Mới đây, một số phụ huynh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) tổ rằng khoản thu bữa ăn của học sinh khiếm thị bán trú và nội trú trong trường tăng cao so với trước.
Tăng tiền ăn bán trú
Trước tháng 9, học sinh nội trú chỉ phải đóng 35.000 đồng/ngày/3 bữa ăn. Gần 200 học sinh khiếm thị trong trường có bếp ăn riêng, do nhân viên nấu. Phụ huynh không phải đóng thêm các khoản tiền như chăm sóc nội trú, bán trú.
Sau thời điểm này, nhà trường đề nghị Công ty Hương Việt Sinh (đang cung cấp suất ăn cho học sinh sáng mắt trong trường) đảm đương luôn suất ăn cho cả học sinh khiếm thị.
Suất ăn của học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Lao Động. |
Số tiền học sinh phải đóng hiện tại là 62.000 đồng/ngày/học sinh THCS và 58.000 đồng/ngày/học sinh tiểu học nội trú. Chưa kể, các cháu ở bán trú sẽ đóng thêm 50.000/tháng, ở nội trú là 100.000/tháng tiền công chăm sóc.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, từ năm nay, học sinh THCS khiếm thị sẽ phải đóng học phí như học sinh sáng mắt. Nhà trường cũng thu 100.000 đồng/kỳ tiền mua dụng cụ thiết bị cho các con khiếm thị. Trước đây, học sinh không hề phải đóng những khoản này.
Hiệu trưởng giải trình gì?
Ngày 17/12, bà Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã có văn bản gửi Bam giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, giải trình về vấn đề này.
Theo bà Nga, mức ăn của trẻ khiếm thị trước đây là 15.000 đồng/ bữa chính, 5.000 đồng/bữa sáng, cả ngày là 35.000 đồng. Nhưng trong cuộc họp đầu năm, phụ huynh thống nhất nâng mức ăn của các cháu khiếm thị lên bằng các cháu không khuyết tật (12.000 đồng/ bữa sáng; khối tiểu học: 23.000 đồng/bữa chính; khối THCS: 25.000 đồng/bữa chính).
Việc đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh trong việc tăng mức ăn của học sinh khiếm thị để đảm bảo sức khỏe, phát triển về thể chất và sự bình đẳng trong việc chăm sóc.
Cũng theo giải trình, Công ty Hương Việt Sinh được ban phụ huynh và nhà trường chọn lựa ký hợp đồng cung cấp bữa ăn cho học sinh. Đây là công ty chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình cung cấp thức ăn. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ 10 triệu đồng cho học sinh khiếm thị, nhà trường đã chia đều để hỗ trợ vào bữa ăn cho các con (có chứng từ kèm theo).
Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc ký hợp đồng với công ty cung cấp bữa ăn cho học sinh toàn trường là hợp lý, vì học sinh khiếm thị học hòa nhập tại trường với hơn 1.500 em không khuyết tật.
Việc cho các cháu ăn uống, sinh hoạt bình đẳng với các bạn là điều mà nền giáo dục của các nước trên thế giới đều hướng đến. Điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nga khẳng định toàn bộ khoản thu chi nhà trường đã báo cáo và được sở GD&ĐT phê duyệt theo đúng quy định của Nhà nước. Nhà trường đã công khai các khoản thu này trong các cuộc họp và đăng trên trang web.