Ngay giữa thủ đô, nhiều phụ huynh vẫn "đỏ mắt" để tìm trường cho con. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Tháng 8 năm ngoái, chị Trần Tươi (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) là một trong những phụ huynh phải đi bốc thăm để con 3 tuổi được theo học tại trường Mầm non Hoàng Liệt (cơ sở Linh Đàm). May mắn, gia đình chị bốc được lá phiếu “Chúc mừng".
Tuy nhiên năm nay, con lên 4 tuổi, phụ huynh này lại tiếp tục lo ngại tình trạng cũ tái diễn khi trường công lập chẳng thêm mới, mà chung cư lại mọc lên như nấm, dân số ngày một tăng lên.
“Ngay giữa thủ đô, phụ huynh vẫn lo con ‘thất học’. Ai cũng mong muốn con được học trường công. Điều bức xúc là gia đình tôi gốc Tứ Kỳ, có hộ khẩu rõ ràng, nhưng việc đi học của con cũng phải dựa vào trò may rủi”, chị Tươi chia sẻ.
Đi học mầm non, tiểu học cũng khó khăn
Trao đổi với Zing, chị Tươi cho biết trước đây, việc đăng ký học trường công cho con gái lớn không khó khăn đến thế. Thậm chí có năm, gia đình chị còn chẳng nộp hồ sơ tuyển sinh, con vẫn đi học bình thường và bổ sung giấy tờ sau.
Nhưng chỉ sau 5 năm, mọi thứ đã khác. Dù đăng ký tuyển sinh từ tháng 7, gia đình chị vẫn phải tham gia đến vài buổi họp để thống nhất việc bốc thăm giành suất học - câu chuyện chưa từng có tiền lệ khi số hồ sơ đăng ký cao hơn nhiều so với chỉ tiêu.
“May mắn, gia đình bốc thăm được, con được học trường mầm non công lập, nhưng sĩ số cũng lên đến gần 50 học sinh/lớp. Chung cư mọc lên như nấm, trường thì không xây thêm, không biết năm nay có phải bốc thăm nữa không", chị Tươi băn khoăn.
Không may mắn như chị Tươi, năm vừa rồi, do không bốc được phiếu “Chúc mừng”, chị Phạm Lan (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) phải chấp nhận cho con 3 tuổi học trường tư gần nhà, chi phí cao hơn trường công 2,5 triệu đồng/tháng.
Chị Lan cho biết chi phí độn lên nhiều khi con phải học trường tư. Ảnh: NVCC. |
Sau một năm, chi phí độn lên quá nhiều, học phí của 2 con, tiền sữa, thuốc men nếu chẳng may con ốm, rồi tiền trả góp mua chung cư… gia đình chị Lan cũng phải chật vật để cân đối.
“Cả năm, gia đình chẳng để ra được đồng nào để dự phòng. Gửi con về quê thì thương con xa bố mẹ, mà cứ học trường tư mãi thì tốn kém quá", chị Lan chia sẻ.
Không chỉ bậc mầm non, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào tiểu học cũng gặp khó khăn.
Trong một bài đăng trên diễn đàn phụ huynh, một người mẹ cho biết suốt 2 tháng nay, chị cũng mất ăn mất ngủ vì không xin học được cho con năm nay vào lớp 1.
Kinh tế khó khăn, lại không thể gửi con về quê, chị dự tính đăng ký cho con vào trường tiểu học công lập ở quận Tây Hồ. Tuy nhiên, là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu tại Hà Nội, con chị buộc phải học trái tuyến. Nhưng suốt mấy tháng nay, chị gặp khó khăn khi đăng ký tạm trú. Lên gặp hiệu trưởng của trường, chị cũng bị từ chối vì không đáp ứng được thông tin này trong hồ sơ.
Người mẹ này cứ chật vật, nhờ vả hết người này đến người kia chỉ dẫn, tìm đủ mọi cách mong cho con có suất học trường công sớm nhất có thể bởi theo chị, nếu không xin sớm, khi các trường đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, việc xin học trái tuyến càng khó.
Không riêng phụ huynh, chia sẻ với Zing, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết nhà trường cũng gặp khó trước nhiều trường hợp phụ huynh xin học cho con, nhất là các trường hợp trái tuyến.
Theo vị hiệu trưởng này, học sinh có quyền được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú, được chọn trường ngoài nơi cư trú. Tuy nhiên, việc học trái tuyến này phải phụ thuộc vào việc trường có khả năng tiếp nhận hay không.
Những năm gần đây, Hà Nội cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối thiểu việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
"Chính vì vậy, một số trường hợp phụ huynh có nguyện vọng đăng ký học trái tuyến, nhà trường cũng 'bó tay' vì đã đủ chỉ tiêu. Không nhận các em, phụ huynh sẽ gặp khó khăn, mà nhận, nhà trường lại làm sai quy định. Chỉ khi nào có trường hợp học sinh chuyển đi, nhà trường mới chấp nhận những trường hợp đầy đủ hồ sơ theo quy định", vị hiệu trưởng nói.
Dù chưa hết năm học, phụ huynh Hoàng Liệt đã lo lắng tình trạng bốc thăm như năm ngoái lại tái diễn. Ảnh: Duy Anh. |
Lên phương án dự phòng
Chia sẻ với Zing, phụ huynh gặp khó về đăng ký tạm trú cho biết nếu không còn cách nào khác, chị tính đến chuyện sẽ chuyển chỗ ở để con có thể đi học trường công ở thủ đô.
Tương tự, chị Tươi cũng dự tính nếu vẫn phải bốc thăm như năm trước, không may bị trượt trường công, chị sẽ gửi con về quê ở Thanh Hóa để học, hoặc chắt bóp chi tiêu, giảm chi phí học thêm của con lớn để con nhỏ đi học trường tư.
“Trường công ở quê thiếu học sinh, còn ở thành phố, phụ huynh phải xếp hàng để con được đi học. Hiện tại, riêng học phí của 2 cháu đã lên đến 7 triệu đồng/tháng. Nếu chẳng may con bốc trượt và phải học trường tư, chi phí không biết độn lên bao nhiêu", chị Tươi chia sẻ.
Năm học tới, con chị Lan cũng lên 4 tuổi. Người mẹ này dự tính tiếp tục đăng ký lại vào trường công, nhưng cũng lo ngại tình trạng bốc thăm tái diễn bởi như năm ngoái, chỉ trẻ 5 tuổi là được ưu tiên.
“Năm ngoái, biết tin số học sinh vượt quá chỉ tiêu, 2 vợ chồng cũng mất ăn mất ngủ, cầu trời khấn phật cho con được vào trường công nhưng vẫn trượt. Bây giờ, 2 vợ chồng đang phải nghe ngóng xem nhờ vả trước được ai không. Nếu vẫn không được nữa, gia đình cũng phải chấp nhận”, chị Lan lo ngại.
Hiện tại, vợ chồng chị Lan cũng tìm cách tăng thu nhập, nhập thêm nông sản từ quê lên để bán, phòng trường hợp nếu con tiếp tục phải học trường tư. Nếu bí quá, người mẹ này cũng tính đến phương án cho con về quê với ông bà hoặc xin học trường công trái tuyến ở xa nhà, chấp nhận thêm khoản thuê người đưa đón.
Nhưng theo chị Lan, phương án này cũng khó nếu các trường đã đủ chỉ tiêu đúng tuyến, chưa kể các chi phí cộng dồn cũng tương đương học trường tư.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên