Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ trang bị cho 412 trường mầm non 412 bộ, 194 trường tiểu học 582 bộ (một trường ba bộ thiết bị). Tổng kinh phí mua sắm là 179,914 tỷ đồng, mỗi bộ trị giá 181 triệu đồng, trong đó ngân sách sẽ chi 50%, 50% còn lại các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh theo phương thức xã hội hóa (90 tỷ).
Có mặt tại buổi tọa đàm do Sở GD- ĐT TPCHCM cùng báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 12/11 nhiều đại biểu cho rằng, thành phố nên cấp 100% kinh phí để mua bảng, phần thiếu sẽ huy động từ phụ huynh khi đã thấy được tác dụng.
Theo cô Mai Xinh, giáo viên trường tiểu học Ánh Mai, việc ứng dụng thiết bị dạy học mới này thu hút học sinh. Đây là thiết bị hỗ trợ các bài học với hình ảnh, âm thanh sinh động, có nhiều phần mềm hỗ trợ học sinh học tiếng Anh rất tốt.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) vấn đề nằm ở chỗ nên lấy tiền từ nguồn nào để mua sản phẩm này.
Giới thiệu bảng tương tác. |
Bà Điệp cho biết: “thay vì phải mua 4 cái bằng 50% ngân sách và 50% xã hội hóa, thành phố nên cho mua bảng 100% ngân sách được bộ nào, còn thiếu bộ nào khi thấy hay, có tác dụng tốt phụ huynh sẽ tự động đóng tiền mua. Nếu thực hiện liền và giao kinh phí này cho phụ huynh trong khi chưa thấy được tác dụng e sẽ khó vận động".
Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục cho biết mặc dù được chỉ định nhận bảng nhưng nhiều trường vẫn từ chối do nghèo kinh phí, không thu được tiền từ phụ huynh. Huyện Bình Chánh được trang bị 49 bảng nhưng chỉ nhận 5 bảng cho mầm non và 21 bảng ở trường tiểu học; quận Phú Nhuận 42 bảng tương tác nhưng chỉ đăng ký 28 bộ, Quận 7 được thành phố giao cho 44 bộ nhưng các trường chỉ có nhu cầu 23 bộ…
Không những đề cập đến kinh phí về vấn đề chất lượng và cách sử dụng cũng khiến nhiều trường băn khoăn
Ông Đinh Thiện Căn, trưởng phòng giáo dục Q.1 cũng cho rằng: “các trường mầm non hiện nay là có nhiều điểm lẻ, một trường có tới 4-5 địa điểm dạy, trong khi chỉ có 1 bảng, vậy bảng này sẽ đặt ở địa điểm nào cho phù hợp . Hơn nữa, chỉ cho trẻ 5 tuổi sử dụng thì việc thu hồi kinh phí rất lâu, vì số lượng học sinh lớp 5 tuổi rất ít, hơn nữa mỗi trường chỉ trang bị 1-4 bảng, nếu chia ra trong năm học trung bình một lớp chỉ học 1-2 tiết, 1 tiết như sử dụng khoảng 20 phút vậy hiệu quả từ việc học từ 1-2 tiết này như thế nào".
Bà Phạm Thị Thùy Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 2 bày tỏ lo ngại: "Hiện giáo viên vẫn chưa thể sử dụng được vì mới được tập huấn có bốn buổi. Giáo viên trẻ bận đứng lớp không theo học được, nhiều cán bộ quản lý lại lớn tuổi nên ngại tiếp cận công nghệ về không truyền thụ được do vậy công ty phải tập huấn nhiều hơn thì giáo viên mới nắm bắt và sử dụng được".
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xác nhận ban đầu dự kiến TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí nhưng vì khó khăn về tài chính nên rút lại còn 50%. Theo đó, để sử dụng bảng trung bình mỗi phụ huynh chỉ đóng 15.000 đồng/tháng và đóng trong hai năm. Riêng huyện Cần Giờ và trường nào khó khăn về tài chính, Sở sẽ đề nghị TP hỗ trợ 100%, riêng những học sinh nghèo sẽ không phải đóng số tiền này.
Về việc sử dụng bảng, ông Nam xác nhận gần 100% giáo viên không biết sử dụng nên khi mua bảng, các giáo viên phải được học hướng dẫn. Hơn nữa, việc đưa bảng vào sử dụng chưa thể thực hiện đồng bộ, hiện mỗi trường chỉ mới trang bị được 1-2 máy nên số giờ học của học sinh còn hạn chế.
"Đây chỉ là bước đầu để học sinh làm quen với thiết bị mới, Sở sẽ phối hợp với các trường, chuẩn hóa việc giảng dạy bảng tương tác trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo nhu cầu học tập của các em" - ông Nam nhấn mạnh.