Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh mong học sinh các quận ở Hà Nội sớm được đến trường

Thấy con vất vả, mệt mỏi vì học online trong thời gian dài, nhiều phụ huynh mong thành phố sẽ cho cả học sinh các quận đến trường chứ không chỉ riêng trẻ ở 18 huyện, thị xã đi học.

“Mẹ ơi, bao giờ con được đi học?”, con gái nhỏ đang học lớp 3 của chị Thanh Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên hỏi như vậy sau khi bé không còn phải ở yên trong nhà mà có thể theo bố mẹ đến các nhà hàng, quán ăn hay ra công viên.

Nhưng đến tận tháng 11, khi Hà Nội quyết định cho học sinh một số khối lớp ở 18 huyện, thị xã đến trường từ tuần sau, chị Thủy vẫn chưa thể trả lời con gái.

Bản thân chị cũng thắc mắc đến bao giờ, hai đứa con mới có thể chấm dứt chuỗi ngày ngồi trước màn hình và cả hai cùng đi học hay anh trai lớn học lớp 9 sẽ đến lớp trong khi em gái nhỏ tiếp tục học online.

hoc sinh cac quan o Ha Noi som duoc den truong anh 1

Con trai chị Vĩnh Danh có dấu hiệu bị cận thị sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: V.D.

Những đứa trẻ mệt mỏi vì học trực tuyến

Con trai chị Thanh Thủy theo học trường tư thục, bắt đầu năm học từ tháng 8, tức đến nay, con đã học online được 3 tháng. Con gái học trường công lập nhưng thời gian học trực tuyến cũng kéo dài đến 2 tháng.

Bà mẹ hai con cho rằng việc học đang quá sức với các con không phải vì thời lượng học dài, nội dung quá tải mà vì những áp lực lên sức khỏe, tâm lý của trẻ.

“Thời gian đầu, con còn hào hứng. Nhưng gần đây, cứ đến giờ học, con lại chán chường. Bữa cơm cũng không còn cảnh con tíu tít kể về một ngày ở trường như trước đây”, chị Thủy kể.

Chị nói thêm con tiếp xúc nhiều với màn hình lúc học nên phải hạn chế các hoạt động giải trí khác như xem TV hay chơi game. Thời gian trước, thành phố giãn cách, con còn phải ở yên trong nhà, càng chán nản.

Vì thế, khi Hà Nội mở lại công viên, nhà hàng, quán ăn, hai vợ chồng chị đều cố gắng cho con ra ngoài nhiều nhất có thể, tạo cơ hội cho con gặp bạn cùng tuổi. Dù vậy, chị Thủy thừa nhận những việc này không thể mang lại niềm vui như khi con được đi học.

Chị Vĩnh Danh (Cầu Giấy) cũng cho rằng con đang quá vất vả khi phải học online thời gian dài. Hai con của chị đều theo học trường tư thục. Con gái lớn vừa lên lớp 10, học online từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày học từ 7h45 đến 17h, nghỉ trưa 2 tiếng. Con trai học lớp 2, thời lượng học mỗi ngày cũng chỉ ít hơn một tiếng.

Hết giờ học, giáo viên ra bài tập về nhà. Buổi tối, hai con lại cặm cụi làm bài. Cả thầy cô lẫn học trò đều nỗ lực nhưng chị Vĩnh Danh đánh giá chất lượng học online chỉ đạt khoảng 70%.

Trong khi đó, sức khỏe con chịu ảnh hưởng do ngồi trước màn hình nhiều. Con trai chị đã có dấu hiệu bị cận thị. Ngoài ra, con không được tham gia các hoạt động bên ngoài, giao tiếp trực tiếp với giáo viên, bạn bè.

Không chỉ con của chị Vĩnh Danh, cháu anh Vũ Minh cũng trải qua hai tuần chỉ quanh quẩn trong nhà học online. Anh Minh cho biết cách đây hai tuần, cháu anh mới đi từ Nghệ An ra Hà Nội. Trước đó, cháu ở tại quê, học online.

“Đương nhiên, tôi muốn cháu được tiếp tục ở quê để gần gia đình. Nhưng chúng tôi cũng lo nếu tình hình dịch Covid-19 phức tạp, thành phố lập chốt kiểm soát việc đi lại với các địa phương khác như lần trước, cháu sẽ khó ra Hà Nội để đến lớp trong trường hợp thành phố mở cửa trường học”, anh Minh cho hay.

Cháu gái anh hiện học lớp 10 trường Marie Curie (Nam Từ Liêm). Mỗi ngày, cháu học từ 7h30 đến 11h, mỗi tiết 35 phút, ra chơi 10 phút. Buổi còn lại, cháu tự học.

Thời gian học online trong ngày không dài nhưng hai tuần qua, cháu vẫn buồn vì suốt ngày ở trong phòng, không được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Cháu lại vừa lên lớp 10, chưa được đến trường nên chưa quen các bạn để trò chuyện. Gia đình cũng hạn chế cho cháu ra ngoài.

Chưa kể đến, việc học online của cháu cần nhiều thiết bị như laptop, máy tính bảng, điện thoại. Anh Minh lo lắng việc tiếp xúc với màn hình nhiều trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của cháu.

hoc sinh cac quan o Ha Noi som duoc den truong anh 2

Phụ huynh mong học sinh ở các quận cũng được đến trường. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Mong con sớm được đi học

Vì thế, dù vẫn còn nhiều lo lắng, anh Vũ Minh mong cháu sớm được đến trường. Anh thừa nhận nếu tất cả học sinh đều ở vùng xanh, anh sẽ yên tâm hơn. Trường Marie Curie có học sinh từ nhiều nơi, việc lây nhiễm có thể diễn ra, đặc biệt khi người dân từ các tỉnh, thành miền Nam di chuyển về, số ca mắc tại Hà Nội đang tăng lên. Anh lo lắng một phần cũng vì cháu chưa được tiêm vaccine.

Dù vậy, anh Vũ Minh vẫn mong cháu được đến trường để có thể chủ động hơn trong việc học, giao tiếp với giáo viên, bạn bè, có thêm các hoạt động ngoại khóa.

Phụ huynh này cho rằng Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Do đó, nếu trường đáp ứng được điều kiện để mở cửa trở lại, anh thấy có thể cho cháu đến trường.

Tương tự, chị Thanh Thủy nghĩ thành phố nên cho cả học sinh các quận đến trường, chỉ cần đáp ứng các điều kiện đặt ra như khi áp dụng cho 18 huyện, thị xã.

Ngoài ra, chị mong cả hai con được đi học cùng thời điểm chứ không phải con trai lớp 9 đến trường trước, con gái lớp 3 tiếp tục học online.

Đây cũng là nguyện vọng của chị Vĩnh Danh dù bà mẹ hai con thừa nhận vẫn băn khoăn nhiều về nguy cơ nhiễm bệnh khi con chưa được tiêm vaccine.

Dù vậy, chị vẫn nghiêng về phương án cho con đến trường sớm, có thể ngay từ bây giờ. Chị nói thêm con gái lớp 10 quen với việc học online nhưng vẫn thích học trực tiếp hơn. Con trai lớp 2 luôn nhắc mãi việc thích đến trường, gặp cô chủ nhiệm mới ở ngoài đời thay vì qua màn hình, được tập thể dục trực tiếp chứ không phải online. Bên cạnh đó, hai con đều biết tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

“Người lớn còn được đi làm, ra đường còn trẻ con phải ở nhà học online suốt ngày, vất vả và thương lắm. Con trai tôi cũng khát khao đến trường. Vì thế, tôi mong hai con được đi học ngay từ bây giờ”, chị Vĩnh Danh tâm sự.

Trẻ bật khóc vì học online quá dài

“Con cố gắng lắm rồi, giờ con không còn năng lượng để học online nữa”, con trai chị T.L. (Thanh Xuân, Hà Nội) bật khóc khi trò chuyện với mẹ sau 3 tháng học trực tuyến.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm