Trước thềm kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng, nhiều thí sinh đang tăng tốc ôn thi, học đến 11-12 giờ/ngày. Ảnh minh họa: Unsw. |
Chỉ còn gần một tháng nữa, Phương Linh (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Không những thế, Linh cho biết em còn tham dự 2 kỳ thi vào trường chuyên gồm THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Khối lượng kiến thức phải ôn tập nhiều, càng gần ngày thi, Linh càng lo lắng hơn. Em cho biết những ngày này, hôm nào, em cũng học từ sáng đến khuya. Tuy nhiên, cứ 23h mỗi ngày, mẹ em lại vào phòng và nhắc em đi ngủ sớm.
“Bố mẹ em rất tâm lý. Dù đang giai đoạn nước rút, bố mẹ cũng yêu cầu em phải đi ngủ sớm, không cho phép em thức quá muộn để giữ gìn sức khỏe. Không những thế, mẹ còn thường xuyên nấu những món em thích, thậm chí ngồi học cùng để giảng bài cho em", Phương Linh nói.
Sốt ruột vì con học quá nhiều
Chia sẻ với Zing, Linh cho biết thời điểm hiện tại, thời gian học một ngày của em cũng lên đến 11-12 giờ/ngày. Ngoài việc học ở trường, Linh tham gia học thêm 3 buổi/tuần. Có những ngày đi học thêm buổi tối, về nhà chỉ muốn lên giường, Linh vẫn cố gắng tự học, giải thêm vài đề rồi mới nghỉ ngơi. Dù bố mẹ thường xuyên nhắc đi ngủ sớm, nhiều hôm, Linh vẫn học đến 00h30.
“Thời gian không còn nhiều nên em cũng học nhiều hơn, chủ yếu luyện kỹ năng giải đề, tăng tốc độ làm bài. Luyện đề nhiều nên em cũng mệt hơn trước, hầu như không có ngày nghỉ", Linh chia sẻ.
Dù bố mẹ thường xuyên nhắc đi ngủ sớm, nhiều hôm, Linh vẫn học đến 00h30. Ảnh: NVCC. |
Nữ sinh cho biết sức khỏe em vốn không tốt, hay bị ốm vặt. Vì vậy, thấy con học nhiều, bố mẹ em cũng rất sốt ruột. Nhiều lần, Linh thấy sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt bố mẹ. Nữ sinh cho biết dù bố mẹ không áp lực em phải đỗ, tuy nhiên, em lại tự áp lực cho bản thân để đạt được mục tiêu, vì vậy, căng thẳng vẫn thường trực.
Giống như Linh, thời điểm này, con gái chị Thanh Huyền (quận Mỹ Đình, Hà Nội) cũng đang tăng tốc ôn thi.
“Con dự định thi vào một trường THPT công lập và 3 trường chuyên, vì vậy, việc ôn tập chắc chắn căng thẳng hơn. Một tuần, ngoài việc học trên trường, con học thêm 5 buổi, đa số là vào buổi tối. Đi học ở trường về, con sấp ngửa ăn tối để kịp 17h45 vào lớp. Về nhà, con lại tự học, có khi đến 1-2h, vợ chồng tôi rất xót”, chị Huyền chia sẻ.
Thời gian học của con dày đặc, vợ chồng chị Huyền không tránh khỏi lo lắng, sốt ruột. Thương con, chị Huyền cũng chỉ biết động viên, đồng hành cùng con bởi gia đình không áp lực về thành tích nhưng con tự áp lực bản thân phải thi đỗ.
“Con rất cá tính, tự đặt ra mục tiêu và ép bản thân phải làm được. Biết vậy nên vợ chồng tôi cũng thường xuyên trò chuyện, động viên con đỗ được là điều tốt, nhưng nếu không may mắn, bố mẹ vẫn có phương án dự phòng để hỗ trợ con. Quan trọng là quá trình con cố gắng và nỗ lực", chị Huyền chia sẻ.
Nấu món con thích, tìm cách để con ra ngoài chơi
Biết con áp lực, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, chị Huyền luôn tìm cách để gieo tích cực cho con. Giai đoạn này, sớm nhất cũng phải 24h con mới đi ngủ. Chính vì vậy, sáng thứ 7 được nghỉ, chị thường để con ngủ thoải mái.
Để con có tinh thần tốt, chị Huyền giống như người bạn, lắng nghe con chia sẻ khó khăn, nguyện vọng. Chị kể cuối năm ngoái, con nói có nguyện vọng đi lễ để cầu may mắn, đỗ đạt. Chị Huyền cho hay điều đó chứng tỏ con đang rất lo lắng cho kỳ thi.
Vậy là mùng 2 Tết Nguyên đán, cả gia đình chị cùng nhau đi Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo mong muốn của con để tinh thần được giải tỏa.
Không những thế, người mẹ này còn thường xuyên tìm cách để kéo con khỏi bàn học, khuyến khích con ra ngoài chơi. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa rồi, chị Huyền cho biết con có ý định dành nguyên 5 ngày để tự học ở nhà. Biết tính con đã nói là sẽ làm, chị Huyền khéo léo gợi ý về những điểm vui chơi mà con thích.
“Con cũng rất muốn đi chơi nhưng có lẽ quá lo cho kỳ thi nên không dám nghỉ. Mẹ phải đánh vào tâm lý, gợi ý theo sở thích để con đồng ý rời xa bàn học một ngày. Hôm đó cả nhà đi ăn, đi xem phim, đến nhà sách…”, chị Huyền chia sẻ mỗi khi con xin phép đi chơi với bạn bè, vợ chồng chị rất mừng và ủng hộ, sẵn sàng chi tiền hoặc dành thời gian đưa đón con.
Trái ngược với nhiều gia đình, chị Huyền lại không cấm con sử dụng các thiết bị công nghệ, cho phép con sử dụng điện thoại, máy tính riêng trong thời gian ôn thi. Theo chị, việc này cho thấy bố mẹ rất tin tưởng con, bù lại, con phải biết tự giác và có ý thức kỷ luật.
Chị Huyền thường xuyên tìm cách để kéo con khỏi bàn học, khuyến khích con ra ngoài chơi. Ảnh: NVCC. |
Giống như chị Huyền, mẹ của Phương Linh cũng rất tâm lý. Nữ sinh kể ngoài việc không ép con học khuya, mẹ của em còn thường xuyên nấu những món ăn em yêu thích để tẩm bổ cho con gái. Nếu hôm nào quá mệt hoặc đuối sức, bố mẹ Linh cũng tạo điều kiện cho em nghỉ một buổi học ở trường hoặc học thêm.
“Có lần em học đến 2h do hôm sau được nghỉ. Mẹ biết nên sáng hôm sau đã dậy thật sớm, đi chợ mua đồ để nấu ăn bồi bổ. Ăn xong là em hồi sức, học tiếp được luôn", Linh kể.
Không những thế, Linh còn cảm thấy may mắn khi có bố mẹ đồng hành, hỗ trợ trong học tập. Nữ sinh cho biết mẹ em từng là học sinh chuyên Toán, vì vậy nhiều lúc, mẹ ngồi học cùng, kèm cặp, hướng dẫn em giải bài tập của môn học này. Đối với Linh, đây là điều quý giá không phải bạn nào cũng có được.
Lên kế hoạch từ sớm, chuẩn bị phương án dự phòng
Theo chị Huyền, việc bố mẹ cùng con lên kế hoạch học tập từ sớm cũng là cách để con bớt căng thẳng, không học dồn trong giai đoạn nước rút. Ngay từ những năm cấp 1, chị đã kể cho con nghe về môi trường ở những trường chuyên, từ đó gợi cho con sự yêu thích và có động lực để hướng đến.
Tiếp đến, đầu năm lớp 9, chị và con đã cùng ngồi lại, phân tích điểm mạnh, yếu của con để chọn ra khối chuyên con sẽ theo học.
“Con đã học Tiếng Anh trong nhiều năm, nếu thi chuyên Anh, con sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, con lại có thêm dự định thi thêm chuyên Sinh. Lúc này, bố mẹ cũng phân tích để con hiểu điểm mạnh của bản thân, song cũng không cấm cản nguyện vọng của con”, chị Huyền cho biết gia đình vẫn đăng ký cho con học thêm môn Sinh học. Sau một thời gian tự trải nghiệm và đánh giá, cuối cùng, con quyết định chỉ thi chuyên Anh.
Bên cạnh việc hỗ trợ con học tập, chị Huyền cho biết gia đình cũng chuẩn bị thêm phương án dự phòng để con yên tâm học tập. Hiện tại, chị đã tìm hiểu thêm một trường THPT bán công ở gần nhà, trường hợp xấu nhất, nếu không đỗ trường chuyên hoặc công lập, con vẫn tự tin còn lựa chọn khác.
Tương tự, nghỉ hè năm lớp 8, Phương Linh cũng cùng mẹ cũng ngồi lại phân tích, đánh giá năng lực của bản thân để định hướng chọn trường. Linh cho biết bố mẹ rất tôn trọng quyết định chọn khối chuyên Anh của em, từ đó cùng lên kế hoạch ôn tập từ sớm.
“Bố mẹ em không đặt nặng việc em phải đỗ trường chuyên, nhưng khi em có nguyện vọng và mục tiêu, bố mẹ lại rất ủng hộ, đầu tư tiền cho em đi học thêm bên ngoài để ôn luyện. Những ngày học buổi tối, bố mẹ thậm chí xin về sớm để tiện đưa em đi học”, Linh nói và cho biết việc học dàn trải từ đầu năm đã giúp em chắc kiến thức, không học dồn trong những tháng cuối cùng.
Hiện tại, để Linh bớt lo lắng, bên cạnh một nguyện vọng trường công, mẹ của em cũng mua thêm hồ sơ trường tư thục để dự phòng.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.