tiếp tục làm thêm công việc khác. Nhiều hôm, tới 21h, chị mới xong việc, quay lại thì không còn nhiều thời gian cho con.
“Thông thường, tôi chỉ có thứ bảy, chủ nhật là có thời gian cho con. Còn các ngày trong tuần, tôi phải nhờ ông bà ngoại”, người mẹ nói.
Bù lại, thu nhập của chị tăng đáng kể, có thể dư ra một chút để làm khoản tích lũy cho con học trường tư đến hết cấp 3. Điều này chị đã tính đến từ khi con mới lên 2 tuổi.
Theo chị, học phí trường tư có thể tăng theo từng năm, từng cấp bậc, hơn hết là thị trường biến động, nếu không có khoản tích lũy lâu dài, tài chính của mẹ không vững, con dễ “đứt gánh giữa đường”.
Trước đây, khi chưa nghĩ đến chuyện này, chị Linh chi tiêu rất “thoáng” tay, thường xuyên đi ăn nhà hàng, đi chơi, quần áo hiệu cho cả mẹ và con. Nhưng vài năm nay, chị cắt giảm tối đa, quần áo chỉ dùng hàng bình dân.
Hầu hết thu nhập, chị đều chi tiêu và tích lũy cho con, trong đó phần nhiều là việc học. Đến nỗi, người quen còn thấy bất ngờ trước sự thay đổi của chị.
Một số người khuyên chị thay vì phải căng mình làm việc, sống “thắt lưng buộc bụng”, chị có thể chuyển con sang học trường công hoặc chi phí thấp hơn, song chị không đồng ý.
Người mẹ cho rằng cho con học trường công sẽ không đúng định hướng gia đình, trong khi trường tư học phí thấp thì chất lượng khó đảm bảo.
Theo chị, “nếu mẹ không áp lực, con sẽ phải chịu áp lực thay mình”. Vì vậy, chị chấp nhận vất vả hơn để con có môi trường học tốt.
Khác với nhiều gia đình, thu nhập của vợ chồng chị Trần Lan thường không cố định - tháng cao, tháng thấp. Để đảm bảo duy trì các khoản chi tiêu lớn như tiền học của con, tiền thuê nhà, trả góp xe…, vợ chồng chị tính toán khá kỹ và sẵn sàng thắt chặt chi tiêu để ưu tiên các khoản thiết yếu, trong đó có việc học của con.
Nói thêm việc chọn trường cho con, chị Lan cũng từng tính rằng nếu chuyển con về học trường công, mỗi tháng, gia đình chị có thể tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng. Nhưng đổi lại, con gái sẽ phải thích nghi với môi trường mới, lối chăm sóc và phương pháp giáo dục mới.
Đôi khi, sự thay đổi này không phù hợp với con, cũng chưa chắc giúp chị tiết kiệm được nhiều tiền. Người mẹ lấy ví dụ nếu cho con học trường công, chị sẽ phải dậy sớm và tan làm sớm để đưa đón con đi học. Còn nếu học trường tư, chị có thể tranh thủ khoảng thời gian đó để làm thêm việc, hoặc nhận việc freelance để kiếm thêm thu nhập gánh phần học phí.
“Thay vì đón con sớm rồi ở nhà trông con, tôi muốn tranh thủ thời gian đó làm thêm việc, xem như mình đầu tư vào tương lai của con”, chị Lan chia sẻ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.