Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh 'méo mặt' vì giá nhà nghỉ 1 triệu đồng/đêm

Giá nhà nghỉ bình dân lên đến 1 triệu đồng/đêm, dù là ở ghép. Giá nhà trọ cũng tăng vọt do nhiều người tưởng “cháy phòng”. Các dịch vụ khác cũng “thi nhau” móc hầu bao của phụ huynh.

Phụ huynh 'méo mặt' vì giá nhà nghỉ 1 triệu đồng/đêm

Giá nhà nghỉ bình dân lên đến 1 triệu đồng/đêm, dù là ở ghép. Giá nhà trọ cũng tăng vọt do nhiều người tưởng “cháy phòng”. Các dịch vụ khác cũng “thi nhau” móc hầu bao của phụ huynh.

>> Sĩ tử có thể 'vượt rào' quy chế bằng công nghệ cao
>> 'Bắt lỗi' sinh viên tình nguyện mùa tuyển sinh
>> Ảnh chế hài hước trong mùa đại học

Nhiều phụ huynh có con đi thi các khối B, C, D… đợt thi thứ 2 của kì thi tuyển sinh Đại học đã chọn cách đợi đến lúc kết thúc đợt 1 mới đưa con đi thi để đỡ tốn kém. Nhưng tình hình không mấy khả quan trong lúc nhà trọ đang “sốt” giá từng ngày.

Nhà nghỉ: phải ở ghép nhưng giá 1 triệu/đêm

Ông Đặng Vũ Sơn đưa con từ Nam Định vào thi khối D tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (đặt tại quận Thủ Đức, TP.HCM) kể lại: “Tôi há hốc miệng khi nghe bà chủ nhà nghỉ H.T (gần khu vực làng Đại học) “quát giá” 2 triệu đồng/2 đêm, nhưng phải ở ghép 1 phòng 4 người”.

Theo ông Sơn, sau khi kết thúc đợt thi thứ nhất, ông và con gái cùng rời nhà người quen tại quận Gò Vấp, do chủ quan, ông đã không liên hệ trước để thuê phòng nên gặp phải tình huống này.

Mặc dù trời mưa gió tầm tã, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không tìm được một chỗ ở như ý ở các nhà nghỉ gần làng Đại học.

Tại địa điểm làng Đại học Thủ Đức, TP. HCM, vào mùa tuyển sinh này, giá phòng trọ có sự cách biệt lớn. Phần đông nhà trọ nơi đây chỉ có giá dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Tuy vậy, do lượng phụ huynh và thí sinh đổ về quá đông, nhiều nnhà trọ đã hết phòng, các chủ nhà bắt đầu thi nhau tăng giá chỉ trong vòng một ngày.

Sáng 8/7, tại đường Tân Lập, gần ngã ba 621, quận Thủ Đức, ông Lâm - một phụ huynh phải chịu giá nhà trọ cho 2 người là 750.000 đồng/3 ngày. Ông  Lâm vừa thuê  xong  phòng trọ cho con đi thì ngao ngán nói: “Phòng trọ ở đây đắt quá, đắt vậy mà cũng không thuê được phòng, nhưng được cái gần chỗ thi nên cũng tiện đi lại”.

Minh Hưng, sinh viên trường Đại học Bách khoa cho biết: “Giá phòng trọ thường ngày sinh viên thuê chỉ chỉ từ 600.000-1,2 triệu/tháng tùy số lượng sinh viên ở. Do lượng thí sinh tập trung nhiều nên phòng trọ năm nào cũng “tranh thủ” tăng giá. Chi phí 3 ngày thí sinh thi bằng bọn mình ở một tháng”.

Các nhà nghỉ gần đó cũng trong tình trạng “cháy” phòng. Theo ghi nhận, nhà nghỉ S.T gần khu vực Khu vui chơi giải trí Suối Tiên hôm trước kì thi tuyển sinh chỉ có giá 100.000 đồng/ngày thì chỉ trong mấy ngày thi đã tăng vọt lên 500.000 đồng/ngày.

Cá biệt có nơi như nhà nghỉ H.T lên đến 1 triệu đồng/ngày. Một lễ tân của nhà nghỉ này nói: “Hiện nay tất cả các phòng quạt đã hết, chỉ còn phòng máy lạnh thôi. 2 triệu đồng/phòng cho 2 ngày thi, anh có thuê thì thuê”. Chỉ một lát sau quay lại thì chủ nhà nghỉ này đã thông báo hết phòng.

Hầu như các nhà nghỉ tại khu vực gần làng Đại học đã "cháy" phòng.

Bạn Phan Ái Duyên, tình nguyện viên tiếp sức mùa thi cho biết tại địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh cho biết, tại các địa bàn này, các nhà trọ bình dân vẫn chỉ có giá từ 50.000 đồng/ngày, khá hợp túi tiền phụ huynh. Những phòng trọ thoáng hơn cho 2 người là 350.000 đồng/ngày và ở các khách sạn là 450.000 đồng/ngày chứ không đến mức quá đắt đỏ như ở làng Đại học.

Tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi trên địa bàn quận 6, bạn Thôi Đoan Trinh, cũng cho biết, giá các phòng trọ được sinh viên hướng dẫn dao động từ 200.000-300.000 đồng/ngày.

Trong khi đó, theo ghi nhận vào sáng ngày 8/7, tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM ngay gần đó, một địa điểm đón rất nhiều phụ huynh và thí sinh đến tham gia kỳ tuyển sinh hằng năm, phòng tại địa điểm này vẫn còn.

Tại đây, ngoài việc thí sinh và phụ huynh có chỗ ăn, ngủ an toàn và yên tĩnh thì Ban quản lý Ký túc xá còn có trách nhiệm báo thức cho thí sinh và phụ huynh vào đầu giờ sáng để đến trường thi. Giá phòng ở ký túc xá cũng rất mềm.

Cắn răng chịu “chém”

Ông Hải, quê Tiền Giang đưa con gái lên thi tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tìm phòng trọ gần ngã ba 621 với giá thuê phòng là 750.000 đồng/3 ngày trong khi gần đó có phòng chỉ là 100.000 đồng/ngày. Ông bộc bạch: “12 năm đèn sách chỉ có 2 ngày thi nên tôi kiếm chỗ nào cho tiện, lỡ có quên giấy tờ gì cũng chạy về kịp, sơ suất là lại lỡ dở cả năm trời”.

Mỗi mùa thi, không chỉ thí sinh vất vả vượt vũ môn mà phụ huynh cũng phải sống trong những ngày lo lắng. Ảnh chụp tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Nhà ở Đồng Nai, đi xe máy lên địa điểm thi chỉ mất 2 giờ, nhưng cha con thí sinh Hoàng Linh vẫn loay hoay tìm nhà trọ khi ngày mai đã là ngày thi.

“Do chủ quan vì thấy gần nhà, nên định làm thủ tục dự thi xong là đưa con bé đi tìm nhà trọ cho đỡ tốn kém, ai ngờ tìm từ sớm đến giờ vẫn chưa có nhà trọ nào. Chỗ đã hết phòng, chỗ thì quá đắt. Tranh thủ tìm để con bé còn nghỉ ngơi lấy sức mai thi nữa” - phụ huynh của Hoàng Linh luống cuống nói.

Bên cạnh việc tăng giá của nhà trọ thì các dịch vụ ăn uống, giữ xe, bán báo… cũng thi nhau tăng giá. Trước trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhân dịp mùa thi, các quán cơm đã “nhanh tay” tăng giá từ 13.000 đồng/phần lên 15.000 đồng, có nơi tăng lên đến 22.000 đồng.

Giá nhiều mặt hàng phục vụ mùa thi tăng cao so với ngày thường.

Cũng tại nơi này, giá báo đã tăng gấp đôi, từ 4.000 đồng/tờ lên 8.000 đồng/tờ, giá giữ xe tăng từ 2.000 đồng/chiếc lên 5.000 đồng/chiếc, đối với xe máy. Các loại nước uống cũng từ 10.000 đồng được hét lên 15.000 đồng.

Tại các hội đồng thi khác vào đợt 1, sau mỗi buổi thi thường xuất hiện nhiều người đi rao bán bài giải với giá 7.000 – 10.000 đồng/bản, trong khi những năm trước giá chỉ  khoảng 2.000 đồng. Những bài giải này được những người bán copy lại từ các trang báo mạng, không có bảo đảm về tính chính xác nhưng có vẻ khá “hút hàng” đối với các phụ huynh đang chờ con.

Mặc dù, tại các địa điểm thi đều có tình nguyện viên tiếp sức mùa thi túc trực, hướng dẫn từ thủ tục dự thi đến chỗ ăn, ở, đi lại… nhưng nhiều thí sinh và phụ huynh không muốn nhờ sự giúp sức của các tình nguyện viên mà muốn tự mình tìm cho “chắc”. Đây là cơ hội để nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ và các dịch vụ khác kiếm thêm lợi nhuận và phụ huynh dù đã vất vả đường xa đưa con đi thi nhưng vẫn tốn tiền một cách không cần thiết

Thanh Tùng – Hoài Nhơn

Theo Infonet

Thanh Tùng – Hoài Nhơn

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm