Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh sợ, trường lo nếu phải xét nghiệm cả lớp ngay khi có F0

Lãnh đạo các trường học đánh giá việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay cho toàn bộ học sinh khi lớp có F0 gây tốn kém, không cần thiết.

Con trai chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) từng mắc Covid-19. Thời gian đó, mỗi lần con phải lấy mẫu test là một lần đánh vật. Chị không thể tự lấy mà phải đưa con gặp bác sĩ.

“Giờ Bộ Y tế hướng dẫn nếu lớp có F0, học sinh toàn bộ lớp phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay, tôi rất lo. Đến lúc con được đi học, không lẽ cứ ngày nào có bạn học mắc Covid-19, con lại bị ‘ngoáy mũi’ một lần”, nữ phụ huynh chia sẻ.

xet nghiem ca lop ngay khi co F0 anh 1

Phụ huynh cho biết trẻ sợ bị lấy mẫu test Covid-19. Họ lo con sẽ sợ đến trường nếu cứ lớp có ca F0, con lại bị test nhanh. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Lo trẻ sợ đến trường

Chị Nguyễn Phương cho hay lớp con có đến gần 50 học sinh. Con chưa đi học trực tiếp nhưng quan sát tình hình dạy học tại trường đối với học sinh cấp THCS, THPT hoặc tiểu học ở ngoại thành, chị thấy khi trở lại trường, con khó tránh khỏi việc trong lớp có F0, con tiếp xúc gần với người mắc Covid-19, thậm chí chính con nhiễm nCoV.

Như vậy, nếu không may, lớp con có ca mắc, hôm đó, con phải test nhanh kháng nguyên. Vài hôm sau, lớp có thêm ca mắc, con lại bị lấy mẫu thêm.

Chị lo lắng với hướng dẫn mới của Bộ Y tế, việc lấy mẫu test nhanh cả lớp khi có ca mắc Covid-19 sẽ khiến con sợ đến trường dù trong những ngày phải học online, cậu bé rất mong chờ ngày trở lại lớp.

Chia sẻ nỗi lo này, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận nội thành Hà Nội cho biết nếu các trường thực hiện theo hướng dẫn mới, học sinh THCS, THPT tham gia việc test nhanh được do các em đã lớn, có thể làm chủ hành động khi nhân viên y tế thực hiện thao tác.

Tuy nhiên, trẻ tiểu học, mầm non thường gào khóc, hoảng sợ nếu bị lấy mẫu test nhiều lần. Cô nhận định việc này có thể gây ra tâm lý sợ đến trường đối với trẻ nhỏ.

Chị Phương Mai (Bắc Từ Liêm) cũng phân vân trước cách xử lý khi lớp học có học sinh là F0. Theo quy định, học sinh phải đeo khẩu trang nhưng chị nghĩ trẻ em khó tuân thủ. Giờ ra chơi, các con chơi chung, tiếp xúc gần. Như vậy, trong lớp, số lượng học sinh có nguy cơ lây nhiễm khá cao.

Nhưng nếu vì thế mà test nhanh toàn bộ trẻ trong lớp đó, chị Mai thấy không cần thiết. Hai con chị sợ việc lấy mẫu. Bản thân chị cho rằng nếu con không trong diện F1, chỉ nên test nhanh kháng nguyên khi con có triệu chứng nghi mắc Covid-19.

Hơn nữa, nữ phụ huynh cho rằng việc xét nghiệm ngay cho cả lớp khi có F0 không cần thiết.

“Ví dụ, lớp con tôi có hơn 50 học sinh. Hôm nay, một bạn không may trở thành F0. Toàn bộ lớp được test nhanh. Nhưng trong hôm đó, kết quả test chưa ra 2 vạch. Các con tiếp tục đến lớp. Vài hôm sau, một số bạn mới ra kết quả dương tính dù có thể nhiễm nCoV từ ca F0 trước, mất mấy hôm ủ bệnh. Lúc này, y tế lại test cả lớp tiếp sao?”, chị Mai đặt câu hỏi.

Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), có chung băn khoăn về tính cần thiết của việc xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp có trường hợp F0.

Theo thầy, học sinh đến lớp giao tiếp, tiếp xúc với nhau. Do đó, trường và bên y tế khó kiểm soát để biết ai là F1 và đúng là phải xét nghiệm rộng mới biết các em có nhiễm virus hay không. Tuy nhiên, khi một học sinh vừa được kết luận mắc Covid-19, tại thời điểm đó, việc test nhanh chưa thể xác định ai dương tính với SARS-CoV-2.

xet nghiem ca lop ngay khi co F0 anh 2

Chi phí mua kit test sẽ rất lớn nếu phải xét nghiệm nhanh toàn bộ học sinh trong lớp có F0. Ảnh: PAHO.

Chi phí lớn, khó thực hiện

Thầy Đặng Việt Hà nói thêm việc thực hiện test nhanh toàn bộ học sinh trong lớp sẽ gây khó khăn cho các trường ở khâu chuẩn bị nhân lực và kinh phí, đặc biệt khi học sinh đi học thường xuyên hơn.

Như tại trường THCS Chu Văn An, cả trường có gần 2.500 học sinh, mỗi lớp tầm 45 em. Thời gian gần đây, số lượng học sinh mắc Covid-19 dao động trong khoảng 20-100 em.

Hiện tại, do nhiều em là F0, F1, nhiều lớp chỉ 20-30% hoặc một nửa đi học trực tiếp. Trong trường hợp học sinh đi học với tần suất lớn hơn, kinh phí để xét nghiệm toàn bộ lớp trong trường hợp có F0 sẽ đội lên rất nhiều.

Trường có thể xin thêm kinh phí để phục vụ việc test nhanh nhưng khó khăn về mặt nhân lực vẫn tồn tại. Cùng với băn khoăn về tính cần thiết của việc xét nghiệm ngay cho học sinh cả lớp, thầy Việt Hà cho rằng trường cần xin ý kiến chỉ đạo kỹ, sát thực và dễ thực hiện hơn.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), cũng đánh giá việc test nhanh cho cả lớp khi có một em mắc Covid-19 sẽ gây tốn kém.

Với cách làm hiện tại, trường và y tế chỉ test nhanh cho những em được xác định là F1, tức ở diện hẹp, không test cả lớp. Và thông thường, học sinh được phát hiện mắc Covid-19 tại nhà. Lúc đó, phụ huynh báo tin cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên báo lại với lớp. Những em tiếp xúc gần hoặc có triệu chứng được cha mẹ cho xét nghiệm, ít khi trường test nhanh với số lượng lớn.

Dù vậy, trường Marie Curie cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, kit test. Song hướng dẫn mới của Bộ Y tế sẽ là nỗi lo của nhiều trường khác có kinh phí eo hẹp.

Thầy Khang cho rằng trong trường hợp có ca mắc Covid-19 ở nhiều lớp, rải rác ở nhiều ngày, một số trường có thể không trụ nổi nếu phải tự bỏ tiền mua kit test cho học sinh. Ngoài ra, phụ huynh sẽ than phiền khi con họ phải test đi test lại.

Phó hiệu trưởng trường THCS ở nội thành Hà Nội cũng đánh giá việc tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp có F0 rất khó và không thể thực hiện.

Cô chia sẻ hiện tại, số ca mắc Covid-19 trong giáo viên, học sinh rất lớn. Trong khi đó, các trường được cấp ngân sách có hạn, không thể đủ kinh phí để mua kit test với số lượng lớn như vậy.

Hơn nữa, thông thường, khi con ngồi gần ca F0 hoặc có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2, phụ huynh thường tự test nhanh tại nhà và báo cáo nhà trường. Vì thế, vị phó hiệu trưởng cho rằng việc trường xét nghiệm thêm lần nữa là không cần thiết, tiêu tốn tiền của, nhân lực, thời gian.

Liên quan đến việc xử lý khi học sinh mắc Covid-19, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng còn có điểm bất cập khi học sinh là F0, sau 7 ngày, test ra kết quả âm tính vẫn phải ra y tế phường xin giấy xác nhận mới được đi học trở lại.

Thầy đánh giá động tác này phiền phức vì y tế phường chỉ test nhanh như gia đình tự test, còn quá tải vì số lượng người đến xin xác nhận lớn.

Vì vậy, thầy đề xuất sửa đổi để phù hợp tình hình thực tế, giảm rắc rối cho phụ huynh, tức chỉ cần cha mẹ test nhanh cho con 3 lần ra kết quả âm tính, trẻ có thể trở lại trường học bình thường.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Theo đó, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước.

Ở bước thứ 3, đối với lớp có học sinh F0, Bộ Y tế hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2, được xác định là F0 và xử lý theo quy định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính cần cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.

Học sinh mắc Covid-19 tăng, nhiều trường xoay xở dạy học

Do số ca F0, F1 cao, không ít trường cho toàn bộ học sinh hoặc một số lớp chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm