Điệp khúc “hết chỗ rồi!”
Cuối tháng 7, chị Nguyễn Thị Tú Trinh (28 tuổi, tạm trú tại khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương) mang theo sổ tạm trú, giấy khai sinh cùng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục mầm non của con trai Võ Thiên Tâm (6 tuổi) đến Trường tiểu học Bình Chuẩn xin cho con vào lớp 1.
Do chị nộp hồ sơ trễ, trường đã nhận đủ số lượng học sinh, không thể chen thêm vào, nên hướng dẫn chị đưa con sang các trường lân cận để xin nhập học. Bà mẹ trẻ lại tất tả tìm tới các trường tiểu học An Phú, Tuy An, Thuận Giao, Bình Hòa... nhưng đều nhận được câu trả lời tương tự: hết chỗ rồi!
Nhiều ngày sau đó, chị Trinh tiếp tục thuê người xe ôm quen ở khu trọ chở đi “quần thảo” trên địa bàn rộng hơn. Hễ thấy chỗ nào có trường tiểu học, chị lại ôm hồ sơ vô xin cho con được học. “Có nơi chưa xem hồ sơ đã từ chối. Lại có chỗ nhận hồ sơ xem đi xem lại khiến tôi mừng rơn trong bụng, nhưng sau đó họ trả lại: phụ huynh đi trái tuyến rồi, hãy về địa phương cư trú để xin nhập học cho cháu” - chị Trinh kể.
Đang rối bời chưa biết tính sao thì tình cờ một người quen gợi ý: “Hay sang bên Tiểu học Bình Nhâm (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An) coi sao, nghe bên đó có nhận học sinh cư ngụ ngoài địa bàn xã!”. Còn nước còn tát, ngay sáng hôm sau chị Trinh đánh liều tìm tới trường này. Sau khi xem hồ sơ, nhà trường đã đồng ý tiếp nhận con chị vào lớp 1!
Nhưng nhiều phụ huynh là dân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp ở thị xã Thuận An không có được “may mắn” như chị Trinh. Chị Kim Lành (tạm trú phường Bình Chuẩn) do bận tăng ca liên tục nên tới đầu tháng 8 chị mới vội vã mang hồ sơ xin nhập học cho con đến các trường tiểu học lân cận nơi tạm trú.
Chị Đào Thị Vàng vui mừng khi hai con được vào lớp học tình thương. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Chấp nhận cho con đi học xa để được ở cùng con, nhưng tới đâu người ta cũng nói đã kín chỗ, khuyên tôi nên cho cháu về quê đi học, năm sau nhớ làm thủ tục nhập học thật sớm, trường sẽ tiếp nhận”, chị Lành cho biết.
Trước tình thế này vợ chồng chị đành chấp nhận xa con, đứa lớn được gửi về quê nội ở huyện Dĩ An (Bình Dương), còn đứa nhỏ về quê ngoại Giồng Trôm (Bến Tre) để được đi học. Những người khác thì chọn cách đưa con tới các lớp học tình thương. Nhưng...
Lớp học tình thương cũng quá tải
Sáng chủ nhật, nhiều phụ huynh tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa con đến lớp học tình thương tại nhà trọ Út Đông (P.An Phú) xin cho con nhập học. Phụ huynh đông quá, bà Nguyễn Thị Ngọc - chủ nhà trọ, cũng là người phụ trách lớp học - phải gọi thêm hai người con đến giúp ghi hồ sơ.
Vợ chồng anh Trần Văn Đạt - Trần Thị Quyên quê huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), hiện phụ bếp ăn cho một công ty chế biến gỗ tại P.An Phú (thị xã Thuận An), là một trong những người đến sớm nhất.
“Tôi có hai con, đứa chị lên 9, đã học xong lớp 2 ở quê, em nó năm nay cũng đến tuổi đi học. Nhưng vừa rồi nộp hồ sơ trễ quá, may gửi được hai con vào đây” - anh Đạt cho biết.
Sau khi làm thủ tục nhập học cho con, vợ chồng anh hớn hở ra về để kịp giờ làm buổi sáng. Phía ngoài cửa, chị Đào Thị Vàng dẫn theo hai cô con gái sinh đôi Đào Hồng Nhung, Đào Hồng Gấm (6 tuổi) vẻ mặt khá căng thẳng chờ đến lượt đăng ký.
Chị Vàng cho biết đã rời quê Tam Nông (Đồng Tháp) lên Bình Dương làm công nhân từ nhiều năm qua. Chồng mắc bệnh xương khớp đi lại khó khăn, mấy năm qua nguồn thu nhập của gia đình chỉ khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng, nhưng phải dành ra phân nửa để cho hai con học mẫu giáo.
“Tụi nhỏ đã biết đánh vần, mấy bữa nay cứ đòi đi học lớp 1 nhưng tui không biết nộp đơn chỗ nào, với lại mình cũng đuối quá rồi, xin được cho hai đứa vô lớp học tình thương là mừng lắm” - chị Vàng kể. Trong một buổi sáng, lớp học tình thương Út Đông thu nhận đủ số lượng học sinh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc cho hay: “Thường chúng tôi chỉ tiếp nhận con em gia đình khó khăn hoặc đã quá tuổi vào lớp 1 mà chưa biết chữ. Nhưng năm nay nhiều em đã học tại các trường công cũng xin vào học tiếp. Tình trạng này khiến số học sinh có nhu cầu học tăng lên gấp nhiều lần, so với khả năng tiếp nhận khoảng 70 em của cơ sở”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với lớp học tình thương của P.Thuận Giao. “Dù đã kê thêm bàn thêm ghế nhưng khả năng của lớp chỉ có thể tiếp nhận khoảng 48-50 học sinh. Những ngày qua, vẫn có nhiều phụ huynh đến xin cho con em đi học, nếu tiếp nhận hết thì có thể lên tới cả trăm em” - cô Trần Thị Mỹ Xuân, người phụ trách lớp học này, kể.
Nhiều trường “phá” chuẩn quốc gia
Cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân - trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Thuận An - cho biết, ngành giáo dục thị xã Thuận An đã lường trước nguy cơ quá tải trường lớp trong năm học mới, nhưng số học sinh tăng thực tế luôn cao hơn dự báo rất nhiều. Đó là chưa kể số con em những gia đình tạm trú dưới sáu tháng được vận động gửi về quê để học tạm, năm sau hãy chuyển lên.
“Chúng tôi cố gắng sắp xếp bằng cách giảm số lớp bán trú, tăng lớp một buổi để có thêm nhiều phòng học; đồng thời điều chuyển học sinh từ địa bàn có đông người nhập cư sang học tại địa bàn lân cận thì cũng ổn.
Nhưng chúng tôi lo sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy học, bởi với tốc độ tăng nóng như vậy, nhiều trường tiểu học sẽ rơi vào tình trạng tự phá chuẩn quốc gia” - cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân nói.