Ngày 2/8, trường Archimedes mà con trai anh D.N. (Cầu Giấy, Hà Nội) theo học, tổ chức bế giảng năm học 2020-2021. Ngay ngày hôm sau, học sinh tựu trường online và trong tuần đầu tiên, theo bản tin gửi tới phụ huynh, các con đã học chương trình năm học mới.
“Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, trường nên cho trẻ nghỉ hè đủ 3 tháng, đâu cần vội vàng bước vào năm học”, anh D.N. nói.
Trường Archimedes thông báo việc cho trẻ tựu trường từ đầu tháng 8, một ngày sau khi bế giảng năm học cũ. |
Tựu trường online từ đầu tháng 8
Thực tế, trong hai năm qua, con anh N. nhiều lần phải học online do dịch. Gần cuối năm học trước, việc học cũng chuyển sang trực tuyến khi thành phố cho trẻ tạm dừng đến trường.
Trước hôm thi học kỳ 2 ngày, sở quyết định cho học sinh nghỉ hè. Đến ngày 12/7, trường Archimedes cho học sinh trở lại học online trong hai tuần và thi học kỳ. Sang tháng 8, chỉ một ngày sau khi bế giảng năm học cũ, năm học mới đã bắt đầu.
Phụ huynh này cho rằng việc học online không hiệu quả dù học sinh vất vả khi phải học đủ 2 buổi/ngày như bình thường. Thêm vào đó, việc ngồi trước máy tính trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến thị lực, cột sống của trẻ.
Anh D.N. cho biết thêm năm ngoái, trường Archimedes cũng tổ chức học online sớm. Con anh cũng như khoảng 1/2 học sinh trong lớp đóng học phí đầy đủ nhưng không học để bảo vệ sức khỏe. Vào năm học, trường tổ chức phụ đạo một số ngày.
Năm nay, vì thông báo chưa rõ ràng, anh không biết liệu trẻ có thể không học mấy tuần trước khai giảng được không.
Chị P.Q., một phụ huynh có con học tại trường tư ở Hà Nội, cho biết con chị bắt đầu học online từ đầu tháng 8. Trước đó, trong tháng 7, con chị cũng học online để ôn tập trong hai tuần. Vừa kết thúc một tuần, con gần như chưa được nghỉ ngơi đã phải tựu trường trực tuyến.
Việc học theo lịch chính thức, tức trẻ học đến 2 buổi/ngày, thời gian như học trực tiếp tại trường dù nội dung chỉ là ôn lại kiến thức năm học cũ.
Với tình hình dịch Covid-19, học sinh không tránh khỏi học online nhưng chị cũng như các phụ huynh khác mong trường bắt đầu năm học vào tháng 9 thay vì tháng 8. Việc này sẽ giảm bớt thời gian con phải ngồi trước màn hình. Họ đã đấu tranh. Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên kế hoạch.
Phụ huynh này quyết định vẫn đóng học phí nhưng xin cho con tạm thời không học online vì thị lực của con không tốt.
Trong khi đó, chị P.H., phụ huynh trường Tuệ Đức, cho biết trường thông báo các khối 4-9 học online từ ngày 2/8 trong khi khối 1-3 bắt đầu học từ 16/8. Tuy nhiên, trước khai giảng, giáo viên chỉ ôn lại kiến thức.
Dù chưa có thời khóa biểu chính thức, chị H. tin tưởng việc học của con không nặng nề do trường Tuệ Đức rất chú trọng sức khỏe học sinh. Mỗi buổi kéo dài khoảng 1 tiếng 20 phút. Giáo viên được đào tạo để trước và giữa buổi học khởi động tinh thần cũng như mắt cho học sinh.
“Tôi thấy con học online cũng hiệu quả. Hơn nữa, khi trường tổ chức dạy online, con được gặp thầy cô, bạn bè nên tôi không phản đối việc cho trẻ học học trực tuyến từ tháng 8”, chị P.H. chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều trường tư thục ở Hà Nội như Alpha, Đoàn Thị Điểm, Alfred Nobel, Lương Thế Vinh, Ngôi sao Hà Nội… cũng đã cho học sinh bắt đầu năm học mới bằng hình thức online.
Phụ huynh cho rằng việc yêu cầu trẻ học online từ đầu tháng 8 là không cần thiết. Ảnh minh họa: Getty Images. |
Tổ chức dạy online để tận thu?
Việc nhiều trường tổ chức dạy online từ đầu tháng 8 khiến không ít phụ huynh không hài lòng. Phần lớn họ lo ngại cho sức khỏe của con, đồng thời cho rằng việc học online sớm không cần thiết, đặc biệt với những học sinh lớp 1, 2, 3.
Trên một diễn đàn dành cho cha mẹ học sinh, một số người thậm chí đặt câu hỏi phải chăng trường cho học sinh học từ sớm để cố thu đủ 10 tháng học phí.
“Trường sợ thất thu hay sao mà cho học sớm thể”, “Kinh doanh học đường là đây chứ đâu. Bố mẹ oằn mình lo từng bữa cho con cái, giờ lại chuẩn bị ngồi cạnh các con học online”, “Tôi toàn bảo trường con là máy chém tiền”... là 3 trong số hàng loạt bình luận phản đối việc nhiều trường tư thục ở Hà Nội yêu cầu học online từ đầu tháng 8.
“Cho học sớm để làm gì” cũng là trăn trở của chị P.Q. từ lúc nhận thông báo con tựu trường online từ đầu tháng 8.
Chị cho rằng nếu quan tâm đến sức khỏe học sinh, trường sẽ không bắt những đứa trẻ ngồi trước máy tính 3-4 tiếng/ngày. Chưa kể đến, việc học trực tuyến còn gây khó khăn cho các gia đình khi bố mẹ phải ở bên cạnh để hỗ trợ con.
“Nhiều phụ huynh suy luận lý do trường cho học sớm là để thu đủ học phí. Nếu học phí là lý do thực sự, phải chăng các trường đang phản giáo dục quá”, chị Q. bức xúc.
Chị nói thêm thay vì tính làm sao để dạy đủ kiến thức như khi không có dịch, nhà trường nên xem xét cắt giảm các nội dung không cần thiết để giảm thời lượng học online nhằm bảo vệ thị lực, cột sống của trẻ. Hơn nữa, việc học tập từ tháng 9 cũng không khiến học sinh dốt đi.
Vì thế, chị P.Q. mong các trường xem xét để học sinh có thể tựu trường vào tháng sau thay vì bắt đầu học online từ đầu tháng 8. Khi không thể lay chuyển quyết định của trường, chị sẽ đóng học phí (trường thu 75% vì học học online) nhưng cho con nghỉ để bảo đảm sức khỏe.
Trong khi đó, cũng có con phải học online từ tháng 8, anh D.N. cho rằng việc thu học phí của trường có vấn đề. Theo thông báo của trường, phụ huynh phải đóng học phí trước ngày 5/8, mức thu cho thời gian học online là 80%.
Tuy nhiên, học phí năm học 2021-2022 lại thay đổi so với năm 2020-2021 nhưng trường không nói rõ lý do. Mức thu một tháng học trực tiếp (học phí và tiền ăn, tiền bán trú) đối với lớp 1, 2, 3 giảm 100.000 đồng trong khi của lớp 4 tăng 1,1 triệu đồng, lớp 5 tăng 700 nghìn đồng. Anh N. cho rằng mức tăng này quá cao.
Ngược lại, tại trường Tuệ Đức, không chỉ hài lòng với lịch học online phù hợp cho trẻ nhỏ, chị P.H. còn thích cách làm của trường khi san sẻ khó khăn với phụ huynh trong dịch.
Chị cho biết trường chưa tiến hành thu học phí nên chị chưa nắm được mức thu của năm học mới. Tuy nhiên, năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch, trường cho học sinh nghỉ học một tháng, không dạy online vì lo hại mắt trẻ. Tháng đó, trường trả lại toàn bộ học phí. Khi quyết định học bù đến tháng 7, trường thu thêm học phí tháng đó.
Khi dịch kéo dài, việc dạy học online là không thể tránh khỏi, trường khảo sát, tổ chức họp trực tuyến để lấy ý kiến phụ huynh. Nhiều người mong muốn thu 30% hoặc 40% học phí nhưng không ít người bày tỏ muốn đóng 100% để hỗ trợ trường. Cuối cùng, nhà trường xác định thu 40%, tức giảm 60%.
Số tiền đã thu nhưng dôi ra được trả lại cho phụ huynh. Vì thế, chị P.H. cho rằng quan trọng khi tổ chức dạy học online, trường cần sắp xếp phù hợp để đảm bảo sức khỏe học sinh, đồng thời, trường và gia đình thỏa thuận, thống nhất để hai bên cùng san sẻ trong thời kỳ khó khăn.