Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh không nhất thiết phải đưa con đến các lò luyện thi

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6 sẽ không đòi hỏi kiến thức quá khó.

Năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép một số trường THCS chất lượng cao và trường ngoài công lập được phép xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6.

Với tỷ lệ chọi cao, nhiều phụ huynh đã đôn đáo tìm lớp, các lò luyện thi đánh giá năng lực với mong muốn con có cơ hội trúng tuyển vào các trường top đầu. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc thi đánh giá năng lực sẽ không đòi hỏi kiến thức quá khó nên phụ huynh không nhất thiết phải đưa con đến các lò luyện thi.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

phu huynh dua con den lo luyen thi anh 1
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

- Thưa ông, hiện nhiều phụ huynh đang lo lắng vì không biết phương thức tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao như thế nào khi năm nay, các trường được phép tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực. Ông có chia sẻ gì với những lo lắng trên của phụ huynh?

- Đối với các trường THCS có số lượng hồ sơ nộp vào trường lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 05 sửa đổi Thông tư số 11. Theo đó, các trường có thể lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố phương thức tuyển sinh.

Đến nay, chưa hết năm học 2018-2019 nên nhiều trường chưa công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 6. Trong phương án tuyển sinh của các trường cũng phải đủ thời gian để phụ huynh có thể đăng ký nguyện vọng cho con em mình. Vì thế, các bậc phụ huynh cứ yên tâm và nên có sự theo dõi sát việc công bố phương án tuyển sinh vào lớp 6 để có sự đăng ký cho con một cách kịp thời.

- Nhiều phụ huynh không biết là việc kiểm tra, đánh giá năng lực như thế nào nên đã cho con đi ôn luyện từ rất sớm tại các lò luyện thi hoặc tìm kiếm thầy cô giáo giỏi ở các nơi để ôn luyện. Ông có thể thông tin rõ hơn về những bài kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ yêu cầu học sinh ở mức độ như thế nào?

- Việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh có thể thực hiện ở trên giấy. Tuy nhiên, bài kiểm tra này khác với bài thi ở trên lớp học là không yêu cầu học sinh phải nhớ hay học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc mà chỉ cần kiến thức phổ thông ở cấp tiểu học.

Bài đánh giá năng lực sẽ đưa ra các tình huống, thông tin xung quanh môn học để học sinh có thể giải quyết chúng trong cuộc sống. Việc sử dụng kiến thức để đánh giá năng lực của học sinh sẽ thấp hơn kiến thức mà em đang học ở lớp cao nhất ở bậc tiểu học. Ví dụ, học sinh đang học lớp 5 thì bài thi chỉ kiểm tra kiến thức của các em ở lớp 3 và 4. Các em có thể vận dụng kiến thức mình đã học để giải quyết những vấn đề gần gũi với mình trong cuộc sống.

Ngoài việc kiểm tra năng lực của học sinh như trên thì nhiều trường kiểm tra học sinh theo hướng để các em trình bày, thể hiện bản thân. Ví dụ như có trường tổ chức một ngày để học sinh trải nghiệm ở một nơi nào đó và giao cho các em một số yêu cầu phải làm. Sau một thời gian, học sinh phải trình bày trước ban giám khảo về nhận biết, sản phẩm của mình về yêu cầu được giao.

Căn cứ vào sự quan sát và sản phẩm của học sinh trình bày hay làm được, nhà trường sẽ đánh giá, nhận xét và cho điểm năng lực của các em. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên cho con đi luyện thi và ôn tập những bài rất khó mà việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh chủ yếu là biết vận dụng những kiến thức linh hoạt vào cuộc sống.

- Đối với những trường THCS kiểm tra năng lực của học sinh bằng Ngoại ngữ thì sẽ đòi hỏi mức độ kiến thức như thế nào, thưa ông?

- Việc kiểm tra năng lực Ngoại ngữ của thí sinh chính là đánh giá khả năng nghe, nói, đọc hiểu, viết một đoạn luận về một chủ đề nào đó của các em. Nếu đánh giá năng lực ở trên giấy thì cũng có tỷ lệ kiểm tra khả năng nghe nói Ngoại ngữ của học sinh. Kiến thức chủ yếu sẽ tập trung trong chương trình Tiểu học, đặc biệt là lớp 4 và lớp 5.

- Thưa ông, hiện nay, nhiều phụ huynh lo ngại ở nhiều trường THCS , việc xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá học sinh cấp Tiểu học có hàng nghìn điểm 10 sẽ tạo nên một cuộc chạy đua về điểm số. Theo ông, ngành giáo dục có giải pháp gì hướng dẫn các trường vừa chọn đúng học sinh mà vẫn giảm tải được áp lực điểm số?

- Hiện nay, các trường tiểu học không chấm điểm học sinh theo Thông tư 22. Việc cho điểm một số môn chỉ diễn ra ở kỳ thi học kỳ I và II.

Tuy nhiên, việc một số trường có hồ sơ xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu nhận được hàng nghìn điểm 10 trong học bạ của học sinh cũng là điều dễ hiểu vì nhiều học sinh có điểm số học kỳ của 5 năm cấp tiểu học rất tốt. Vì vậy, ngoài việc xét tuyển dựa trên học bạ, các trường phải đưa ra phương án kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Tuy nhiên, để chọn ra thí sinh đủ tiêu chuẩn vào trường thì ban giám hiệu, các thầy cô giáo phải có sự đánh giá công tâm, chính xác. Bên cạnh đó, việc xã hội, các phụ huynh tham gia vào công tác giám sát quá trình đánh giá năng lực học sinh của nhà trường cũng rất quan trọng để ngăn chặn tiêu cực trong quá trình tuyển sinh.

Những điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội

Dự thi bốn môn, đăng ký nhập học trực tuyến vào các trường công lập là những điểm mới của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay.


http://cand.com.vn/giao-duc/phu-huynh-khong-nhat-thiet-phai-dua-con-den-cac-lo-luyen-thi-546479/

Theo Huyền Thanh/Báo Công an Nhân dân

Bạn có thể quan tâm