Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh không đồng ý hỗ trợ laptop, cô giáo dỗi không soạn đề cương

Một cô giáo ở trường Tiểu học Chương Dương đề nghị phụ huynh ủng hộ mua laptop, nhưng khi có ý kiến không đồng ý, cô không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

Trường Tiểu học Chương Dương. Ảnh: VietNamNet.

Đó là câu chuyện xảy ra ở lớp 4/3, trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM), do cô T.P.H. làm chủ nhiệm.

Cô giáo xin ủng hộ mua laptop, bán đồ ăn trong lớp

Theo phản ánh, trong buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 4/3 (diễn ra ngày 14/9), cô H. đề nghị phụ huynh hỗ trợ một laptop trị giá 4-5 triệu đồng, máy in tài liệu và hỗ trợ cô bảo mẫu của lớp 300.000 đồng/tháng. Lúc đó, phụ huynh có ý kiến máy in đã được trang bị từ lớp 3, cô giáo nên liên hệ giáo viên chủ nhiệm cũ để xin lại cho lớp.

Phụ huynh cũng tính toán với chiếc laptop giá 5-6 triệu đồng, mỗi người sẽ phải đóng góp 200.000-300.000 đồng.

Sau đó, cô H. đã nhắn vào nhóm Zalo của lớp với nội dung: “Sau buổi học đầu năm học đã có 29 phụ huynh đóng rồi ạ. Hiện tại, cô giữ 14,5 triệu đồng, đưa cô bảo mẫu 300.000 đồng. Cô đóng quỹ khuyến học 500.000 đồng, cô giữ 13,7 triệu đồng. Cô mua cái laptop, còn bao nhiêu cô báo với phụ huynh và cô xin cái laptop này luôn nha phụ huynh”.

Chiều hôm đó, cô H. chụp hình 2 laptop, báo giá tiền chiếc màu xám là 5,5 triệu đồng, chiếc màu đen 11 triệu đồng và nhắn: “Cô lấy máy đen 11 triệu chạy dữ liệu nhanh, phụ huynh hỗ trợ cô 6 triệu nhé, cô bù vào 5 triệu. Cô cảm ơn phụ huynh”.

xin mua laptop anh 1

Cô giáo H. nhắn tin hỏi phụ huynh về việc mua laptop. Ảnh: PHCC.

Đến ngày 16/9, cô H. lại tiếp tục nhắn với nội dung: “Hôm thứ bảy (14/9), cô có xin phụ huynh hỗ trợ cái máy laptop khoảng 5-6 triệu. Và cô đã mua cái máy 11 triệu thì cô bù vào 5 triệu. Cái laptop này là của cô, phụ huynh có đồng ý không?”.

Sau đó, cô giáo này đã tạo bình chọn đồng ý và không đồng ý. Trong lúc bình chọn, khi thấy có phụ huynh không đồng ý, cô H. nhắn hỏi là phụ huynh của bé nào.

Cũng theo phản ánh, trong nhóm Zalo của lớp có 47 thành viên thì có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không, 18 người không có ý kiến.

Lúc này, cô H. lại nhắn tiếp: “Đến hiện tại có 26 người đồng ý, 3 người không đồng ý, còn 9 phụ huynh không ý kiến. Đã có phụ huynh không đồng ý thì cô sẽ không nhận nhé. Cô tự mua và tự sử dụng. Còn máy in cô cũng tự mua luôn. Cô không nhận gì của phụ huynh cả. Cô chân thành cảm ơn phụ huynh”.

xin mua laptop anh 2

Tin của cô giáo H. nhắn trong nhóm phụ huynh. Ảnh: PHCC.

Sáng 17/9, cô H. lại nhắn tin tiếp với nội dung: “Tối qua và sáng nay cô đã nhận nhiều tin nhắn và điện thoại của phụ huynh năn nỉ cô nhận phần hỗ trợ của lớp. Cô xin nói rõ quan điểm của cô là cô không nhận nha phụ huynh và cô cũng không phải soạn đề cương ôn tập cho các con. Cô thống nhất bài ôn và phụ huynh tự ôn ạ. Cô cảm ơn phụ huynh, vậy nha phụ huynh”.

Phụ huynh lớp 4/3 cũng phản ánh rằng qua lời kể của con thì cô H. còn bán đồ ăn uống như mì gói, xúc xích, nước ngọt trong lớp học cho các em. Cô giáo cũng sử dụng điện thoại sai mục đích rồi mở YouTube cho học sinh xem.

Hàng chục phụ huynh của lớp 4/3 đã làm đơn đề nghị hiệu trưởng nhà trường đổi giáo viên chủ nhiệm, điều chuyển những học sinh mà phụ huynh cảm thấy bất an sang lớp khác.

Cô giáo nói gì?

Nắm được sự việc, ngày 24/9, ban lãnh đạo trường Tiểu học Chương Dương đã làm việc với cô H. và 27 phụ huynh lớp 4/3.

Tại đây, phụ huynh nêu ý kiến từ đầu năm đến nay, họ thấy con mình rất ít khi chép bài vì không theo kịp các nội dung trên YouTube. Đồng thời, cô giáo cũng không đồng ý kết bạn Zalo với phụ huynh để trao đổi về vấn đề học tập, không giảng dạy đúng theo thời khoá biểu, bán đồ ăn cho học sinh…

Phụ huynh nêu họ đã mất lòng tin ở cô H. nên không đồng ý giáo viên này tiếp tục giảng dạy ở lớp 4/3.

xin mua laptop anh 3

Tin cô giáo H. nhắn trong nhóm phụ huynh. Ảnh: PHCC.

Còn cô H. thì nói rằng bản thân đã làm phụ huynh hiểu lầm ý qua các tin nhắn trong nhóm Zalo của lớp. Cô cũng nhận sai khi vận động phụ huynh trang bị cho mình máy laptop và giữ tiền quỹ của lớp.

“Tôi xin lỗi thầy hiệu trưởng, phụ huynh lớp 4/3. Tôi hứa sẽ sửa chữa sai lầm đã gây ra”, cô giáo nói.

Nữ giáo viên còn hứa sẽ thường xuyên liên lạc với phụ huynh để trao đổi và giáo dục học sinh, quan tâm các em nhiều hơn. Cô H. mong phụ huynh cho cơ hội để sửa sai.

Thầy Lê Công Minh, Hiệu trường trường Tiểu học Chương Dương, cho hay quỹ lớp do ban đại diện cha mẹ học sinh giữ và có kế hoạch thu chi rõ ràng. Quỹ chỉ được chi cho học sinh, không chi cho giáo viên. Về máy in, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm không được phép nhận vì đây là tài sản chung của lớp.

Đối với tin nhắn cô H. không ôn tập cho học sinh làm phụ huynh bất an, ông Minh cho hay đã làm việc với cô giáo và chấn chỉnh việc này. Ông cũng yêu cầu cô H. để nhóm Zalo lớp ở chế độ mở, để tất cả phụ huynh đều có thể bình luận.

Về việc điều chuyển cô H., đại diện ban giám hiệu cho rằng phương án điều chuyển hay chọn giáo viên thỉnh giảng sẽ không thực hiện được vì không có kinh phí. Phương án chia lớp 4/3 sang 3 lớp 4 còn lại cũng không được vì phụ huynh không đồng ý.

"Trong thời gian chờ nhà trường sắp xếp, lớp 4/3 vẫn sẽ học như bình thường. Nếu có thể, xin phụ huynh mở lòng cho cô H. có cơ hội sửa chữa”, đại diện ban giám hiệu nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM xấu hổ vì chuyện lạm thu

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nói bản thân ông cảm thấy rất buồn và xấu hổ vì để đầu năm học xuất hiện những từ phản cảm, phản giáo dục như lạm thu.

https://vietnamnet.vn/co-giao-doi-khong-soan-de-cuong-on-tap-vi-phu-huynh-khong-dong-y-ho-tro-laptop-2326766.html

Lê Huyền / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm