Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh làm gì khi con bị cô giáo mầm non đánh dã man?

Cách nhận biết con bị bạo hành và biện pháp giải quyết vụ việc là mối quan tâm của nhiều cha mẹ có con nhỏ trong thời gian gần đây.

Nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non bị phát hiện khiến dư luận hết sức lo lắng.

Không ít phụ huynh cho biết họ khá lúng túng trong việc hành xử nếu chẳng may con mình bị giáo viên bạo hành. Bên cạnh đó, việc quan sát, phát hiện những dấu hiệu lạ khi con bị đánh cũng rất quan trọng.

Phải hiểu tâm lý con mình

Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung, cha mẹ nên kiểm tra trên cơ thể con thường xuyên xem có các vết bầm tím, trầy xước không. Nếu con thay đổi thói quen thường ngày hoặc có phản ứng lạ, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ.

Khi bị bạo hành, trẻ có thể không thích tắm, không đùa giỡn với người lớn, sợ không gian kín (có thể từng bị nhốt), sợ những đồ vật vẫn chơi, trốn tránh hoặc khóc lúc gặp giáo viên, lầm lì hay khóc nhiều khi cha mẹ đón về, sợ đi học...

Một vài trường hợp trẻ nôn ọe khi được cha mẹ cho ăn dù không bị ép hoặc dọa nạt (có khả năng do ám ảnh ở mỗi bữa ăn bị bạo hành). Bé có xu hướng sợ hãi người khác hoặc bạo hành ngược với bạn.

Nữ chuyên gia tâm lý cho rằng trường hợp phát hiện trẻ bị bạo hành, người lớn thường chỉ quan tâm những vết thương, tình trạng sức khỏe mà ít chú ý tâm lý trẻ. Trong khi đó, hành vi đánh đập, dọa nạt có thể để lại di chứng tâm lý rất sâu sắc với bé.

Trẻ có thể bị trầm cảm hoặc dễ bị kích động. Các bé sẽ suy nghĩ rằng cách để giải quyết vấn đề với người khác là đe dọa, đánh đập hoặc cô lập, tương tự những gì mình gặp phải.

Một số bé hình thành cơ chế thích ứng. Khi bị ngược đãi, đánh đập, trẻ dần coi đó là sự trừng phạt cho lỗi lầm của mình. Nếu thích ứng được với sự trừng phạt đó, các bé không coi chuyện vi phạm là quan trọng nữa.

Những bé bị dọa nạt, mắng chửi có thể sợ hãi, mất niềm tin với những người xung quanh. Sự căng thẳng leo thang khiến việc học tập, vui chơi, hòa nhập cùng bạn bè bị ảnh hưởng.

Thạc sĩ Nhung khuyên nếu thấy con mình có những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cũng không nên khẳng định ngay bé bị bạo hành. Cha mẹ nên để ý nhiều hơn, quan sát, hỏi han trẻ về những việc ở trường, mối quan hệ với những bạn nhỏ khác tại lớp và kể cả nơi mình sống.

Nếu thực sự trẻ bị đánh đập, hành hạ, người thân cần tìm hiểu đối tượng dùng bạo lực với con là ai để có sự can thiệp phù hợp, tránh những tình huống vì mất bình tĩnh mà hành động đáng tiếc.

Nếu người bạo hành là giáo viên, cha mẹ nên có sự phối hợp với phụ huynh khác để củng cố tiếng nói bảo vệ quyền lợi của các bé.

Tập cho trẻ thói quen tốt

Thực tế, nhiều phụ huynh yêu chiều, bao bọc con quá mức và vô tư đáp ứng những đòi hỏi của chúng.

Chính cách dạy dỗ hàng ngày của phụ huynh cũng là nguyên nhân khiến trẻ có thái độ không tốt ở lớp. Nhiều trẻ biếng ăn, quậy phá, ngang bướng khiến các cô giáo bất lực.

Hiện nay, đa số nhà trẻ đều lắp đặt camera theo dõi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người chủ ý đánh đập học sinh sẽ đưa ra góc khuất nên việc tìm bằng chứng rất khó khăn.

Nếu nhà trường không xử lý thích đáng việc bạo hành, cha mẹ cần tố cáo với cơ quan chức năng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung đưa ra lời khuyên cha mẹ hãy luyện cho trẻ tính tự chủ, giờ nào việc đó, ăn ngủ đúng bữa, không chiều chuộng thái quá dẫn đến tâm lý nhõng nhẽo, ăn vạ.

Tính tự chủ, nề nếp trong sinh hoạt cũng có thể được coi là kỹ năng để các bé tự bảo vệ mình.

Nhiều trường hợp, cha mẹ bênh con thái quá, chưa tìm hiểu sự việc đã kích động dẫn đến hậu quả không đáng có.

Bên cạnh đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo các chuyên gia giáo dục, để tránh những trường hợp đáng tiếc hoặc những ngờ vực không đáng có, trước khi chọn trường mầm non cho con, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ thông tin.

Giáo viên mầm non: ‘Tôi được cho tiền để không đánh trẻ’

Một giáo viên mầm non ở Lâm Đồng chia sẻ bài viết thể hiện sự day dứt khi phụ huynh đưa tiền để con họ không bị đánh. Cô giáo tự hỏi còn giữ được cái tâm với nghề trong bao lâu.

Chị Nguyễn Ngọc (quận 1, TP.HCM) tâm sự chị từng tham khảo đồng nghiệp, hàng xóm. Họ đã cung cấp những thông tin quý giá giúp người mẹ cân nhắc chọn nơi gửi gắm niềm tin.

Chị Thanh Trang (quận Thủ Đức, TP.HCM) - mẹ của hai bé - chia sẻ khi chọn trường, chị yêu cầu cho xem giấy phép hoạt động và cả bằng cấp của cô giáo của lớp con mình. Nữ phụ huynh cũng tìm hiểu, chọn trường có camera trong lớp học.

Chị Hồng Quỳnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng dù chọn trường nào để gửi con, phụ huynh phải thực sự tin tưởng và hợp tác với nhà trường, giáo viên.

“Con đi học lúc 5 tháng rưỡi nên mình cũng khá lo. Mình ở cùng cho đến khi con quen và quan sát các cô chăm bé như thế nào. Khi hài lòng với môi trường nhà trẻ, cách chăm sóc của cô và sự phối hợp của nhà trường, mình mới yên tâm gửi con”, người mẹ tâm sự.

> Chủ đề: Trẻ mầm non bị bạo hành

'Giáo viên mầm non đánh con tôi dã man hàng ngày'

Một người cha ở Trung Quốc đã đau đớn thốt lên như vậy khi nói về nạn bạo hành trẻ mầm non. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia xảy ra nhiều vụ giáo viên đánh trẻ.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm