Trưa 18/7, Lê Yến Nhi cùng gần 89.000 thí sinh khác ở Hà Nội kết thúc môn thi cuối cùng trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập.
“Bước ra khỏi phòng thi, em vui lắm. Trước hôm thi đầu tiên, em rất lo lắng, hồi hộp vì sợ không làm được bài”, nữ sinh trường THCS Phan Đình Giót, Hà Nội, tâm sự.
Nhiều thí sinh vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10, dù đề thi năm nay dễ. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Vẫn còn lo lắng sau môn thi cuối cùng
Yến Nhi chia sẻ ngày 19/7, em còn dự thi tiếp vào lớp chuyên Vật lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (trước đó, em thi chuyên Khoa học Tự nhiên, song kết quả không khả quan).
Sau kỳ thi vào lớp 10 công lập, nữ sinh đánh giá mình có khoảng 80% cơ hội trúng tuyển trường Quang Trung và còn nguyện vọng 2 vào trường Khương Đình. Vì vậy, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn.
Đỗ Bảo Ngọc (THCS Việt Nam - Angiêri, Hà Nội) tự tin về bài làm của mình. Em cho biết trước lúc thi khá lo lắng, nhưng bắt đầu làm bài, thấy yên tâm vì “đề dễ hơn tưởng tượng”. Giống Yến Nhi, Bảo Ngọc đăng ký hai nguyện vọng vào THPT Quang Trung và THPT Khương Đình.
Bảo Ngọc nói thêm năm học vừa qua vất vả hơn nhiều so với lớp 8. Nhưng hoàn thành môn thi cuối cùng, Ngọc cảm thấy mọi công sức bỏ ra đều xứng đáng.
Trong khi đó, dù đã rời phòng thi, không ít thí sinh vẫn còn lo âu, đặc biệt khi đề thi năm nay được đánh giá dễ, dự đoán điểm chuẩn sẽ cao. Nguyễn Đức Thắng (THCS Định Công, Hà Nội) thừa nhận bước khỏi phòng thi, em còn lo lắng, hồi hộp.
Tương tự, Phạm Đức Quân (THCS Ngô Sĩ Liên) chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Em lo vì bản thân làm tốt song không dám chắc điểm của mình đủ để trúng tuyển THPT Quang Trung (nguyện vọng 1) hay THPT Khương Đình (nguyện vọng 2).
Tương tự sĩ tử, nhiều phụ huynh còn nhiều băn khoăn, phải chờ đến khi có kết quả, mới có thể buông nỗi lo suốt năm qua.
Chị Trần Phương Oanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết mấy hôm nay, chị đồng hành cùng con trong hành trình tìm kiếm suất học lớp 10 công lập. Tâm trạng của nữ phụ huynh chưa thể nhẹ nhõm, yên tâm hoàn toàn vì năm nay nhiều em làm tốt bài thi.
Thêm vào đó, trong thời gian dịch Covid-19, con trai chị học hành có phần chểnh mảng, thậm chí phải chuyển nguyện vọng từ trường yêu thích là Lê Quý Đôn sang Quang Trung.
Thấp thỏm cũng là tâm trạng của chị Phạm Thị Xuyên (Đống Đa). Người mẹ cho biết con trai chị khá tự tin. “Con không lo nhưng mẹ lo lắng lắm. Con bảo làm được bài nhưng đề dễ, bạn nào cũng làm được, không biết kết quả cuối cùng thế nào”, nữ phụ huynh tâm sự.
Cho con đi chơi, hứa thưởng xe, điện thoại
Chị Xuyên kể sáng 18/7, trước khi thi Toán, con trai hứa sẽ cố gắng. Chị cũng động viên con dù kết quả thế nào, bố mẹ cũng hài lòng vì thời gian qua, cháu đã nỗ lực ôn luyện.
Trong năm học lớp 9, con chị học thêm ở trường, trung tâm rồi tự học ở nhà. Nữ phụ huynh nói thêm con tự học nên chịu khó vất vả lắm. Người mẹ dự định để con ở nhà, nghỉ ngơi hai ngày rồi đến khu nghỉ dưỡng ở Vĩnh Phúc. Tiếp đó, con sẽ đi chơi Đà Nẵng trong một tuần để thư giãn đầu óc, trong lúc chờ kết quả.
Ông Đỗ Văn Sâm (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng quyết định tuần sau cho con đi chơi xả stress sau kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng. Tương tự, thí sinh Phạm Đức Quân khoe được du lịch sau một năm mà gần như học thêm suốt tuần.
Trong khi đó, chị Phương Oanh quyết định chờ có kết quả rồi mới cho con đi chơi để bé thoải mái hoàn toàn, không còn lo lắng về điểm số.
Bảo Ngọc lại phải chờ hết dịch Covid-19 mới du lịch vì bố mẹ hứa cho em đi nước ngoài sau khi thi xong.
Du lịch không phải là phần thưởng duy nhất phụ huynh dành cho sĩ tử sau cuộc đua vào lớp 10 công lập.
Ngoài đi chơi, Đỗ Bảo Ngọc còn được hứa tặng xe, điện thoại, kể cả khi chưa có kết quả. Phạm Đức Quân sẽ nhận smartphone mới, tùy theo ý thích của mình ngay khi trúng tuyển vào THPT Quang Trung.
Lê Yến Nhi cũng nhận được hứa hẹn thưởng iPhone XS từ bố mẹ nếu thi đỗ. Trong khi đó, Nguyễn Đức Thắng cho biết bố mẹ hứa thưởng nhưng chưa nói quà cụ thể.
Đây cũng là món quà ông Sâm sẽ tặng con trai út. Vị phụ huynh vui vẻ cho biết phần thưởng do con chọn, song giá trị điện thoại mới còn tùy thuộc điểm thi, cao thì thưởng lớn.
Vợ chồng chị Phạm Thị Xuyên đã đi xem điện thoại trước cả khi con bước vào kỳ thi. Họ dự định tặng con chiếc smartphone trị giá khoảng 13-14 triệu đồng để động viên sau thời gian học hành vất vả.
Chị Trần Phương Oanh lại tặng quà theo mong muốn của con. Con trai chị chỉ mong có xe đạp điện để chủ động việc đi lại trong những năm học THPT.
Chị Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay trước mỗi sự nỗ lực của con, phần thưởng là điều cần thiết. Tuy nhiên, chị không hứa tặng con những món quà thiên về vật chất, thay vào đó là những lời khen ngợi, động viên tinh thần.
Mỗi kỳ nghỉ hè, gia đình chị dành thời gian đưa con về thăm quê nội, ngoại, trải nghiệm cuộc sống vùng quê để chúng hiểu hơn những con người và nền văn hóa đa dạng.
Anh Trung Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nêu quan điểm tặng quà bằng vật chất có thể gây tác dụng phụ là con luôn đòi hỏi phản nhận được thứ gì khi bắt đầu công việc.
Vì vậy, ngay từ nhỏ, anh Thành xây dựng cho con sự nỗ lực từ bên trong và trách nhiệm đối với mọi việc con làm. Phụ huynh này không đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực cho con trong mỗi cuộc thi.