Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh, học sinh 'rối não' chọn tổ hợp môn học sau đỗ lớp 10

Việc lựa chọn tổ hợp phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học ở bậc THPT mà còn quyết định đến khả năng đỗ vào trường đại học mong muốn.

Học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Khương Nguyễn.

"Trước giờ tôi cứ nghĩ chọn nguyện vọng để đỗ là khó nhất, không ngờ bây giờ, chọn tổ hợp môn học sau đỗ lớp 10 còn đau đầu hơn", chị Nguyễn Tâm (phụ huynh ở Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Ngày 1/7, Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Con gái chị Tâm đỗ vào một trường công lập của huyện Gia Lâm. Hôm nộp hồ sơ vào trường, nhận được thông báo chọn tổ hợp môn học, chị Tâm và con gái tỏ ra lúng túng, không biết nên chọn tổ hợp nào.

Khó quay đầu nếu chọn sai

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng từ năm 2022, học sinh từ lớp 10 sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử.

Ngoài ra, các em được chọn tổ hợp 4 môn trong 9 môn (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, thêm 2 môn lựa chọn từ những môn mà học sinh được học ở lớp 12. Lưu ý, nếu lớp 12 các em không học môn học nào sẽ không được dùng để thi tốt nghiệp THPT môn đó.

Điểm mới này khiến không ít học sinh và phụ huynh hoang mang, bởi về mặt lý thuyết, nếu xoay vòng các môn, các em sẽ có 126 cách chọn. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, các trường sẽ đưa ra những tổ hợp khác nhau để học sinh lựa chọn, song mỗi trường thường chỉ có 5-8 tổ hợp.

Trường con gái chị Tâm theo học có 5 tổ hợp, bao gồm 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và 3 tổ hợp Khoa học xã hội. Con gái thích Toán, Lý nhưng không thích Hóa, vì vậy, con dự định đăng ký tổ hợp gồm Địa, Vật lý, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Song theo chị Tâm, nếu chọn như vậy, con chị sẽ có rất ít lựa chọn khối xét tuyển dùng để xét vào đại học.

Ngoài ra, người mẹ cũng đắn đo chọn học tổ hợp nào để con thuận tiện cho viêc học thi đánh giá năng lực. Chị Tâm cũng thừa nhận hiện tại, con chưa định hướng sẽ thi vào đại học hay ngành nào, vì vậy, chị càng khó chọn tổ hợp hơn. Nếu lựa chọn sai, con có thể đổi sang tổ hợp khác nhưng phải đợi cuối năm, kiến thức khó có thể bù lại so với các bạn được học từ đầu.

Cuối cùng, sau 3 ngày đắn đo suy nghĩ và hỏi thăm các phụ huynh đi trước, chị Tâm và con gái chốt học tổ hợp Vật lý, Hóa học, Tin học và Địa lý. Như vậy, con sẽ có nhiều lựa chọn xét vào đại học hơn.

"Trước đây, học sinh học đến lớp 12 vẫn có thể chọn môn thi tốt nghiệp, nhưng bây giờ phải chọn từ lớp 10. Việc chọn lựa tổ hợp bây giờ ảnh hưởng cả tương lai của con. Thời gian lại gấp gáp, phụ huynh và học sinh lúng túng là điều dễ hiểu", chị Tâm chia sẻ.

chon to hop lop 10 anh 1

Trường con gái chị Tâm theo học sẽ có 5 tổ hợp để học sinh lựa chọn. Ảnh: NVCC.

Tương tự, Hoàng Hiếu (học sinh lớp 10 tại TP.HCM) cũng vừa phải "cân não" trước việc lựa chọn học tổ hợp môn học. Hiếu cho biết em dự tính chọn khối D07 (Toán, Hóa, Anh) để sau này xét tuyển vào Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tuy nhiên hiện tại, trường chưa công bố định hướng tuyển sinh 2025. Vì vậy, Hiếu lo ngại 3 năm tới, tổ hợp em chọn hiện tại sẽ không có trong những tổ hợp trường xét tuyển. Nếu trường công bố muộn, em "rất khó quay đầu".

Nam sinh được biết sẽ được đổi tổ hợp nếu thấy không phù hợp, tuy nhiên, Hiếu cho rằng việc đổi tổ hợp có thể ảnh hưởng đến điểm học bạ, dẫn đến khó dùng phương thức này để xét tuyển đại học.

"Em cũng phải cân nhắc lực học liệu có theo được các môn. Hiện tại, em đang tạm chọn tổ hợp các môn Hóa, Sinh, Tin, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Như vậy ngoài khối D07, em có thể xét tuyển đại học bằng khối A00, D01...", Hiếu nói.

Không riêng chị Tâm hay Hiếu, trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh, học sinh đăng bài xin tư vấn về việc chọn tổ hợp. Nhiều người bày tỏ chọn tổ hợp khó hơn cả việc đỗ vào trường. Học sinh mới lớp 10, chưa thể xác định chính xác cuối năm lớp 12 sẽ thi vào khối ngành nghề, trường đại học nào.

Chọn tổ hợp môn học lớp 10 sẽ ảnh hưởng đến chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp

Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, nhận định mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với chương trình bậc THPT là sự chuyên nghiệp hóa, hướng người học đến nghề nghiệp chuyên nghiệp. Do vậy, học sinh phải chọn môn học sớm nhằm hướng nghiệp chuyên sâu.

Tuy nhiên, điều này cũng giảm đi tính linh động, khiến cho khả năng “quay xe” nghề nghiệp sẽ giảm. Với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nếu không cân nhắc trong việc lựa chọn tổ hợp, học sinh có thể bị giới hạn lựa chọn xét tuyển đại học.

Theo đó, khi thi tốt nghiệp THPT, ngoài môn Toán và Ngữ văn bắt buộc, việc chọn 2 trong 9 môn sẽ tạo ra 36 lựa chọn môn thi khác nhau. Tuy nhiên, chỉ 11/36 lựa chọn tạo thành các khối xét tuyển đại học truyền thống (A00, B00, C00…) được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển. 25/36 tổ hợp còn lại "chưa được đặt tên" hoặc được đặt tên nhưng hiếm khi được các trường đại học dùng.

chon to hop lop 10 anh 2

Khi thi tốt nghiệp THPT, ngoài môn Toán và Ngữ văn bắt buộc, việc chọn 2 trong 9 môn sẽ tạo ra 36 lựa chọn khác nhau. Ảnh: Nguyễn Thành Công.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong quá trình học, nếu có nhu cầu, học sinh vẫn được đổi tổ hợp vào cuối năm học. Tuy nhiên, ngay cả khi đổi được, thầy Công cho rằng các em vẫn sẽ gặp rủi ro. Đầu tiên là các em sẽ thiếu hụt kiến thức so với những bạn đã học môn đó từ năm lớp 10. Thứ hai, nếu trường đại học đặt điều kiện về điểm học bạ 3-6 học kỳ của các môn, các em sẽ không đủ đầu điểm để nộp hồ sơ.

“Do vậy, học sinh cần cẩn trọng, có trách nhiệm hơn với các lựa chọn tổ hợp của mình”, thầy Công nhấn mạnh.

Để tránh chọn sai tổ hợp, theo thầy Công, việc hướng nghiệp, chọn tổ hợp nên được gia đình và các trường làm sớm, ngay từ bậc THCS. Theo đó, ngay từ giai đoạn lớp 8-9, phụ huynh cần dựa trên năng khiếu, mong muốn nghề nghiệp của con, truyền thống, nguồn lực gia đình để định hướng nghề nghiệp, lấy đó làm căn cứ chọn môn học cho con ở lớp 10.

Giai đoạn đầu, người học và gia đình phải chọn môn hướng nghiệp ở mức rộng (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hay Nghệ thuật) để theo học. Sau đó, trong quá trình học, cùng sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm, các chương trình ngoại khóa của nhà trường, sự hỗ trợ của các chuyên gia, học sinh sẽ dần định hướng chuyên sâu nghề nghiệp của mình.

Đến cuối lớp 12, các em đã phải đưa ra được phương án xét tuyển sớm, thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Thầy Công lưu ý nếu chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, các em sẽ bị hạn chế cơ hội. Thầy giáo khuyên các em nên nghiên cứu thêm các kỳ thi riêng hoặc các phương thức xét tuyển sớm khác để tăng cơ hội vào đại học.

Với những học sinh chọn các tổ hợp mới, các em cần theo dõi sát sao phương án tuyển sinh của các trường để biết môn mình học có phù hợp với trường muốn thi tuyển hay không.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Con khóc vì trượt nguyện vọng 1 lớp 10, cả nhà suy sụp theo

Nhận thông báo điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, thí sinh ở Hà Nội và TP.HCM thất vọng vì điểm thi không đủ để trúng tuyển vào trường yêu thích.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm