Nuôi một đứa trẻ cho đến khi tốt nghiệp đại học sẽ khiến cha mẹ Trung Quốc tốn hơn 90.000 USD. Ảnh: Pexels. |
Báo cáo của Viện Nghiên cứu dân số Yuwa được công bố trong tháng 4 đã ước tính rằng chi phí chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 71.000 USD, gấp 6,9 lần so với thu nhập bình quân đầu người.
Cũng theo Viện Nghiên cứu dân số Yuwa, con số này của Trung Quốc xếp thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Hàn Quốc.
Nếu tính chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi tốt nghiệp đại học, cha mẹ Trung Quốc sẽ tốn hơn 90.000 USD. Trong đó, chi phí nuôi trẻ ở độ tuổi 6-14 chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 44,65%, tương đương 31.800 USD, theo Sina.
Khi xét theo khu vực, Thượng Hải đứng đầu Trung Quốc về chi phí nuôi dạy con. Ước tính, trung bình một gia đình bỏ ra gần 145.000 USD để nuôi con và cho con ăn học. Xếp thứ hai là Bắc Kinh với mức chi khoảng 140.000 USD. Tỉnh Sơn Đông xếp thứ 13 trong danh sách tại Trung Quốc, trung bình mỗi gia đình chi hơn 66.000 USD để nuôi con.
Báo cáo của viện nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chi phí sinh con, nuôi con đắt đỏ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định sinh con của người Trung Quốc.
Nhiều gia đình trẻ ở Trung Quốc không dám sinh thêm con vì lo ngại gánh nặng tài chính. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trước đó, trong một khảo sát của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc vào năm 20187, hơn 77% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cho biết "gánh nặng tài chính" là lý do hàng đầu khiến họ không muốn sinh con. Nguyên nhân khác là họ cảm thấy bản thân quá già hoặc sợ không có ai chăm sóc con.
Bàn về vấn đề tài chính, người Trung Quốc tin rằng gánh nặng lớn nhất chính là chi phí giáo dục. Tại quốc gia này, cha mẹ sẵn sàng đổ tất cả tiền bạc để cho con môi trường giáo dục tốt nhất. Ngoài học chính khóa ở trường, trẻ được cha mẹ cho học thêm ở trung tâm, học thêm với gia sư, học năng khiếu, tham gia các kỳ thi...
Gánh nặng tài chính thứ hai là chi phí y tế. Công nghệ y tế tại Trung Quốc phát triển, kèm theo đó là chi phí sẽ gia tăng. Dù đắt đỏ, cha mẹ Trung Quốc vẫn cho con được tiêm vaccine, khám sức khỏe và điều trị đầy đủ.
Ngoài chi phí y tế, chi phí ăn uống, nhà ở, vận tải... cũng đang tăng lên theo từng năm.
Bà Vương (sống ở tỉnh Hồ Bắc) là mẹ của một bé gái 5 tuổi. Trao đổi với Changjiang Cloud News, người mẹ cho biết bà đã tính toán sơ bộ chi phí nuôi con hàng năm là khoảng 5.800 USD. Trong số đó, 2.000 USD chi cho giáo dục, 3.600 USD chi cho sinh hoạt, vui chơi và khoảng 72 USD được dành cho chi phí khám bệnh.
Bà Vương nói thêm rằng hiện con bà còn nhỏ nên một số chi phí bà chưa thể dự tính trước. Trong tương lai, khi con gái lớn hơn, chi phí dành cho giáo dục có thể sẽ nhiều hơn.
"Tôi muốn cho con cuộc sống tốt nhất. Dù là trong sinh hoạt hay giáo dục, tôi không muốn con thua kém những đứa trẻ khác", người mẹ nói.
Khi được hỏi về ý định sinh con thứ hai, bà Vương thừa nhận bà chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ sinh thêm con. Hiện, chi phí nuôi dạy con quá cao. Bà lo ngại bản thân không đủ nguồn lực và khả năng để nuôi hai đứa trẻ cùng lúc.
"Tôi có quá nhiều điều phải cân nhắc trong việc nuôi dạy con. Một đứa trẻ đã đủ vắt kiệt thể chất và tinh thần của tôi. Nếu tôi nuôi thêm một đứa trẻ khác, tôi thực sự không chắc tôi có thể chăm sóc đầy đủ cho con. Nuôi một đứa vẫn tốt hơn", bà Vương tâm sự.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.