Bức xúc khi trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) quyết định kế hoạch học bù cho thời gian nghỉ vì dịch Covid-19 mà không thỏa thuận với phụ huynh, khoảng 30 người đến trường, yêu cầu trường đối thoại sòng phẳng.
Nhóm phụ huynh mặc áo đồng phục in dòng chữ "yêu cầu AIS Saigon đối thoại trực tiếp với phụ huynh học sinh".
Họ còn mang theo biểu ngữ "AIS Saigon phải công bằng, minh bạch, tôn trọng phụ huynh học sinh", cùng giấy ghi các bức xúc của họ.
Nhóm phụ huynh đứng trước cổng trường, yêu cầu trường đối thoại trực tiếp, thỏa thuận với họ về vấn đề học bù, học phí trước khi ra quyết định. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Theo thông báo từ trường, phụ huynh nhận lại mức hoàn học phí cho 10 tuần nghỉ dịch theo tỷ lệ tương ứng mầm non 20%, tiểu học 12%, trung học 5%. Như vậy, họ nhận được khoảng 10-20 triệu đồng. Tuy nhiên, họ phải đăng ký cho con học tiếp mới được nhận lại khoản tiền này.
Một số phụ huynh cho biết trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh, học sinh mẫu giáo chỉ học online 30 phút mỗi ngày, chất lượng không đảm bảo do trẻ khóc hoặc mạng Internet không ổn định. Mức hoàn 20% không phù hợp.
Phụ huynh Nguyễn Thị Linh Chi (cơ sở Thủ Thiêm) cho biết khoản tiền chị được khấu trừ vì dịch Covid-19 rơi vào khoảng 14 triệu đồng. Đây là số tiền nhỏ so với khoản chị đã bỏ ra.
Quy định về hoàn phí do Covid-19 của AIS Saigon. |
Trong khi đó, phụ huynh có con học lớp lớn hơn bức xúc vì chương trình dạy bù do trường đưa ra không tương xứng với thời gian học sinh phải nghỉ học vì dịch.
Phụ huynh Phạm Đức Cường cho hay hôm 22/4, AIS Saigon gửi thông báo sẽ tổ chức dạy bổ sung cho học sinh một tiếng mỗi ngày từ thứ hai đến thứ năm.
"Thời điểm kết thúc năm học là cuối tháng 5 đầu tháng 6, tức chỉ còn 4-5 tuần nữa. Mỗi tuần, trường dạy bù 4 tiết mỗi tuần, tính ra chỉ dạy bù khoảng 20 tiếng trong khi con em chúng tôi nghỉ học đến 60-65 ngày", ông Cường phân tích.
Ngoài ra, ông cho rằng việc trường miễn phí hai tuần trong chương trình hè là không tôn trọng phụ huynh, thể hiện thái độ "cho" chứ không phải bù đắp số tiền họ bỏ ra nhưng con không nhận chất lượng giáo dục tương xứng.
Ông nói thêm vấn đề ở đây, trường đưa ra quyết định mà không thỏa thuận với nhóm. Trong khi đó, yêu cầu của họ rất rõ ràng - trường dạy bù đúng chương trình, đủ thời lượng, nếu vướng mắc, không đáp ứng được, trường xem xét hoàn học phí.
Lãnh đạo trường ra nói chuyện với phụ huynh, hai bên tiếp tục không có tiếng nói chung. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Lãnh đạo nhà trường đề nghị nhóm phụ huynh cử 15 người đại diện vào trường, đồng thời từ chối làm việc với phóng viên.
Tuy nhiên, phụ huynh từ chối vì cho rằng họ đều là khách hàng, có quyền lên tiếng cho chính mình. Sau một lúc, trường đồng ý cho tất cả phụ huynh vào trường.
Theo phản ánh lại của phụ huynh, tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Roderick Crouch cho biết ông không có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến học phí. Dù vậy, ông sẽ ghi nhận ý kiến phụ huynh và truyền đạt lại.
Nhiều phụ huynh đánh giá lãnh đạo nhà trường vẫn thiếu thiện chí trong quá trình trao đổi. Họ sẽ tiếp tục lên tiếng cho đến khi hai bên đạt thỏa thuận chung.
Năm 2019-2020, học phí từ bậc mầm non (học đủ 5 buổi) đến lớp 13 tại AIS Saigon rơi vào mức 233-646 triệu đồng.
Sáng 5/5, khoảng 200 phụ huynh có mặt tại trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (TP.HCM), phản đối chính sách thu học phí mùa dịch.
Chiều cùng ngày, hơn 40 phụ huynh hệ thống trường Song ngữ quốc tế EMASI có mặt trước cổng trường cơ sở Nam Long (quận 7, TP.HCM) yêu cầu lãnh đạo nhà trường đứng ra trao đổi công khai về việc hoàn học phí và tổ chức học bù.
Trước đó, một nhóm phụ huynh kéo đến trụ sở phản đối trường Sao Việt, TP.HCM, cũng liên quan vấn đề học phí.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã nhận được đơn kiến nghị, cầu cứu của các nhóm phụ huynh trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, trường Quốc tế Australia, trường Sao Việt (VStar School). Sở sẽ tiến hành xử lý theo trình tự, trong đó yêu cầu các trường báo cáo vấn đề thu học phí.