Ngày 30/1, Tờ Sports Seoul đưa tin phụ huynh Hàn Quốc e ngại việc thần tượng Kpop trở thành đại sứ của các thương hiệu cao cấp. Họ cho rằng xu hướng này kích thích văn hóa dùng đồ đắt tiền của thanh thiếu niên.
Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng khi các idol trẻ tuổi được chọn làm đại sứ cho Gucci, Burberry hay Louis Vuitton.
Thần tượng trở thành lựa chọn hàng đầu cho vị trí đại sứ thương hiệu
Theo phóng viên Jo Eun Byul, sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã thúc đẩy các hãng thời trang và thương hiệu cao cấp ký hợp đồng để các nghệ sĩ tại quốc gia này làm đại sứ.
Những người nổi tiếng như nữ diễn viên Jung Hoyeon đại diện cho các thương hiệu Louis Vuitton và Bentley, trong khi bốn thành viên nhóm nhạc BlackPink quảng bá cho Chanel, Bvlgari, Cartier và Tiffany trên Instagram cá nhân. Bên cạnh đó, đầu năm nay, Dior thông báo ký hợp đồng đại sứ toàn cầu với thành viên Jimin của nhóm nhạc BTS.
Các nhãn hàng lựa chọn thần tượng Kpop cho vị trí đại sứ thương hiệu. Ảnh: Wonder, Elle. |
Chỉ sau 5 tháng ra mắt, tân binh NewJeans có hai thành viên được chọn làm đại sứ cho các thương hiệu xa xỉ. Tháng 10/2022, thương hiệu Gucci tuyên bố Hanni là đại sứ trẻ nhất. Không lâu sau đó, em út Hyein trở thành đại sứ của Louis Vuitton ở tuổi 14.
Đầu tháng 1, thành viên Danielle cũng chính thức trở thành đại sứ thương hiệu của Burberry.
Hệ quả của xu hướng thần tượng làm đại sứ thương hiệu
Tờ Sports Seoul trích lời một người làm trong lĩnh vực thời trang tại Hàn Quốc: “Ngày càng nhiều thần tượng Kpop trở thành đại sứ cho các nhãn hàng. Điều này giúp khẳng định uy tín quốc gia, song nó góp phần khiến giá cả của các mặt hàng xa xỉ tăng cao”.
“Các thần tượng của YG Entertainment như G-Dragon hay BlackPink cũng lấn sân sang lĩnh vực thời trang, trở thành đại sứ cho các nhãn hàng sang trọng. Họ thực hiện điều này khi đã trưởng thành và xây dựng danh tiếng ổn định ở mảng âm nhạc”, anh nói thêm.
Người này cho rằng việc thần tượng ở độ tuổi vị thành niên làm đại sứ thương hiệu có thể mang lại tác động không mong muốn tới người hâm mộ trẻ tuổi cũng như chính bản thân các thần tượng.
Ông Kim Young Shin, 44 tuổi, cho biết con gái của ông - một người hâm mộ nhóm nhạc nữ NewJeans - thường xuyên năn nỉ bố mua những món đồ xa xỉ dù chỉ mới học cấp hai.
“Con gái tôi thần tượng Hyein của NewJeans. Gần đây, con bé năn nỉ tôi mua một chiếc ví Louis Vuitton vì Hyein trở thành đại sứ của thương hiệu này”, ông Kim trả lời tờ Sports Seoul.
Xu hướng dùng đồ xa xỉ gia tăng ở giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Vogue. |
Trang Bloomberg News nhận định Hàn Quốc là quốc gia có chi tiêu bình quân đầu người cho hàng hiệu lớn nhất thế giới. Bloomberg News cho biết những yếu tố kích thích giới trẻ Hàn Quốc mua đồ cao cấp là mức độ phổ biến của phương tiện truyền thông và hoạt động quảng bá của người nổi tiếng, với tư cách là đại sứ thương hiệu.
Ngân hàng Morgan Stanley cho biết số tiền người dân Hàn Quốc chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ thuộc hạng cao nhất thế giới.
Theo CNBC, ngân hàng này ước tính tổng chi tiêu của người dân Hàn Quốc cho mặt hàng cao cấp cá nhân tăng 24% vào năm 2022, đạt mức 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người. Theo ước tính của Morgan Stanley, con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng tại thị trường Trung Quốc và Mỹ, lần lượt là 55 USD và 280 USD.
6 cuốn sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.