Nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia trại hè với chi phí mỗi khóa lên đến hàng chục triệu đồng. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Cuối tuần này, con trai chị Nguyễn Thị Thúy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ kết thúc năm học lớp 1 và bước vào kỳ nghỉ hè. Ngay từ đầu tháng 5, chị đã dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin về các trại hè để con có chỗ chơi trong 2 tháng tới.
Dù đã có kinh nghiệm khi cho con tham gia trại hè vào năm ngoái, năm nay, chị vẫn chưa “chốt" được trại nào vì còn phân vân nhiều thứ.
“Tôi không quá phân vân về chi phí, tuy nhiên, điều cần cân nhắc là nội dung chương trình cũng như chất lượng thực tế của các trại hè”, chị Thúy chia sẻ.
Cho con đi trại hè để tránh xa tivi, điện thoại
Chị Thúy cho biết cứ đến dịp hè, trường tiểu học công lập không nhận dạy thêm, trong khi đó, cha mẹ thì vẫn phải đi làm. Nhà chị may mắn có bà giúp trông cháu. Thế nhưng, bà chỉ chăm chút cho cháu chuyện ăn ngủ, sinh hoạt, không thể chơi với cháu. Thời gian còn lại, chị Thúy lo con dễ “dán” mắt vào tivi cả ngày.
“Trong năm học, mỗi ngày, con xem tivi khoảng 2 giờ. Nếu nghỉ hè, con có toàn bộ thời gian rảnh, bố mẹ lại không thể ở nhà để kiểm soát được. Vợ chồng tôi cũng muốn dành thời gian chơi với con, nhưng bận quá, nên đăng ký cho con tham gia trại hè là lựa chọn tối ưu", chị Thúy nói.
Chị Thúy nhận thấy nếu tham gia trại hè, con sẽ tránh xa tivi, điện thoại, lại có thêm kỹ năng mới. Ảnh: NVCC. |
Theo phụ huynh này, với trại hè, thời gian con tham gia vẫn giống như đi học bình thường. Con được các cô lo ăn, lo ngủ, có bạn chơi, lại bổ sung thêm được kỹ năng mềm nào đó mà không nặng nề về kiến thức như học văn hoá.
Bên cạnh đó, chị Thúy cho biết năm ngoái, để con không bỡ ngỡ khi vào lớp 1, chị cũng đã đăng ký cho con tham gia một khóa trại hè tiền tiểu học. Nhận thấy có hiệu quả, chị dự tính mỗi năm, cứ đến hè sẽ lại đăng ký cho con trải nghiệm.
Tương tự, muốn con hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đồng thời tạo cho con môi trường được trải nghiệm, học hỏi kỹ năng cần thiết, năm nào, gia đình chị Quỳnh Hoa (Hà Nội) cũng nghiên cứu để lựa chọn cho những trại hè phù hợp với định hướng của gia đình và nhu cầu của con.
Chị cho biết từ khi con 5 tuổi, gia đình để con tham gia trại hè, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Khi đó, với các buổi ngoại khóa trong ngày, con khá nhút nhát, thường cần ba mẹ đi cùng. Dần dần, những buổi trải nghiệm tăng lên, con quen hơn. Năm hay, con sẽ tự tham gia trại hè mà không cần đến ba mẹ.
“Tôi nghĩ đây cũng là cách để con tránh bị sa đà vào điện thoại hay các ứng dụng Internet”, chị Hoa nói.
Ưu tiên những trại hè kéo dài 2 tháng
Năm nay, con gái chị Hoa sẽ tham gia trải nghiệm hè 2 tháng, bởi theo chị, đây là thời gian vừa đủ để con có nhiều trải nghiệm, học hỏi kiến thức.
Gia đình chị cũng không chạy theo số đông để đăng ký cho con tham gia các khóa trại hè tiếng Anh. Nữ phụ huynh không đánh giá cao các trại hè này. Chị cho rằng khi học trong thời gian ngắn, các con dễ bị tâm lý đề phòng và hết môi trường để tương tác khi kết thúc khóa học.
Chị cũng bỏ qua các trại hè quá ngắn như học kỳ quân đội vì nghĩ con không đủ thời gian hình thành nếp sinh hoạt và gia đình không có thời gian sát sao khi kết thúc học kỳ.
Thay vào đó, hai vợ chồng chị định hướng con tham gia các trại hè kéo dài từ 2 tháng, bên cạnh đó là những chương trình tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước, hoặc các trại hè về nghệ thuật như vẽ tranh, nhạc kịch, bơi lội… để có tính ứng dụng nhiều hơn. Chị cũng để con đưa ra các yêu cầu về chương trình ngoại khóa và thảo luận cùng bố mẹ.
Tương tự, chị Thúy ưu tiên chọn cho con những trại hè kéo dài ít nhất 2 tháng để con có trải nghiệm đủ lâu, đồng thời không quá nhiều ngày nghỉ ở nhà. Phụ huynh này cũng đặt ra một số tiêu khác trước khi chọn trại hè cho con như trại hè phải được tổ chức bán trú, từ thứ 2 đến thứ 6 và gần nhà để bố mẹ tiện đưa đón.
Không những thế, chị Thúy cũng đặt ra những tiêu chí về nội dung chương trình để phù hợp với sự phát triển của con. Khác với năm ngoái, năm nay, chị Nguyễn Thúy ưu tiên lựa chọn trại hè có các chương trình học phát triển cảm xúc, đồng thời tăng vận động cho trẻ.
“Mỗi giai đoạn, con lại có nhu cầu phát triển khác nhau. Ví dụ, năm ngoái, tôi ưu tiên việc con tự tin, tự lập khi vào lớp 1. Còn năm nay, con lớn hơn, các kỹ năng đó đã được hình thành, tôi muốn con tiếp tục phát triển cảm xúc, giao tiếp, khám phá và tăng vận động sau một năm học văn hóa căng thẳng", chị Thúy nói.
Một số phụ huynh để con đưa ra các yêu cầu về chương trình ngoại khóa và thảo luận cùng bố mẹ trước khi đăng ký. Ảnh minh họa: VUS. |
Không hoàn toàn tin vào quảng cáo
Xác định mục tiêu là vậy, thế nhưng, khi các chương trình trại hè mọc lên như nấm, chị Nguyễn Thúy cũng phân vân giữa nhiều lựa chọn. Mỗi khi lướt Facebook, cứ thấy bất kỳ đơn vị nào quảng cáo về trại hè cho trẻ, chị Thúy đều xem qua. Nếu đáp ứng được một số tiêu chí, chị sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn.
Tuy nhiên, lo ngại chất lượng của trại hè, phụ huynh này không hoàn toàn tin vào quảng cáo. Chị cho rằng những đánh giá của phụ huynh từng trải nghiệm mới là nguồn tham khảo chân thực nhất. Chính vì vậy, chị thường tham gia các hội nhóm để xin tư vấn hoặc đọc các chia sẻ trải nghiệm của phụ huynh.
Gần một tháng, chị Thúy đã tìm hiểu tới 15 khóa trại hè khác nhau và lựa chọn được 2 khóa khá ưng ý. Theo đó, một khóa sẽ phát triển giao tiếp của con, con cũng được khám phá những điều xung quanh cuộc sống. Bên cạnh đó, con học bơi, bóng rổ để tăng vận động.
Trong khi đó, khóa còn lại lại ưu tiên phát triển cảm xúc, trí tuệ của con, dạy con biết yêu thương, trân trọng hay biết cách ứng xử. Hai khóa này có mức phí lần lượt là 19,5 triệu đồng và 22 triệu đồng cho 2 tháng tham gia.
Chị Thúy chia sẻ các khóa trại hè đều dao động ở mức phí trên dưới 20 triệu đồng/khóa. Vì vậy, chị không quá đắn đo về sự chênh lệch giá cả. Nếu tìm được chương trình phù hợp với tiêu chí đặt ra, chị sẵn sàng đăng ký.
“Tôi vẫn chưa ‘chốt' khóa nào, phần vì còn phân vân nội dung chương trình, phần vì đến đầu tháng 6, các khóa trại hè trên mới khai giảng. Tôi cũng muốn con trải nghiệm thử một buổi, lắng nghe ý kiến của con rồi mới đăng ký", chị Thúy chia sẻ.
Theo chị Quỳnh Hoa, xuất phát từ việc các gia đình mong muốn tìm cho con một nơi để sinh hoạt, giải phóng năng lượng sau một năm học vất vả, nhiều trung tâm “mọc” lên, mời chào các khóa học hè. Tuy nhiên, nhiều chương trình không giống với những gì họ quảng cáo.
“Khi các bên xây dựng chương trình, họ thường đặt lợi nhuận mà quên rằng mục đích chính là làm giáo dục, chứ không phải làm kinh doanh du lịch”, chị Hoa chia sẻ.
Theo quan điểm của chị, khi cho con tham gia một chương trình kéo dài, gia đình sẽ quan tâm đến các tiêu chí: Đơn vị tổ chức là ai? Họ đã làm bao nhiêu chương trình tương tự? Địa điểm tổ chức ở đâu? Cơ sở vật chất nơi tổ chức trải nghiệm? Sau đó mới là khung chương trình, thời gian biểu trong ngày.
“Bất kể là chương trình ngắn hay dài, gia đình vẫn luôn kỳ vọng vào chất lượng của mỗi chuyến đi, bởi những điều nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của con tại thời điểm đó”, chị Hoa chia sẻ.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.