Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Phụ huynh ở TP.HCM vật vã, suýt bị lừa trước kịch bản con phải cấp cứu

Nhiều phụ huynh tại TP.HCM nhận được những cuộc gọi lừa đảo, nói con bị tai nạn cần phẫu thuật gấp. May mắn là nhiều phụ huynh kịp thời tỉnh táo, không bị lừa tiền.

Phụ huynh nhận được điện thoại nói con bị tai nạn, phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: Phúc Thịnh.

Từ ngày 3-6/3, liên tiếp nhiều phụ huynh tại TP.HCM nhận được cuộc gọi thông báo con bị tai nạn, phải nhập viện, phụ huynh cần chuyển tiền để con phẫu thuật gấp.

Đối tượng lừa đảo thường mạo danh là giáo viên, nhân viên nhà trường, liên tục gọi điện, nhắn tin nói trẻ đang nguy kịch, cần chuyển tiền gấp để được làm phẫu thuật.

Nhiều cha mẹ vì thương con, mất bình tĩnh nên gửi ngay hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà không hề nghi ngờ. May mắn là một số phụ huynh kịp thời nhận ra đây chỉ là chiêu trò nên không bị mất tiền oan.

Kịp tỉnh táo ở "phút 89"

"Mình mới gặp một vụ lừa đảo chấn động nên phải cảnh báo mọi người liền. Lúc nãy khi chuẩn bị ngủ, mình nhận điện thoại của một phụ nữ khóc lóc, tự xưng là cô giáo của con mình, nói con bị ngã cầu thang ở trường, đầu chảy máu, phải mổ khẩn cấp", phụ huynh B.N. đăng bài trên Facebook, kể lại tình huống lừa đảo vừa gặp phải vào sáng 6/3.

Chị N. cho biết đối tượng lừa đảo không "hành sự" một mình mà có nguyên một nhóm để đóng nhiều vai khác nhau. Trong cuộc gọi sáng 6/3, ngoài một phụ nữ tự xưng là cô giáo, một người đàn ông khác tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Người này nói với chị N. rằng con chị bị chấn thương sọ não, cần phẫu thuật ngay để không nguy hiểm về sau.

Để tăng độ uy tín, người phụ nữ đóng vai cô giáo còn khóc lóc thảm thiết, nói chị N. chuyển 50 triệu đồng để tạm ứng tiền phẫu thuật cho con. Thông tin chuyển khoản được người này gửi cho chị N. thông qua tin nhắn.

"Lúc đó, tôi hoảng loạn, cũng khóc lóc vật vã, suýt gửi tiền cho người ta luôn. Tự nhiên sau đó, tôi tỉnh táo lại, tự hỏi vì sao không phải cô giáo liên lạc mà là một phụ nữ lạ mặt. Vì thế, tôi gọi ngay cho cô chủ nhiệm nhưng không được nên chuyển sang gọi thầy hiệu trưởng. Gọi rồi mới biết con tôi lành lặn, đang học ở trường", chị N. thông tin.

Trao đổi thêm với Zing, chị B.N. cho biết khi gọi cho thầy hiệu trưởng, chị được thầy cảnh báo về các trường hợp lừa đảo tương tự xảy ra trong thời gian gần đây. Nhà trường cũng đã thông báo công khai trên trang web, nhưng do bận rộn, chị N. chưa nắm được thông báo này. Người mẹ thở phào nhẹ nhõm vì kịp thời tỉnh táo nên không bị lừa.

phu huynh bi lua tien anh 1

Chị B.N. và chị D.U. nhận được tin nhắn số tài khoản, yêu cầu chuyển tiền để phẫu thuật gấp cho con. Ảnh: PHCC.

Chị D.U., phụ huynh có con học tại một trường tư thục ở quận 10, cũng suýt trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi này.

Sáng 6/3, chị U. nhận được điện thoại từ số lạ, một người tự xưng là thầy giáo thể dục của con trai. Người này nói rằng con chị bị ngã, hôn mê và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp đó, một người tự xưng là nhân viên bệnh viện gọi cho chị U., thông báo tình hình của con trai đang nằm tại bệnh viện.

Không dừng lại ở đó, nhóm lừa đảo gọi cho chị U. liên tục 4 cuộc, gợi ý chị chuyển khoản hơn 50 triệu đồng để "thầy giáo" làm thủ tục phẫu thuật cho con. May mắn, chị U. không bị mắc lừa. Khi nhận tin báo giả, chị đã liên hệ trực tiếp với nhà trường. Phía nhà trường xác nhận con chị vẫn đang ở lớp và không hề bị thương như nhóm lừa đảo nói.

"Khi nhận cuộc gọi đầu tiên, chân tay mình bủn rủn vì con trai từng gãy xương tay mà không biết. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, mình đã vượt qua 'cửa ải' của 'tập đoàn' lừa đảo", chị U. chia sẻ.

Sở giáo dục, phòng giáo dục ra cảnh báo khẩn

Ngay trong ngày 6/3, Sở GD&ĐT TP.HCM ra thông báo về việc rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Trong thông báo, sở đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin học sinh, sinh viên, giáo viên được quản lý tại đơn vị.

Các phòng giáo dục có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý phải khẩn trương điều tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo sự kết nối, liên lạc thông tin giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

Các cơ sở giáo dục được sở yêu cầu phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh, sinh viên, giáo viên cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin để tránh trường hợp nhận những thông tin sai sự thật.

Nhận chỉ đạo từ Sở GD&ĐT TP.HCM, ngay trong chiều 6/3, Phòng GD&ĐT quận 3 lập tức thông báo nhanh đến các trường để nhà trường nhắc nhở phụ huynh cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, cho biết một phụ huynh có con học tại trường THCS trên địa bàn quận đã nhận được cuộc gọi lừa đảo tương tự. May mắn là phụ huynh này được cảnh báo sớm nên không bị lừa.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, cũng cho biết phòng đã chỉ đạo các trường thông báo đến phụ huynh về các vụ lừa đảo đang xảy ra, đồng thời nhắc nhở phụ huynh cần đề phòng, nâng cao tinh thần cảnh giác. Trong trường hợp khẩn cấp, phụ huynh cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm hoặc các kênh thông tin khác của trường để được xác nhận thông tin.

Ông Vĩnh Nguyên nhận định những kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý thương con của phụ huynh. Cha mẹ thương con nên dễ mất bình tĩnh khi nghe tin con gặp tai nạn, do đó dễ làm theo yêu cầu mà không hề nghi ngờ hay kiểm chứng thông tin.

"Phụ huynh cần nhớ rằng nếu có vấn đề khẩn cấp, nhà trường sẽ luôn báo tin cho phụ huynh thông qua các kênh chính thức của nhà trường, không bao giờ thông báo theo kiểu tự phát", ông Vĩnh Nguyên nhấn mạnh.

Nhà trường cũng ra thông báo

Thông tin với Zing, chị D.U. cho biết sau khi các vụ lừa đảo được thông tin trên báo đài, nhà trường đã gửi tin nhắn trực tiếp cho phụ huynh để nhắc nhở phụ huynh nâng cao cảnh giác.

phu huynh bi lua tien anh 2

Các trường gửi tin nhắn khẩn đến phụ huynh, nhắc nhở phụ huynh nâng cao cảnh khác trước những trò lừa đảo. Ảnh: PHCC.

Trong tin nhắn thông báo, nhà trường nhấn mạnh trường chỉ liên hệ với phụ huynh về tình trạng sức khỏe và học tập của trẻ thông qua giáo viên chủ nhiệm, bộ phận tư vấn và tin nhắn SMS của nhà trường.

"Nếu nhận được bất kỳ thông tin nào thông qua các số điện thoại mà nhà trường cung cấp, phụ huynh vui lòng liên hệ với nhà trường để được xác nhận lại thông tin", thông báo nêu.

Nói về việc cảnh báo các vụ lừa đảo chuyển tiền, ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết nhà trường đã nhắn tin thông báo ngay cho phụ huynh và cảnh báo phụ huynh cần cẩn trọng khi nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi liên quan tình hình sức khỏe của con.

Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương nhấn mạnh nếu gặp vấn đề liên quan con em mình, phụ huynh cần liên hệ trực tiếp với các kênh thông tin chính thức của trường hoặc liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con để được xác nhận.

Tương tự, trường Quốc tế Việt Úc (quận 10, TP.HCM) đã ngay lập tức gửi thông tin cảnh báo đến toàn bộ phụ huynh thông qua hệ thống tin nhắn nhanh SMS, đồng thời thông báo chính thức lên website và kênh liên lạc của nhà trường với phụ huynh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo vụ của nhà trường cũng được triển khai để ngay lập tức hỗ trợ phụ huynh.

"Mặc dù các kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình rất chặt chẽ, nhiều phụ huynh vẫn bị lừa tiền. Đây là sự việc đáng tiếc và không mong muốn xảy ra đối với cả nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, chúng tôi được biết chính quyền và các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Nhà trường sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa các biện pháp bảo mật để bảo đảm an toàn thông tin cho phụ huynh và học sinh", nhà trường nhấn mạnh.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Kịch bản có con cấp cứu ở viện, lừa hàng trăm triệu đồng từ phụ huynh

Bệnh viện Nhi đồng 1 và Chợ Rẫy liên tiếp nhận thông báo phụ huynh nhận cuộc gọi lạ thông báo con đang nguy kịch, đề nghị chuyển tiền phẫu thuật.

Thái An

Bạn có thể quan tâm