Trong 3 đứa con đang tuổi ăn học, năm nay chị Mỹ Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) có một cậu con trai lên lớp 6. Vậy nên, chị Mỹ Lan khá hồi hộp trước buổi họp phụ huynh dự kiến diễn ra cuối tuần này.
Đến hẹn lại lên
Theo “thông lệ” ở không ít nơi, cứ vào đầu cấp, học sinh phải đóng tiền mua một loạt đồ mới, trong đó có những món khá nặng tiền như điều hòa, máy chiếu, rèm cửa. Điều này khiến chị Lan lúc đầu khá lo lắng khi nghĩ đến khoản tiền phải đóng đầu năm.
Do đó, khi nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm của cậu con trai học lớp 6, chị Lan phần nào nhẹ nhõm.
“Cô giáo bảo hiện phòng học của lớp đã có máy chiếu, âm ly, loa, mic, điều hòa đều dùng tốt. Đây là những thiết bị của lớp 9 vừa ra trường để lại. Như vậy, mấy khoản nặng tiền nhất, phụ huynh trong lớp không còn phải lo nữa. Tường phòng học cũng không cần sơn vì còn mới", chị Lan chia sẻ.
Cô giáo cũng đưa ra một số đầu mục mong sự hỗ trợ và đóng góp ý kiến của phụ huynh, trong đó có rèm cửa vì phòng học này năm ngoái không sử dụng cho lớp bán trú nên chưa có. Năm nay, phòng dùng cho bán trú, các con ngủ trưa tại lớp nên cần có rèm. Chị Lan nghĩ đây là khoản nặng nhất của đợt đóng tiền đầu năm này vì phòng học khá rộng.
Ngoài ra là chăn, gối, tủ để chăn gối ngủ trưa của các con, nước sát khuẩn, xịt khử khuẩn, cốc giấy để các con không phải dùng chung cốc khi uống nước ở trường… Phải chờ họp phụ huynh tới, các bố mẹ thống nhất với nhau xem làm rèm loại gì, mua chăn gối cho các con như thế nào vì sẽ có nhiều mức giá cho những thứ này.
"Chắc sẽ còn khoản quỹ Hội phụ huynh lớp 300.000-500.000 đồng nữa cho các hoạt động chung. Vậy nên, tôi dự trù khoảng 2 triệu đồng cho buổi họp tới", chị Lan chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hóa, có con học lớp 3 tại một trường ở trung tâm TP.HCM, cho biết tuần trước đã đi họp phụ huynh đầu năm. Trong cuộc họp của lớp, phụ huynh thống nhất đóng tiền quỹ 300.000 đồng để chi các hoạt động như tổ chức Trung thu, mua một số học cụ...
“Năm ngoái, quỹ Hội phụ huynh trường thu cố định 500.000 đồng/học sinh, đóng theo hình thức tự nguyện, nhưng hầu như phụ huynh trong trường đóng cả. Còn quỹ phụ huynh lớp, đầu năm học, phụ huynh đóng một triệu đồng, sau đó cứ dùng hết lại huy động đóng. Cả năm học trước con tôi đóng hơn một triệu đồng tiền quỹ phụ huynh lớp và 500.000 đồng quỹ hội phụ huynh trường", anh Hóa cho hay.
Anh nói thêm, năm nay, quỹ hội phụ huynh trường chưa thu, nhưng anh đóan cũng chỉ như năm trước.
Sau mỗi học kỳ, hội trưởng phụ huynh có gửi thống kê thu chi vào nhóm nên mọi người đều nắm được số tiền đã chi. Thực tế vẫn là những khoản như ngày 20/10, 20/11, lễ tết có chút quà cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, cuối học kỳ cho các con liên hoan.
Cũng là ngần đấy khoản nhưng... "cách chi lạ lắm"
Tuy nhiên, mấy hôm nay, không ít phụ huynh xôn xao bàn tán về một bảng dự kiến thu chi được cho là của ban phụ huynh một lớp 1 thuộc trường tiểu học ở ngay trung tâm Hà Nội, dù cũng chỉ là những đầu mục chi "truyền thống".
Đây là một bảng kê chi tiết, rõ ràng, minh bạch các khoản dự chi trong năm. Tổng cộng 18 đầu mục mà ban phụ huynh kê ra để kêu gọi đóng góp như trung thu, tham quan dã ngoại, ngày 20/11, ngày noel, Tết Nguyên đán, hội chợ, ngày 8/3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ...
Các đầu mục đưa ra hợp lý nhưng phần dự trù kinh phí khiến một số phụ huynh không khỏi băn khoăn, bởi tổng chi dự kiến của các khoản này là hơn 132 triệu đồng. Lớp có 37 học sinh, tính trung bình mỗi gia đình có con học ở lớp này sẽ gánh 3,5 triệu đồng.
"Xem trong bảng dự kiến chi tiêu này, tôi thấy ban phụ huynh của lớp bày vẽ quá. Tôi không hiểu sao ngày lễ nào cũng có quà cảm ơn, quà tri ân đủ cả ban giám hiệu, giáo viên, văn phòng, y tế, lao công... Dịp 20/10, ngày 20/11, tổng kết học kỳ... dịp nào tiền cảm ơn cũng lên tới cả chục triệu đồng", anh Nguyễn Ngọc Long (Hà Nội) bình luận.
Chị Ngọc Hà (Hà Nội) cũng chung quan điểm, cho rằng ban phụ huynh lớp đó đã quá cầu kỳ.
"Như dự chi trung thu của lớp tới 6,7 triệu đồng, trong khi vừa rồi lớp con tôi cũng có phá cỗ mà phụ huynh không phải đóng tiền. Cô giáo cho các tổ tự chuẩn bị mâm cỗ liên hoan nên các con trong tổ bàn bạc, phân chia nhau, đứa thì mang bưởi, đứa mang chuối, đứa mang bánh, kẹo... Mỗi con một, hai món là đến lớp cũng có buổi liên hoan vui vẻ", chị Hà kể.
"À, mà 'hoa thiếp' là gì nhỉ mà tôi thấy khoản này xuất hiện ở nhiều dịp, cũng tới 2,1 triệu đồng mỗi lần?", chị Hà tò mò đặt câu hỏi.
Có quan điểm khác hơn, chị Lê Thanh Tú (TP.HCM) cho rằng hầu như tất cả khoản chi đều dành cho hoạt động của học sinh trong lớp.
"Còn mỗi dịp lớp đứng ra tặng quà luôn cho các thầy cô thì tốt chứ sao, bố mẹ đỡ phải lo về chuyện quà cáp nữa", chị Tú nói.
Chị Tú cho hay chị không rõ đây là bảng dự chi đưa ra để lấy ý kiến hay đã "chốt" rồi. Nhưng theo chị, thường bây giờ, các hội cũng kêu gọi tự nguyện thôi chứ không dám ép buộc phụ huynh nữa. Vì vậy, nếu có ý kiến, phụ huynh cứ đưa ra trước tập thể lớp, hoặc không muốn thì từ chối đóng hay đóng ở mức độ nào đó là xong.
Chị Tú nghĩ để ban phụ huynh hoạt động tốt hơn, tránh bị... "ăn chửi" như lâu nay, phụ huynh nên thẳng thắn, không nên bằng mặt mà không bằng lòng, trước cuộc họp không nói gì nhưng về nhà lại đưa lên mạng xã hội.
* Những khoản nhà trường được thu
Hiện nay, các khoản thu nhà trường được thu đầu năm học quy định tại một số văn bản khác nhau, cụ thể:
- Tiền học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đây là khoản thu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
- Tiền Bảo hiểm y tế học sinh: Theo khoản 21 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và điểm đ khoản 1 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức thu mỗi em là 4,5% mức lương cơ sở (hiện nay là 67.050 đồng/tháng) nhưng được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng.
- Tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Theo Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, đây là khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.
- Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, khoản thu này lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.
- Tiền phục vụ bán trú: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú: Do từng tỉnh quy định.
- Tiền học 2 buổi/ngày: Do từng tỉnh quy định.
- Tiền học phẩm cho học sinh mầm non: Do từng tỉnh quy định.
- Tiền nước uống học sinh: Do từng tỉnh quy định.
- Tiền viện trợ, quà, biếu, tặng, cho: Theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, nhà trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục và hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, thông tư này nêu rõ không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục
* Những khoản Ban phụ huynh không được phép quyên góp
Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định những khoản Ban phụ huynh không được phép quyên góp là:
- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;
- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường;
- Bảo vệ an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.