Tại Nhật Bản, luật chống lạm dụng trẻ em đã được sửa đổi lần cuối vào năm 2016 nhưng không bao gồm lệnh cấm rõ ràng nào đối với việc trừng phạt trẻ em.
Theo Kyodo News, sau khi ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em bị “kỷ luật” dẫn đến thương tích, thậm chí tử vong, ngày 19/6, quốc hội Nhật đã chính thức thông qua kế hoạch sửa đổi luật nhằm cấm phụ huynh và người giám hộ trừng phạt trẻ em bằng bạo lực. Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ tháng 4 năm sau.
Bên cạnh đó, một luật khác cũng được sửa đổi, nhằm nâng cao chức năng và quyền hành của các trung tâm bảo trợ trẻ em. Bộ luật yêu cầu tăng số lượng trung tâm bảo trợ và tư vấn cho trẻ em, đồng thời yêu cầu các trung tâm này phải có bác sĩ và luật sư thường trực.
“Nhà nước tuyên bố các hình thức kỷ luật không được phép bao gồm sử dụng bạo lực”, Kazuhiko Abe, giáo sư về quyền trẻ em tại Đại học Seinan Gakuin, cho biết. Ông cũng chia sẻ rằng cần tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những cách thức phạt trẻ mà không cần dùng đòn roi.
Kết quả bỏ phiếu thông qua sửa đổi điều luật nhằm bảo vệ trẻ em tại Quốc hội Nhật ngày 19/6. Ảnh: Kyodo |
Luật sửa đổi kêu gọi các trung tâm xử lý bạo lực gia đình cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, nhanh chóng hỗ trợ hiệu quả những trường hợp trẻ em bị bạo hành trong gia đình.
Luật sửa đổi cũng yêu cầu trường học, hội đồng giáo dục địa phương và các nhân viên trong trung tâm bảo vệ trẻ em phải giữ bí mật thông tin về các vụ bạo hành. Những bậc phụ huynh có tiền sử dùng vũ lực với con cái sẽ được tư vấn tâm lý nhằm ngăn chặn hành vi này tái diễn.
Tháng 3 năm ngoái, bé Yua Funato 5 tuổi đã qua đời ở Quận Meguro, Tokyo vì bị cha mẹ đánh đập, không chịu “tha thứ”, dù bé liên tục cầu xin. Một vụ khác xảy ra vào tháng 1 vừa qua, bé Mia Kurihara 10 tuổi cũng bị cha bạo hành đến chết dù mẹ bé ngăn cản.
Ngay trong đầu tháng này, mẹ của Kotori Ikeda và bạn trai đã bị bắt vì nghi ngờ dùng bạo lực khiến bé Ikeda tử vong.
Theo Strait Times, cảnh sát Nhật Bản đã tiếp nhận 80.104 vụ, con số kỷ lục, về lạm dụng trẻ em xảy ra trong năm 2018. Trong số đó, 14.821 vụ có ghi nhận sử dụng bạo lực, tăng 20,1% so với năm 2017. Các vụ án nghiêm trọng khác cũng được nêu ra làm dẫn chứng cho việc cấp thiết ban hành bộ luật mới, bảo vệ trẻ em và hạn chế tối đa hành vi ngược đãi trẻ.