Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh Trung Quốc vẫn bị lừa bởi khóa học bịt mắt đọc sách

Khóa học “nhìn xuyên thấu” giúp trẻ có thể bịt mắt đọc sách, chơi rubik nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây khiến nhiều phụ huynh nhẹ dạ cả tin dễ dàng mắc bẫy.

Mong con thành tài là tâm lý của hầu hết bậc phụ huynh. Để giúp con mình có lợi thế so với bạn bè đồng trang lứa, nhiều năm gần đây, không ít phụ huynh ở Trung Quốc chạy theo trào lưu đăng ký cho con theo học các lớp bồi dưỡng kỹ năng.

Tâm lý thích độc lạ của họ khiến các khóa học về năng khiếu, trí thông minh, kỹ năng sống mọc lên như nấm. Thậm chí, lớp học kỳ quái về “siêu năng lực” tưởng chừng chỉ có trong phim viễn tưởng cũng khiến nhiều người đổ xô đến đăng ký.

khoa hoc bit mat doc sach anh 1

Lớp học dạy trẻ đọc sách khi bịt mắt vẫn thu hút rất nhiều phụ huynh đăng ký. Ảnh: Sohu.

Trò lừa bịp đằng sau khóa học “nhìn xuyên thấu”

Theo Sina, một cơ sở giáo dục tại Quảng Châu gần đây nổi lên như một hiện tượng vì khóa học về siêu năng lực “nhìn xuyên thấu”. Em trai cô Lý là một trong những học sinh theo học lớp bồi dưỡng này. Trong quá trình theo học tại đây, trẻ em được đào tạo kỹ năng nhận biết đồ vật mà không cần dùng đến mắt thường.

Tuy nhiên, cô Lý không hề tin tưởng những lời quảng cáo có cánh từ phía cơ sở giáo dục. Sau nhiều lần cho em trai thử bịt mắt để đọc chữ mà không thành công, cô khuyên mẹ nên cho em nghỉ học tại đây.

Mặc kệ sự khuyên can của con gái, mẹ cô vẫn tin đến khi hoàn thành khóa học, con trai mình sẽ có “siêu năng lực” vượt trội so với người thường.

Sau khi tiếp nhận thông tin, các phóng viên đã ngay lập tức có mặt để làm rõ hơn về hoạt động của cơ sở giáo dục này. Không gian bên trong khá nhỏ, chỉ có khoảng 3 phòng học. Tất cả cửa đều được dán giấy mờ để người ngoài không thể nhìn vào bên trong.

Giáo viên ở đây chiếu rất nhiều đoạn băng về những đứa trẻ đang bịt mắt chơi rubik, chơi trò chơi điện tử, thậm chí đọc sách. Nhân viên đều cam đoan trẻ sẽ có năng lực nhìn được thế giới xung quanh mà không cần dùng đến đôi mắt sau khi hoàn thành khóa học.

Để thuyết phục các bậc phụ huynh, cơ sở giáo dục này còn xây dựng nhân vật “giáo sư Hoàng”. Người này được giới thiệu là chuyên gia huấn luyện quân đặc chủng, có chuyên môn trong kỹ năng dò mìn mà không cần nhìn.

Khóa học có học phí tối thiểu 13.000 nhân dân tệ (hơn 44 triệu đồng), cho 40 giờ học.

Trước đó, thành phố Tây An cũng từng xuất hiện một cơ sở giáo dục với khóa học tương tự có giá gần 30.000 tệ (hơn 102 triệu đồng).

Học phí ở mức "trên trời" nhưng nhiều phụ huynh vẫn đánh mất lý trí vì lời ngon tiếng ngọt mà phía cơ sở giáo dục chào mời. Ngay ngày hôm sau, khi nhận được tiền từ phụ huynh, tất cả nhân viên của cơ sở giáo dục này biến mất không để lại tin tức. Chủ tòa nhà cho biết đối phương đã hủy hợp đồng thuê và rời đi từ trước đó.

Qua điều tra, mọi người đều ngã ngửa trước trò lừa bịp đơn giản từ phía băng nhóm lừa đảo này. Những đứa trẻ trong đoạn băng có khả năng bịt mắt chơi rubik, đọc sách thực ra do dưới chiếc khăn có một khoảng trống giúp chúng có thể nhìn thấy được.

khoa hoc bit mat doc sach anh 2

Nhiều người vẫn tin sau khóa học, con có siêu năng lực nhìn xuyên thấu. Ảnh: Sohu.

Nỗi ám ảnh muốn con chiến thắng ngay từ vạch xuất phát

Việc học của con trẻ dường như trở thành cuộc chạy đua không có điểm dừng đối với các bậc phụ huynh. Nhiều người không tiếc bất cứ giá nào để khiến con em mình có được lợi thế ngay từ những bước đi đầu tiên so với bạn bè cùng trang lứa.

Việc hủy bỏ các kỳ thi chuyển cấp để giảm gánh nặng học tập cho học sinh khiến phụ huynh phải chú trọng hơn vào bồi dưỡng các năng khiếu và kỹ năng để giúp con mình được nhận vào các trường danh tiếng.

Để giúp con mình có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh này, nhiều phụ huynh lựa chọn môn thể thao không phổ biến như khúc côn cầu, cưỡi ngựa, đấu kiếm, chơi golf. Lợi dụng tâm lý thích mới lạ, hàng loạt lớp bồi dưỡng kỹ năng kỳ quái cũng ra đời khiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh tiền mất tật mang.

Năm 2020, mạng xã hội Trung Quốc từng dậy sóng bởi video ghi lại cảnh một ông bố đứng bên đường khóc lóc kể vợ mình đăng ký hơn 10 lớp bồi dưỡng vì quá lo lắng cho việc học của con.

Cả gia đình đến thời gian ăn cơm cùng nhau cũng không có. Buổi tối, ông muốn xem TV cũng không được vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Sau khi tranh cãi với vợ, người chồng đã thực sự bê chiếc TV ra ngoài đường trong sự bất lực.

Nỗi ám ảnh muốn khiến con “chiến thắng ngay từ vạch xuất phát” của các bậc phụ huynh vô tình đặt lên vai con em mình một áp lực khổng lồ, khiến cho chúng mất đi quyền được vui chơi mà ở lứa tuổi này nên có.

7 sai lầm phụ huynh thường mắc phải

Phụ huynh thường cố gắng nuôi dạy con tốt. Nhưng trong quá trình ấy, họ khó tránh khỏi sai lầm.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm