"Do con tôi học chậm, không tập trung, ngay khi nhà trường thông báo dừng các lớp học buổi chiều, tôi đã lên mạng tìm trung tâm, gia sư dạy thêm cho con nhưng đến nay vẫn chưa người nào nhận với lý do quy định mới cần theo dõi thêm thông tin", chị Lưu Thị Thúy - phụ huynh có hai con đang học phổ thông tại Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ.
Người loay hoay tìm trung tâm học thêm hợp pháp, người lo con "học ít, chơi nhiều"
Chị Thúy cho biết thêm ngoài áp lực tìm kiếm lớp học thêm phù hợp, gia đình chị còn thêm nỗi lo vào các buổi chiều ở nhà thì quản lý con thế nào, thời gian trống con lại "ôm" điện thoại, máy tính cả ngày chứ khó mong chờ các con tự học nếu không có sự hướng dẫn, giám sát.
"Ngoài chuyện học chính khóa, gia đình cũng không có điều kiện kinh tế cũng như thời gian để đưa đón hai con cả năm ngày trong tuần để tham gia các lớp học kỹ năng, thể thao, âm nhạc… Do vậy, muôn vàn nỗi lo", chị nói.
"Con tôi đang ở độ tuổi nhạy cảm và thích chơi game, giờ không còn học thêm các buổi chiều, tôi chỉ sợ cháu dành toàn bộ thời gian ở quán internet hoặc những nơi đầy cám dỗ khác. Bố mẹ đi làm cả ngày, không thể kè kè ở nhà quản lý được", một phụ huynh có con học lớp 8 chia sẻ.
Là phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay, chị Tạ Hoàng Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy khá lo lắng: "Vài tháng nữa kỳ thi được ví như khó hơn cả thi đại học sẽ diễn ra. Các con đang học thêm để ôn thi giờ tự dưng bị dừng, tôi lo con mình không đỗ được vào lớp 10 công lập với khối lượng kiến thức nhiều như vậy".
![]() |
Việc cho con học thêm sau khi Thông tư 29 có hiệu lực được nhiều phụ huynh quan tâm. Ảnh minh họa. |
Tình trạng phụ huynh chật vật tìm nơi gửi gắm con em cũng diễn ra ở nhiều địa phương. "Nơi tôi sinh sống chỉ có các trung tâm dạy tiếng Anh chứ không có trung tâm dạy các môn khác. Các lớp học thêm tại nhà cô giáo con tôi đã dừng từ tuần trước. Gia đình chưa biết sẽ gửi con ở đâu vào các buổi còn lại trong tuần con được nghỉ", chị Vũ Hồng Thúy (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bày tỏ.
Chị Trần Hoa Mai (Hà Đông, Hà Nội) - phụ huynh có con lớn học lớp 5, con nhỏ học lớp 2 - chia sẻ trước đây, con chị học bán trú buổi trưa, chiều học ngay tại trường, bây giờ, lớp học bổ trợ buổi chiều nghỉ, việc bán trú buổi trưa vì thế có khi cũng không còn phục vụ.
"Gia đình đang rất lo lắng khi nhà trường thông báo dừng toàn bộ các lớp học bổ trợ, tăng cường. Việc đưa, đón con về nhà buổi trưa, cho con ăn và quản lý, chăm sóc con buổi chiều đối với gia đình chúng tôi thực sự khó khăn, chưa kể còn cần biết cách hướng dẫn con học, nếu không các con sẽ bỏ phí thời gian cả chiều.
Hiện chúng tôi vẫn đang loay hoay chưa có phương án ứng phó với quy định mới cũng như chưa biết tìm trung tâm nào để gửi con cho phù hợp với kinh tế cũng như quãng đường đưa đón. Gia đình mong muốn các con được tham gia học tập tại trường với sự quản lý của cô giáo như trước đây. Các con vẫn sẽ được cô giáo ôn luyện thêm kiến thức ở trên lớp, được học cùng cô giáo và các bạn, con cũng chăm chú vào học tập hơn", chị Hoa Mai tâm sự.
Có nên tìm lớp học thêm cho con ngay?
Ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội - cho rằng đối với nhiều học sinh lâu nay quen với lối học thụ động, được truyền thụ kiến thức theo kiểu "cho gì nhận nấy", thầy cô đưa sẵn đáp án thì nay sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, phụ huynh đừng vội lo lắng, hoang mang và cũng đừng vội bổ nhào đi tìm trung tâm để con học thêm khi bỗng dưng giáo viên, nhà trường dừng tất cả các lớp học ngoài giờ chính khóa.
Theo ông Sơn, cha mẹ hãy thử nghĩ, một ngày ở trường con được thầy cô cung cấp một lượng kiến thức mới, khi về nhà cũng cần có thời gian làm bài tập, nghiền ngẫm thêm. Em có năng lực, ham mê sẽ tò mò tìm hiểu sâu hơn nữa về các tác phẩm hay, gốc rễ của một vấn đề mà tài liệu hiện nay đầy rẫy ở mạng internet. Đây chính là cơ hội để con tự lập trong học tập và rèn tư duy độc lập và sáng tạo.
"Một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, trẻ sẽ sa đà vào ham mê chơi điện tử, lướt điện thoại vô bổ điều đó cũng có lý tuy nhiên khi trẻ không ham mê, hứng thú với việc học, có ép đến các trung tâm học thêm, các em cũng không tập trung nghe giảng, khó lĩnh hội được kiến thức như cha mẹ kỳ vọng", ông Sơn nói.
Theo chuyên gia, cha mẹ đừng lo lắng mà tiếp tục ép con học thêm; khuyến khích con tự tìm tòi, đọc sách, khám phá những điều mới cũng như tạo môi trường học tập tích cực, nơi con không sợ sai, không ngại thử thách. Muốn làm được điều đó, cha mẹ đừng đặt nặng điểm số, gây áp lực cho con mà kiên nhẫn đồng hành. Giáo dục không chỉ dừng lại ở điểm số mà cần rèn luyện tư duy học hỏi để con tự tin giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng khi việc dạy thêm bị kiểm soát chặt chẽ, học sinh không thể trông chờ vào việc "học thêm để hiểu bài", mà phải chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Gia đình, nhà trường phải rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự học. Bởi bồi dưỡng năng lực tự học là cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ cho quá trình học tập, giúp các em phát triển tư duy độc lập, kỹ năng tự nghiên cứu - những yếu tố quan trọng để thành công trong học tập và cuộc sống sau này.
![]() |
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.