Kể từ tháng 9, nhiều trường học tại các thành phố lớn ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách "giảm kép". Cụ thể, học sinh tiểu học và THCS sẽ được giảm gánh nặng làm bài tập. Việc học thêm ngoài giờ cũng bị hạn chế so với trước đây.
Feng Yusheng, học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học công lập ở Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết em đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ chính sách mới này.
"Trong những ngày qua, bài tập về nhà duy nhất của em là đọc lại các đoạn văn trong sách giáo khoa và tự ôn bài", Feng nói với ThinkChina.
Trước đây, nữ sinh từng nghẹt thở trong "núi" bài tập về nhà và loạt bài kiểm tra ở trường. Mỗi ngày, em phải học đến tối muộn, không có thời gian giải trí, xem tivi.
Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã khác. Dù năm học mới chỉ bắt đầu vài tuần, tất cả học sinh đều cảm nhận được tác động của chính sách mới.
Chính sách "giảm kép" giúp học sinh vơi bớt áp lực bài vở. Ảnh: Global Times. |
Giảm gánh nặng cho học sinh
"Giảm kép" là chính sách được Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Chính sách này được chính thức áp dụng năm học mới 2021, bắt đầu từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Đông, Thượng Hải, An Huy...
Theo đó, học sinh lớp 1 và 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, nhà trường chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ.
Nội dung mới này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường vào các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.
Chính phủ Trung quốc yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải soạn chương trình dựa trên kiến thức chính khóa và phải đăng ký giấy phép hoạt động dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Mọi hoạt động huy động vốn hoặc góp tiền sẽ bị cấm.
Cuối tháng 8, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành thêm hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý thi cử cho các trường cấp cơ sở. Cụ thể, trường THCS và THPT phải tổ chức các kỳ thi khoa học, hợp lý. Trường tiểu học không được phép tổ chức thi viết cho học sinh lớp 1 và lớp 2.
"Cuộc chiến" giáo dục mới của phụ huynh
"Giảm kép" là tin vui đối với nhiều học sinh vì các em không còn phải chịu áp lực bài vở, thi cử. Tuy nhiên, đối với không ít phụ huynh, đây lại là nỗi lo vì họ phải đối mặt một "cuộc chiến" giáo dục mới.
Bà Liang, mẹ của học sinh Feng Yusheng, nói với Zaobao China rằng lớp 1 và 2 là giai đoạn quan trọng trong hành trình học tập của trẻ. Bà lo lắng nếu không có nền tảng vững chắc, trẻ sẽ gặp khó khăn khi đối mặt các chương trình học trong tương lai.
Bà Liang hiểu mục đích của chính sách "giảm kép" là giảm bớt gánh nặng học tập và nâng cao các giá trị đạo đức, tinh thần. Tuy nhiên, nếu không có bài tập về nhà, trẻ sẽ mất đi cơ hội ôn tập và ghi nhớ những kiến thức đã học. Chưa kể, việc bỏ đi bài kiểm tra cũng khiến cha mẹ khó nắm được con mình đã tiếp thu bao nhiêu kiến thức trên lớp.
Để "tự cứu" mình và con, bà Liang cùng một số phụ huynh khác đã lập nhóm chat để mua sách tham khảo và thay phiên nhau hướng dẫn các bé học. Những phụ huynh này tự tạo bảng điểm tích lũy và treo thưởng cho những em đạt kết quả cao nhất theo từng tháng.
"Nếu Zhongkao (kỳ thi tuyển sinh THPT) và Gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học) còn tồn tại, nỗi lo của chúng tôi sẽ không bao giờ vơi đi", bà Liang nói.
Người mẹ này cũng bày tỏ lo lắng các phụ huynh sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ giáo dục nếu việc dạy thêm ngoài trường bị kiểm soát chặt chẽ.
Giáo viên mệt mỏi vì phải chạy theo chính sách mới. Ảnh: Quartz. |
Giáo viên áp lực gấp đôi
Chính sách mới đã trả lại vai trò giáo dục cho nhà trường và gia đình. Qua đó, giáo viên buộc phải nâng cao năng lực chuyên môn và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trước.
Bà Zhao, cô giáo tiểu học ở Quảng Đông, cho biết trước khi năm học mới bắt đầu, các giáo viên đã được triệu tập để nghe phổ biến về tầm quan trọng của chính sách "giảm kép".
Cụ thể, họ được nhắc nhở điều chỉnh định hướng giáo dục và xóa bỏ tình trạng giao nhiều bài tập về nhà, hoặc yêu cầu cha mẹ mua tài liệu tham khảo. Các giáo viên cũng được yêu cầu tối ưu hóa và đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả, chất lượng tiếp thu bài cho học sinh.
Là giáo viên lớp 3 có hơn 20 năm kinh nghiệm, bà Zhao bày tỏ quan điểm trung lập trước chính sách mới. Cô giáo nhận thấy chính sách này có lợi cho sức khỏe của học sinh và sẽ tạo lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, khoảng cách về năng lực giữa các học sinh có thể lớn hơn trước.
Theo quan điểm của bà, những em tự giác, có động lực học tập cao sẽ tự tạo không gian, cơ hội học cho chính mình. Trái lại, những bạn lơ là, thiếu ý thức tự giác, có thể rơi vào tình trạng "trượt dài".
Từ khi trường học áp dụng chính sách "giảm kép", bà Zhao phải đổi mới phương pháp dạy. Mỗi khi soạn giáo án, bà luôn nghĩ cách thu hút học sinh và nâng cao chất lượng buổi học. Lượng bài tập về nhà cũng phải giảm bớt để phù hợp với học sinh lớp 3.
Ngoài ra, các trường học đã mở rộng các dịch vụ chăm sóc học sinh sau giờ học. Nhiều trường nhận trông trẻ đến 18h mỗi ngày khiến nhiều giáo viên áp lực hơn vì thời gian làm việc bị kéo dài. Một số người đến trường từ 7h và tan làm sau 19h.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, nhận định trong quá trình thực hiện chính sách mới, điều quan trọng là các trường cần phải giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Nếu giáo viên áp lực nặng nề, chất lượng giảng dạy sẽ không được cải thiện, gánh nặng học tập của trẻ sẽ khó giảm đi.
Ông Xiong dự đoán khi phụ huynh không hài lòng với các tiêu chuẩn giảng dạy, trường học không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, tình trạng "dạy thêm chui" sẽ diễn ra nhiều hơn. Chìa khóa để thực hiện tốt chính sách này là giảm bớt gánh nặng ngoài lề cho giáo viên để họ tập trung toàn lực vào việc dạy học.
Theo ông, Bộ Giáo dục Trung Quốc cần cải cách hệ thống để chính sách mới đi vào hiệu quả. Cụ thể, các trường học cần được tự chủ hơn trong việc tổ chức lớp học và đánh giá học sinh. Điều này sẽ khơi dậy năng lượng dạy và học một cách triệt để.
Xiong Bingqi lo lắng nếu các trường học chỉ tập trung vào điểm số, không giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng, những vấn đề tồn đọng của nền giáo dục sẽ khó được giải quyết.